Phong cách

Mẹ sẽ làm gì nếu con đi học bị bắt nạt, cô lập

Trái tim của trẻ như đại dương sâu thẳm, nhìn bằng mắt sẽ không cảm nhận được những dữ dội bên trong, phải bằng tất cả những giác quan yêu thương và vị tha mới khiến lũ trẻ mở lòng.

Mộc Diệp Tử

Cái chuyện đi học bị bắt nạt, bị cô lập thì quen thuộc lắm. Chắc ai cũng từng trải qua cái cảm giác khủng khiếp ấy rồi, kể cả là nạn nhân hay chỉ là người đứng ngoài quan sát.

Thời đi học, mình không bị bắt nạt, nhưng cũng từng bị cô lập. Khỏi nói, đời học sinh, tệ nhất chính là một ngày đến lớp, thấy người ta tụm năm tụm bảy bình phẩm, cười nói sau lưng mình, bày trò để phá bĩnh mình. Người mạnh mẽ đến mấy cũng sẽ có cảm giác tức đến phát khóc. Có những người yếu đuối không chịu được thì bỏ học, chuyển trường, thậm chí tự tử.

Cô lập bạn bè không chỉ là một hành vi đơn thuần của những người thích thể hiện mình là kẻ mạnh, thể hiện vị trí của người đứng đầu, duy nhất trong một lớp học để lôi kéo phe phái. Những người bước về phía đám đông không phải vì đám đông đó đúng, chỉ đơn thuần là không ai muốn mình lẻ loi, sợ phải đứng một mình, vậy thôi. Còn nạn nhân của nạn cô lập ấy - họ cũng chẳng sai, chẳng xấu, chẳng đáng ghét - nhưng họ vô tình trở thành vật cản, cái gai trong mắt của một ai đó, họ cũng có thể là đối tượng để một số người mượn làm bàn đạp thể hiện cá tính bản thân.

Những trò tưởng trẻ con ấy - hoá ra lại có sức công phá ghê gớm, có thể huỷ hoại cuộc đời của một con người. Tâm hồn của đứa trẻ, nhiều khi không chịu đựng được những tổn thương từ sự vô tâm ấy, sẽ tồi tệ vô cùng khi chúng phải chiến đấu một mình, hiểu về nỗi cô đơn quá sớm.

me-se-lam-gi-neu-con-di-hoc-bi-bat-nat-co-lap

Nhưng phải làm thế nào, nếu nạn nhân của những trò bạo lực, cô lập trường học là con của bạn?

Tháng ngày bị cô lập đã dạy đứa trẻ mới 9 tuổi như mình về nỗi cô đơn ấy là những ám ảnh không dễ dàng từ bỏ. Mình không đủ can đảm để chia sẻ với bố mẹ, anh chị, cũng không thể bỏ học để chạy trốn. Cuộc khủng hoảng kéo dài trong suốt nửa học kỳ, khiến mình thành đứa lầm lì, vô hồn trong lớp học. Điểm số cũng vì thế bấp bênh theo.

Nhưng mình may mắn vô cùng vì đã gặp được một thầy giáo mỹ thuật cực kỳ tâm lý. Ngày ấy, mình thích môn hoạ, mình vẽ cũng khá đẹp, thường được phân công vẽ hoạ báo cho lớp. Thầy dạy mỹ thuật của mình là người đã theo sát mình trong từng bức tranh. Thầy dần nhận ra, những bức vẽ của mình đã thay dần những màu rực rỡ sang những màu u ám, xám xịt. Các nhân vật trong bức tranh thường chỉ có một mình. Một ngày, thầy gọi mình lên văn phòng, thầy bắt đầu tâm sự về ngày thầy đi học, thầy rất béo, từng bị bạn bè xa lánh ra sao, thầy từnh đau khổ thế nào, nhưng rồi thầy đã tự tìm cách giải thoát cho mình bằng một bức tranh và một bài thuyết trình trước lớp. Thầy nói, thầy hiểu những bức tranh của mình đang nói gì. Và thầy mong mình có can đảm để tự thay đổi mọi thứ. Cuối cùng, mình đã chọn cách đứng dậy, tự giải thoát cho mình.

Giờ đây, nếu nạn nhân là con mình, thì mình sẽ làm gì để giúp con?

Chúng ta không thể khuyên con trả thù hay chạy đến để dạy cho “lũ trẻ kia” một bài học. Nhưng chúng ta cần phải:

- Luôn luôn quan sát mọi biểu hiện của con, lắng nghe những tâm sự của con mỗi ngày.

- Khi xảy ra sự việc, hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc con bị cô lập, bắt nạt. Bình tĩnh để phân tích cho con nghe về những đúng, sai mà con đang gặp phải. Tuyệt đối không nóng nảy, bênh vực con mà chỉ trích “lũ trẻ kia” một cách vội vàng.

- Dạy con cách đối mặt một cách thẳng thắn, nói ra những cảm nghĩ của mình trước những trò đùa cợt, phá bĩnh của các bạn trong lớp.

- Cần có buổi trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ của những đứa trẻ cầm đầu trò đùa ấy.

- Nên cho con học võ, không phải để đánh bạn mà để tự vệ thích đáng cho bản thân khi bị bắt nạt.

- Cho con đọc nhiều sách tâm lý, đạo đức và đưa con đến các chuyên gia tâm lý để con được tư vấn, trao đổi, giải toả kịp thời.

- Chủ động liên hệ giáo viên, có một buổi nói chuyện thân mật với tư cách là phụ huynh học sinh với các bạn trong lớp của con về vấn đề mà con đang gặp phải.

- Cuối cùng, khi đã làm tất cả phương án trên, nếu tình trạng bạo lực, cô lập không kết thúc, hãy trao đổi và lắng nghe ý kiến của con một cách nghiêm túc về vấn đề con đang vướng mắc. Nếu con muốn chuyển trường, chuyển lớp - hãy tôn trọng quyết định của con.

me-se-lam-gi-neu-con-di-hoc-bi-bat-nat-co-lap-1

Còn nếu con bạn là những “siêu quậy” của những trò cầm đầu trong lớp?

Đây chính là vấn đề. Trẻ con là tấm gương phản chiếu hành vi của người lớn. Chắc hẳn một đứa trẻ chỉ sử dụng bạo lực khi chúng đã trải qua vấn đề đó. Một đứa trẻ thích nổi bật, ích kỷ với bạn bè là đứa trẻ nhận được ít sự yêu thương của gia đình. Vậy thì chúng ta sẽ làm gì để giúp con hình thành tư tưởng chia sẻ - yêu thương - giúp đỡ bạn bè ngay từ khi còn nhỏ?

Bé nhà mình rất tình cảm nhưng cũng rất bướng. Bé không thích điều gì thường phản kháng luôn bằng hành động. Một lần chơi cùng các bạn trong xóm, bé không muốn cho một bạn mượn xe nên đẩy bạn ngã. Mình nhìn thấy, ngay lập tức mình gọi con và hỏi vì sao con lại làm thế? Con không trả lời, mình bảo con: - Con có biết đánh bạn là đau không? Bây giờ mẹ cũng làm tương tự như con đã làm với bạn nhé. Mình đẩy con ngã. Con bé oà khóc, chạy ra xin lỗi bạn. Từ đấy không bao giờ con có hành vi như thế nữa.

Vấn đề ở đây, không phải khi thấy con nhỏ sai, chúng ta là người lớn chỉ chép miệng cho qua. Những lần chơi chung với bạn sẽ thể hiện rõ nhất việc con mình thế nào. Khi con nhỏ sai, đa số các bố các mẹ đều cười, cho rằng con nhỏ chưa hiểu chuyện, bỏ qua cho chúng đi. Nhưng không, một lần sai không có nhận thức để sửa sẽ dẫn đến trăm ngàn cái sai nghiêm trọng, nhất là khi nó hình thành tư tưởng ích kỷ và độc đoán.

Mình không cho rằng, con trẻ sai phải đánh mắng, nhưng cho con chịu trách nhiệm với hành vi của mình là điều mà cha mẹ cần làm. Trở lại với những đứa trẻ có ương bướng, ích kỷ, hay đánh bạn, tranh đồ, khi thấy những hành động của con mình như thế, mình sẽ cho con chịu hình phạt tương tự:

- Con đánh bạn một cái rất đau, mẹ cũng đánh con một cái và giải thích để con hiểu.

- Con lấy đồ của bạn, hãy thu món đồ mà con yêu thích nhất, không cho chơi cho đến khi con hiểu về sự mất mát.

- Con chế nhạo, cô lập bạn, hãy nói chuyện với các bạn trong nhóm của con, không chơi với con trong một tuần, cho con ý thức được việc phải chơi một mình thế nào.

Cuối cùng, có một lời khuyên của một nhà tâm lý học rất hay mà mình luôn tâm đắc thế này: “ Khi đó, người lớn sẽ thấy, đại dương cuồng nộ thật ra chỉ là những dịu dàng, êm ái của một trái tim đang khao khát được quan tâm. Với trẻ, mọi hành vi đều có nguyên nhân, nắm rõ một nguyên nhân sẽ có ích hơn dọn dẹp một kết quả”.

Thật ra, chúng ta không có quyền trách con trẻ đi sai, chỉ có thể tự trách mình đã bao giờ đủ kiên nhẫn để hiểu hết một tâm tư non nớt hay không mà thôi.

NgoiSao.net

trẻ bị bắt nạt, cô lập, cha mẹ, Mộc Diệp Tử - Mẹ sẽ làm gì nếu con đi học bị bắt nạt, cô lập


      © 2021 FAP
        6,888,314       101