Pháp luật

Người bị chém gần lìa tay ở Sài Gòn nghi do ân oán

Cảnh sát bước đầu loại trừ khả năng ông Bình bị cướp chém gần lìa tay gần cầu Bông (quận Bình Thạnh, TP HCM), ân oán trong quan hệ của nạn nhân đang được làm rõ để tìm hung thủ.

nguoi-bi-chem-gan-lia-tay-o-sai-gon-nghi-do-an-oan

Nơi ông Bình bị chém. Ảnh: Q.T

Ngày 22/10, Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết, ông Đỗ Thanh Bình (41 tuổi) - người bị chém gần lìa tay tại khu vực cầu Bông chiều qua - đã qua nguy hiểm. Trong lần tiếp xúc đầu tiên với cảnh sát, ông Bình nói rằng không quen biết nhóm hung thủ và không biết vì sao mình bị tấn công.

Sau vụ việc, cảnh sát thu giữ tại hiện trường chiếc balo đựng hung khí do nhóm gây án để lại. Chiếc xe máy không phải của những người này. Camera an ninh của một số nhà người dân trong khu vực cũng được công an trích xuất để lần tung tích thủ phạm.

"Ông Bình từng công tác tại một tờ báo có văn phòng ở TP HCM, mới nghỉ việc vài tháng nay. Những chứng cứ ban đầu cho thấy đây không phải là vụ cướp, chúng tôi tình nghi động cơ gây án là do mâu thuẫn ngoài xã hội", một cán bộ điều tra cho hay.

Được phẫu thuật nối thành công cánh tay và chữa trị các vết thương khác, sáng nay ông Bình được đưa vào phòng hồi sức, khá tỉnh táo.

Kể với người nhà về sự việc, ông Bình cho biết trên đường đi uống cà phê thì bị nhóm người đuổi chém. Khi bỏ chạy, ông va phải xe khác và bị ngã. Nhóm sát thủ đuổi đến nơi khiến ông phải bỏ xe chạy bộ. Được một đoạn ngắn ông vấp ngã, bị chúng xông vào chém liên tiếp.

Một số nhân chứng tại khu vực cầu Bông hiện vẫn còn sợ vì vụ truy sát mà họ gọi là "đẫm máu". Nhiều người chứng kiến ông Bình bị đuổi chém nhưng không dám vào can ngăn vì nhóm thanh niên cầm mã tấu trông rất hung tợn.

"Sự việc xảy ra rất nhanh, tôi chỉ nghe tiếng la hét rồi thấy gã thanh niên vung dao chém người đàn ông tới tấp. Chúng tháo chạy ngay sau đó, còn nạn nhân gần như ngất lịm vì chảy máu rất nhiều", người xe ôm ở gần hiện trường kể.

Quốc Thắng

VNExpress

chém, lìa tay, sài gòn, bình thạnh, giang hồ, mâu thuẫn


      © 2021 FAP
        2,889,266       521