Phụ huynh nên nắm bắt giai đoạn vàng để phát triển não bộ của trẻ, chứng kiến sự kỳ diệu về khả năng phát triển ngôn ngữ.
Cô giáo Phạm Hạnh có 20 năm dạy tiếng Anh, hiện phụ trách khoa Tiếng Anh của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chia sẻ về việc dạy tiếng Anh cho con từ sớm theo phương pháp tự nhiên.
Khi xem các diễn đàn về giáo dục, câu hỏi mà tôi thấy cha mẹ thường xuyên thắc mắc là “Con em nên học tiếng Anh từ mấy tuổi?”, “Con em có cần nói thạo tiếng Việt rồi mới học tiếng Anh hay không?”. Phần bình luận có nhiều quan điểm, người nói nên học từ ba tuổi, người nói học từ năm tuổi, người nói nên thạo tiếng Việt rồi mới học... Còn mình sẽ trả lời là “Con nên học tiếng Anh từ 0 tuổi”.
Đó là điều mình đã áp dụng cho hai bé nhà mình và chứng kiến sự kỳ diệu trong phát triển ngôn ngữ của trẻ. Vì thế, mình rất muốn được chia sẻ để các bố mẹ thấy rõ lợi ích của việc cho con tiếp cận với tiếng Anh sớm.
Chia sẻ này đặc biệt cần thiết cho các bố mẹ có con ở độ tuổi 0-6. Tuy nhiên, phụ huynh có con trên 6 tuổi cũng hoàn toàn có thể áp dụng và vẫn thấy hữu ích, bởi đây là nguyên tắc chung để học bất kỳ ngôn ngữ nào.
Con gái cô Phạm Hạnh lúc ba tháng tuổi, đang tập cổ và luyện mắt nhưng được mẹ đặt sẵn flash card để làm quen với từ vựng tiếng Anh. Ảnh: NVCC |
Triết lý giáo dục sớm
Xin bắt đầu bằng câu chuyện mình tiếp cận và tin vào triết lý giáo dục sớm, nhất là giáo dục ngôn ngữ sớm như thế nào. Lần đầu tiên mình biết tới là năm 2006, khi phương pháp này mới bắt đầu ở Việt Nam.
Một người bạn trước khi du học Mỹ đã tặng mình cuốn sách “Em phải đến Havard học kinh tế”. Cuốn sách là nhật ký của một bà mẹ Trung Quốc áp dụng giáo dục con sớm và toàn diện, và con gái duy nhất đã nhận được học bổng toàn phần của Đại học Havard cùng nhiều thành tích nổi trội khác. Đây có thể coi là một trong những cuốn đầu tiên trên kệ sách về giáo dục sớm của Việt Nam. Sau này, một số cuốn khác xuất hiện như “Phương án 0 tuổi” của Phùng Đức Toàn, “Dạy trẻ thông minh sớm” của Glenn Doman... Tuy nhiên, tại thời điểm đó thì mình chỉ có và chỉ biết cuốn sách đó.
Nếu ai từng đọc sẽ thấy nể phục bà mẹ Trung Quốc vì toàn tâm toàn ý giáo dục con phát triển tốt như thế nào, lại vừa thấy cách giáo dục của bà mẹ ấy có gì đó quá khắc nghiệt. Cách giáo dục ấy đã một thời là phương châm của các bà mẹ Trung Quốc và bị phương Tây đả phá rất nhiều với cách gọi là các “mẹ hổ” (tiger mom). Cá nhân tôi, với “bản năng” của một nhà giáo và một giáo viên Tiếng Anh, ấn tượng và tâm đắc ở hai điều.
Thứ nhất là câu nói “Đẻ con ra mà không dạy thì chẳng khác gì gà mái”. Thứ hai, sự việc bà mẹ Trung Quốc đó không hề biết Tiếng Anh, chỉ biết mượn đĩa cassette tiếng Anh về bật cho con nghe một giờ mỗi ngày. Vài năm sau, đến lúc học tiểu học, lần đầu tiên được học giờ tiếng Anh trên lớp, cô gái đã về nói với mẹ là “Con nghe tiếng Anh mà thấy quen thuộc như nghe tiếng Trung ấy”.
Với điều thứ nhất, mình rất thích sự so sánh này, một sự so sánh khiến những người chưa chú ý đến giáo dục con có thể phải thấy xấu hổ và một so sánh cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục đối với một đứa trẻ. Chính xác, nếu chỉ chăm sóc thể chất thì một đứa trẻ chỉ phát triển được phần “con”, còn có giáo dục thì đứa trẻ mới phát triển được phần “người”.
Với điều hai, mình thật sự ngạc nhiên khi cô bé cảm thấy tiếng Anh quen thuộc như tiếng mẹ đẻ trong khi chỉ tiếp xúc một giờ mỗi ngày. Điều này cho thấy sức mạnh của sự tiếp xúc ngôn ngữ một cách thường xuyên và liên tục cũng như tác dụng to lớn của giáo dục sớm.
Từ sự việc này, mình liên hệ với các phương pháp giảng dạy Tiếng Anh, các nguyên tắc tiếp nhận ngôn ngữ, về sự tiếp thu ngôn ngữ trong quá trình mình tự học Tiếng Anh và quá trình một đứa trẻ tiếp thu ngôn ngữ mẹ đẻ. Và mình đã kết luận rằng, trong tương lai, khi lập gia đình và có con, mình sẽ phải dạy tiếng Anh cho nó từ 0 tuổi.
Thành quả
Với con gái lớn, sinh năm 2009, mình bắt đầu áp dụng nói chuyện hoàn toàn tiếng Anh với con khi con bắt đầu được chín tháng tuổi. Con cũng được tiếp xúc với sách tiếng Anh rất nhiều từ độ tuổi này.
Năm hai tuổi, con đã có thể nói được khá nhiều Tiếng Anh và có phần hơi trội hơn Tiếng Việt một chút, sử dụng ngôn ngữ Anh hoặc Việt tùy đối tượng tiếp xúc và ngôn ngữ sử dụng trong câu chuyện. Một năm sau, con chuyển đổi hai ngôn ngữ linh hoạt để sử dụng cho các mục đích giao tiếp khác nhau.
Mình bắt đầu dạy chữ tiếng Anh (và tiếng Việt) cho con từ ba tuổi và đến bốn tuổi con có thể đọc các truyện ngắn bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, khoảng 10 trang. Đến 5-6 tuổi, bạn ấy đã có khả năng đọc từ truyện tranh cho trẻ em cho đến các quyển sách "nghiêm túc" dày vài trăm trang như Bách khoa toàn thư cho trẻ em hay World History (Lịch sử thế giới). Do được tiếp xúc với sách sớm và cũng do cá tính, sách trở thành niềm đam mê lớn của con, giúp con tiếp cận với rất nhiều kiến thức phong phú.
Tiếp nối thành công của bạn thứ nhất, với con thứ hai sinh năm 2016, mình áp dụng dạy sớm từ hai tuần tuổi, bao gồm cả việc giao tiếp tiếng Anh hoàn toàn với bé và cho bé tiếp cận với chữ tiếng Anh. Ở độ tuổi lên hai, bé có thể hiểu và giao tiếp bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt dù còn hạn chế, nhận biết được một số từ Tiếng Anh đã được học. Mình tin rằng, với sự kiên trì và phương pháp phù hợp, năm 3-4 tuổi bạn ấy sẽ có thể giao tiếp tự tin hơn bằng cả hai ngôn ngữ và bước đầu có thể đọc các sách ngắn cho trẻ em.
Chứng kiến sự kỳ diệu về khả năng tiếp nhận ngôn ngữ của con, mình rất mong muốn có nhiều cha mẹ tin và áp dụng các phương pháp học từ sớm cho trẻ vì với trẻ đây là giai đoạn vàng để phát triển não bộ. Với trẻ, việc học là nhu cầu tự nhiên để khám phá thế giới, nhưng nên "học mà chơi, chơi mà học".
dạy tiếng Anh cho con, dạy tiếng Anh, cô giáo, Hà Nội, giáo dục sớm, phương pháp dạy tiếng Anh