Pháp luật

Phó chủ tịch Quốc hội: Phải ngăn chặn băng nhóm kiểu xã hội đen

Thảo luận việc sửa đổi Bộ luật hình sự, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cảnh báo việc hình thành và hoạt động của tội phạm có tổ chức, rất cần chính sách trừng trị, trấn áp.

Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS).

Góp ý vào quy định cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến tội kinh doanh trái phép dưới chiêu thức đa cấp đang gây hậu quả rất xấu cho xã hội, từ đây xuất hiện tràn lan các hình thức quảng cáo lừa bịp, loại tội phạm này có thể huy động vốn lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, “dù quy mô lớn hay nhỏ đều phải xử lý nghiêm khắc”.

Đại biểu Thái Trường Giang đề nghị tăng nặng việc xử lý tội vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong luật không có hình phạt chung thân và tử hình với loại tội này, chỉ có mức xử phạt cao nhất là 20 năm tù.

Theo Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc, liên quan đến thực phẩm bẩn phải xử lý nghiêm vì đây là hình thức "giết người gián tiếp". Tương tự, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các tội danh về ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm chính là “giết dần giết mòn con người”, do vậy cần nghiên cứu hình phạt tương xứng.

Tán thành quan điểm sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã phát hiện trong BLHS, ông Hiển cho rằng nhân dịp này nên xem xét một số chính giải quyết các vấn đề bức xúc nổi lên trong thực tiễn. Cụ thể như, việc hình thành tội phạm có tổ chức, những băng nhóm theo kiểu xã hội đen là rất nguy hiểm, đặc biệt ở một số thành phố lớn, do vậy phải có chính sách trừng trị, trấn áp, răn đe. “Không cẩn thận bên cạnh luật pháp còn có luật rừng, lực lượng chức năng cần phải cương quyết”, ông Hiển nói.

pho-chu-tich-quoc-hoi-phai-ngan-chan-bang-nhom-kieu-xa-hoi-den

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị sửa đổi Bộ luật hình sự một cách thận trọng. Ảnh: Q.H

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an nhận định, BLHS là một trong những bộ luật rất quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam, nếu không làm một cách thận trọng, đúng đắn, phù hợp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng chục luật khác.

Dù tờ trình của Chính phủ nghiêng về đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua việc sửa đổi BLHS tại một kỳ họp, nhưng với tư cách cá nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng nên thực hiện theo phương án thận trọng, qua 2 kỳ họp, vì đây là cơ hội để sửa căn cơ chứ không chỉ dừng ở phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều.

“Song hành với sự phát triển của xã hội, tác động từ bên ngoài, tội phạm diễn biến phức tạp. Luật cũng phải lường trước, phải đảm bảo tính ổn định trong một thời gian. Vì vậy, kiến nghị đầu tiên của tôi là chúng ta không đặt ra áp lực thời gian. Chúng ta khẩn trương làm, nếu có thể thì để kỳ họp sau thông qua, nhưng trên cơ sở phải sửa đổi căn bản BLHS”, Thượng tướng Tô Lâm nói.

Từ thực tế công tác, Bộ trưởng Công an cho rằng, mỗi cộng đồng dân cư có nhận thức về pháp luật khác nhau cần có chính sách xử lý hình sự khác nhau. Ông kể, đi kiểm tra án tham nhũng, có những vụ vi phạm của cán bộ xã thấy đau lòng, bản chất chỉ là không hiểu biết về pháp luật. Hay tội ma túy ở các vùng đồng bào dân tộc, nếu cứ áp luật bình thường thì có nơi gần như toàn bộ thanh niên trong làng đều là tội phạm.

Góp ý hướng sửa luật, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh, BLHS không chỉ quy định về hình phạt mà nhiệm vụ rất quan trọng là giúp ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm, trong khi theo dự thảo Bộ luật thì “hình như liều lượng quy định về ngăn chặn, phòng ngừa chưa được chú trọng”.

Người đứng đầu lực lượng công an cho rằng, phần căn bản của BLHS là phải quy định được hệ thống những việc, những hành vi không được làm để người dân biết và tránh, cũng như những việc buộc phải làm để thực hiện đúng. 

Ngày 26/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/7, tuy nhiên trước đó các cá nhân, tổ chức đã phát hiện và phản ánh Bộ luật có nhiều sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng nên Quốc hội cho lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi.

Chính Phủ trình phạm vi sửa đổi, bổ sung của BLHS lần này liên quan đến 141 điều, gồm 18 điều thuộc phần những quy định chung, 123 điều thuộc phần các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 1 điều.

Nhóm phóng viên

VNExpress

Phó chủ tịch, Quốc hội, Phùng Quốc Hiển, Bộ luật hình sự 2015, Thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm


      © 2021 FAP
        2,890,926       553