Trong 4 phút 30 giây các nghệ sĩ không biểu diễn mà chỉ có âm thanh không khí và sự im lặng của khán giả.
John Cage (1912-1992) là nhà soạn nhạc nổi tiếng hàng đầu người Mỹ. Năm 1952, Cage cho ra mắt bản nhạc có tên 4'33'' - theo ông là một trong những tác phẩm đương đại nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 và cũng là tác phẩm để đời.
Trong bản nhạc, ông dặn các nghệ sĩ không được động vào nhạc cụ trong quá trình biểu diễn, tức là chỉ có âm thanh của không khí và sự im lặng của khán giả khi ngắm nhìn dàn nhạc giao hưởng. Người ta thường gọi bản nhạc kì lạ này với cái tên “4 phút 30 giây im lặng”.
Còn Mike Batt (sinh năm 1949) là nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng ở Anh. Ông góp phần tạo dựng nên sự nghiệp thành công của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Vanessa-Mae, nhóm nhạc Bond, gần đây nhất là nhóm nhạc The Planets.
Nghệ sĩ Mike Batt. Ảnh: Songwritingmagazine |
Trong album đầu tay của nhóm The Planets với tên gọi “Classical Graffiti”, Batt cần tách 12 bài nhạc chính của CD với 4 bản remix. Ông để khoảng lặng dài một phút vào giữa hai phần và đặt tên là “Một phút yên lặng”, đồng thời để tên tác giả của đoạn nhạc là “Batt/Cage” như lời tri ân gửi tới bản nhạc im lặng dài 4'33'' của John Cage.
Với sự dẫn dắt của Mike Batt, sau khi được phát hành vào 2002, album Classical Graffiti đã chiếm giữ vị trí đầu bảng xếp hạng nhạc cổ điển trong suốt ba tháng. Nhưng đây cũng là thời điểm rắc rối bắt đầu xuất hiện. Công ty giữ quyền phát hành của cố nhạc sĩ John Cage là Peters Edition cho rằng đã có việc xâm phạm quyền bản quyền khi sử dụng sự im lặng của John Cage mà chưa xin phép.
Công ty này đòi khoản tiền bản quyền bằng với một phần tư lợi nhuận thu được từ bản nhạc không tiếng, dựa trên căn cứ là bản nhạc của Mike Batt có độ dài bằng một phần tư so với của John Cage. Sau khi Mike Batt từ chối yêu cầu thu phí bản quyền, Peters Edition khởi kiện lên tòa cấp cao ở Anh.
Nicholas Riddle, Tổng giám đốc Peters Edition lập luận rằng: “Theo chúng tôi thấy, trên bìa album có đề tên họ của John Cage, nên Mike Batt đã thể hiện rõ ý định bản nhạc này sẽ là màn biểu diễn lại – hoặc ít nhất là một đoạn trích dẫn từ bài 4'33''. Họ không chỉ định sáng tạo dựa trên ý tưởng của John Cage mà có ý định thu âm lại tác phẩm đó”.
“Nếu Batt không đề cập tới cái tên John Cage thì sự việc sẽ khác. Nhưng vì Mike Batt cố tình để tên Cage ở trên bìa, ông đã cố tình sử dụng bài nhạc không tiếng của Cage. Sự yên lặng trong bài nhạc của Mike Batt không thuần túy là sự im lặng, mà có dụng ý cố tình khơi gợi liên tưởng về tác phẩm nổi tiếng của John Cage. Cách thể hiện ‘sự im lặng’ như vậy là một khái niệm nghệ thuật và có thể được bảo vệ bởi luật bảo vệ bản quyền”.
Ngược lại, tờ BBC đưa ra ý kiến của luật sư chuyên về lĩnh vực bản quyền âm nhạc Duncan Lamont cho rằng lợi thế nghiêng về Mike Batt. Theo luật pháp Anh, rất ít khả năng tác phẩm không tiếng của John Cage sẽ được bảo vệ vì bài nhạc của ông không có chứa nốt nhạc nào.
Bản nhạc 4'33''. Ảnh: Smartmusic |
Tưởng chừng Mike Batt cầm chắc phần thắng trong vụ kiện vô căn cứ này, nhưng ngay trước khi vụ việc được đưa ra xét xử, hai bên đã quyết định hòa giải với điều kiện Mike Batt phải quyên góp một khoản tiền mà theo nhiều tờ báo đưa tin là lên tới 100.000 bảng (hơn 3 tỷ đồng) cho quỹ hỗ trợ nghệ sĩ trẻ mang tên John Cage.
Theo Yorkshirepost, sau khi hòa giải, Mike Batt chia sẻ: “Tôi thấy nhẹ lòng vì cả hai bên đã có thể hòa giải mà không cần xét xử... Tôi quyên góp khoản tiền này cho quỹ John Cage vì muốn thể hiện sự tôn trọng của mình đối với Cage và với cách tiếp cận táo bạo và đôi khi thái quá của John Cage đối với thử nghiệm nghệ thuật trong âm nhạc”.
Theo nhiều ý kiến Mike Batt là người chịu thiệt thòi vì đã bị lôi vào vụ kiện tụng vô căn cứ, nhưng nhiều năm sau vụ kiện BBC cho hay ông này lại thừa nhận rằng cuộc chiến pháp lý xoay quanh bản nhạc không tiếng động này không gì khác chỉ là một màn diễn trước công chúng để khơi dậy những cuộc tranh luận về quyền bản quyền.
Trên trang mạng xã hội Twitter, Mike Batt cho biết: “Khi ra trước tòa, phía công ty Peters Edition biết rằng họ không thể thắng kiện. Vì thế, tôi đã đồng ý quyên góp một khoản tiền cho quỹ John Cage với điều kiện họ phải giả vờ hòa giải với tôi trước mặt báo giới”.
“Những ông bạn kia đã khá tinh nghịch khi báo với hãng đưa tin Reuters rằng khoản tiền đó lên tới 6 con số. Báo chí đều đưa tin rằng tôi mất 100.000 bảng. Thực tế khoản quyên góp đó chỉ là 1.000 bảng”.
“Bài nhạc không tiếng động của tôi hay hơn hẳn. Tôi có thể biểu đạt hết trong vòng một phút những gì mà John Cage phải mất 4 phút 33 giây để nói”, Mike Batt bông đùa.
Quốc Đạt
bản nhạc, vụ kiện, Mike Batt, John Cage, sự im lặng, dàn nhạc giao hưởng