Giáo dục là một quá trình, việc sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ phải đi từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp.
Giảng viên Nguyễn Hà (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) chia sẻ góc nhìn về phương pháp đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục.
Học sinh mới vào lớp 1, hỏi cô giáo: "Thưa cô, bàn tay phải của em là bàn tay nào?". Cô giáo nói: "Con úp hai bàn tay con lên mặt bàn, bàn tay phải của con là bàn tay có ngón cái ở bên trái!".
Cô giáo không sai "kiến thức" nhưng chưa đúng về phương pháp và kỹ năng sư phạm. Cụ thể là cô đã vi phạm nguyên tắc giải thích - không được giải thích điều người khác chưa hiểu bằng chính những từ ngữ mà họ chưa hiểu hoặc bằng những từ ngữ khó hiểu hơn.
Đó là sự liên tưởng có phần khập khiễng của tôi khi tìm hiểu về phương pháp dạy Tiếng Việt theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại và các đồng sự đang gây bão trên báo chí và mạng xã hội trong suốt ba tuần qua.
Ý tưởng và mục đích của người biên soạn sách về căn bản dựa trên nền tảng ngữ âm học Tiếng Việt: Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, mỗi chữ khi nói phát ra một tiếng, mỗi tiếng được cấu thành bởi những nguyên âm, phụ âm, dấu thanh cụ thể. Do vậy, để học tiếng Việt "chủ động và tự giác", đầu tiên phải dạy học sinh nhận diện tiếng và quy luật tạo thành tiếng, từ đó sẽ giúp học sinh nói và viết không sai, không bị tái mù chữ.
Tuy nhiên, khi triển khai, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vấp phải những phản biện từ thực tiễn.
Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1. Ảnh: Lê Nam. |
Để thiết kế bài giảng theo chương trình này đòi hỏi giáo viên phải sử dụng hàng loạt khái niệm, thuật ngữ thuộc chuyên ngành ngữ âm học, từ vựng học như: âm, tiếng, chữ, từ, phụ âm, nguyên âm, bán nguyên âm... Nếu không dùng những khái niệm, thuật ngữ này thì làm sao giải thích, mà dùng chúng để giải thích, vị tất học sinh lớp 1 đã hiểu. Thực ra, đây là những khái niệm, thuật ngữ không hề đơn giản, ngay giới nghiên cứu, giảng dạy đại học vẫn còn ít nhiều tranh luận.
Khi quy ước các phụ âm c, k, q đều đọc là "cờ" lại vô hình trung gặp phải một rắc rối khác. Theo đó thì giữa "của" và "quả"; "củi" và "quỉ"; "cuốc" và "quốc", "cùi" với "quì"... có khả năng được phát âm giống nhau mà thực tế người Việt nói và viết, các cặp chữ này hoàn khác nhau về ngữ âm và ngữ nghĩa.
Tất nhiên, để giải thích sự khác biệt này, lại phải sử dụng đến nguyên tắc ngữ âm tiếng Việt về sự kết hợp của phụ âm đầu, nguyên âm, bán nguyên âm, dấu thanh... Ở đây, phụ âm qu (quờ) truyền thống có một "sức ì" không dễ vượt qua, bởi nó đơn giản và dễ phát âm hơn.
Tác giả bộ sách Công nghệ Giáo dục cho rằng học sinh lớp 1 học theo phương pháp này sẽ nói và viết đúng chính tả tiếng Việt hơn các sách dạy tiếng Việt trước đây. Về lý thuyết là hoàn toàn có lý vì "phát âm sao thì viết vậy". Điều này thích hợp với những học sinh mà tiếng Việt vốn không phải là bản ngữ như người dân tộc, người nước ngoài. Nhưng với người Kinh, tiếng Việt là bản ngữ, học sinh nói, nghe và hiểu tiếng Việt (tất nhiên là ở mức giới hạn) trước khi học viết, học đánh vần, học đọc... thì lại là chuyện khác.
Phát âm (đọc, nói) chuẩn (đúng) như sách Công nghệ Giáo dục dạy ở trường, nhưng thực tế thì ở nhiều địa phương không ai phát âm (đọc, nói) hoàn toàn đúng như sách đã dạy! Tiếng Việt thống nhất nhưng phương ngữ vẫn tồn tại.
Thật khôi hài khi cô giáo ở Sài Gòn, rộng ra là ở Tây Nam Bộ luyện giọng, bẻ môi, uốn lưỡi để dạy học trò phát âm một tiếng hay một câu đúng "ngữ âm" của nó (Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng), nhưng lúc giảng bài hoặc trong giờ ra chơi cô giáo sẽ không hoàn toàn nói giống như vậy (Lá xanh bông trắng lại cheng nhị dàng!).
Giữa nói và viết, giữa phát âm và chính tả luôn có một khoảng cách. Khoảng cách này ngày càng được rút ngắn cùng với sự học tập, trưởng thành của con người. Một người có thể nói ngọng: Núa nếp nà núa nếp non/ Núa nên nớp nớp nòng nàng nâng nâng nhưng chắc chắn sẽ viết đúng chính tả là: Lúa nếp là lúa nếp non/ Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng.
Bạn tôi dù viết: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng luôn đọc là: Công nghịp quá, hiện đại quá!. Chính vì vậy, mục tiêu "đảm bảo học sinh nói đúng, viết đúng chính tả" của bộ sách có lẽ là quá tham vọng, nếu không muốn nói là nhiệm vụ bất khả thi.
Đối với tiếng Việt, mỗi lớp, một cấp học nên xác định mục tiêu, nội dung dạy cái gì, thậm chí giới hạn trong bao nhiêu chữ cụ thể - theo kinh nghiệm của một người thầy từng tham gia biên soạn sách quốc văn tiểu học cho Nhà xuất bản Sống Mới ở Sài Gòn trước 1975.
Ông nói, sách cho lớp 1 phải dạy học sinh đủ vần và dùng không quá 300 từ, chủ yếu là những danh từ và động từ quen thuộc, hạn chế tối đa tính từ và từ trừu tượng. Ở các lớp sau, lớp từ ngữ tăng lên dần nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ cho phép của Bộ Giáo dục và Thanh niên.
Dĩ nhiên không vì thế mà không đưa vào sách trích đoạn những áng văn hay trong nước và nước ngoài, từ Nhà mẹ Lê của Thạch Lam, Đôi bạn của Nhất Linh... đến ngụ ngôn của La Fontaine, Tâm hồn cao thượng của Edmondo De Amicis. Nếu trong bài hay đoạn trích có từ ngữ nào không phù hợp thì nhóm biên soạn sẽ xin phép tác giả được thay bằng từ khác dễ hiểu hơn đối với học sinh. Cho nên, dưới mỗi bài, thường kèm chữ "theo" trước tên tác giả.
Hãy dạy cho học sinh lớp 1 những điều đơn giản mà hiệu quả nhất có thể. Bởi giáo dục là một quá trình và sự hoàn thiện bản thân của mỗi con người, trong đó có việc sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ cũng là một quá trình: từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp.
Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc "muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy". Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.
Nguyễn Hà
sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại, cách đánh vần mới, tranh luận