Giáo dục

Bí quyết giúp con không chán ghét trường học của mẹ Đỗ Nhật Nam

Đi làm về, chị Phan Thị Hồ Điệp dành 10 phút ngồi đối diện và trò chuyện với con về trường lớp, nhưng thường không hỏi nhiều về điểm số.

Chiều 12/8, tại hội thảo "Trao con niềm vui năm học mới" diễn ra ở Hà Nội, chị Phan Thị Hồ Điệp - giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, mẹ Đỗ Nhật Nam, là một trong hai diễn giả chia sẻ bí quyết truyền cảm hứng cho con trong học tập. Từ kinh nghiệm cá nhân, chị giúp phụ huynh tìm cách duy trì sự háo hức đầu năm học, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực của trẻ.

Nói với con về những điều mới mẻ

Theo chị Hồ Điệp, không cần là nhà giáo dục cao siêu, mọi cha mẹ vẫn có thể giúp con hào hứng với từng giai đoạn chuyển lớp, thay vì căng thẳng hay áp lực. Bí quyết của chị là nói chuyện với con thật nhiều về trường học, tập trung vào những điều mới mẻ sau kỳ nghỉ hè, chẳng hạn có khu nhà nào mới xây thêm hay cảnh quan thay đổi ít nhiều.

Học sinh chuyển cấp nên được bố mẹ báo trước về những nguyên tắc khác biệt của nhà trường. Khi vào lớp 1, trẻ phải học theo từng tiết, mỗi tiết kéo dài 35-40 phút. Thay vì ngồi theo nhóm và tham gia nhiều hoạt động như ở mẫu giáo, trẻ phải ngồi nghiêm túc vào bàn học.

Chị Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ câu chuyện đồng hành cùng Đỗ Nhật Nam trong học tập. Ảnh: Thùy Linh

Chị Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ câu chuyện đồng hành cùng Đỗ Nhật Nam trong học tập. Ảnh: Thùy Linh

Để giảm bớt sự khủng hoảng trẻ có thể đối mặt, mẹ Đỗ Nhật Nam đưa ra lời khuyên: “Các bạn nên nhấn mạnh lên lớp có nghĩa là con đang trưởng thành. Tâm lý trẻ con là rất muốn trở thành người lớn, khẳng định bản thân”.

Mỗi khi sắp vào năm học mới, gia đình chị thu xếp cùng nhau đi mua sách vở, đồ dùng học tập, nhằm giúp Nam thấy việc học của em rất quan trọng với bố mẹ. Chị Hồ Điệp có thói quen tự bọc một số quyển vở cho con bằng bìa có hình mà con yêu thích, vẽ hình lên nhãn vở để con thấy dấu ấn của bố mẹ mỗi ngày đến trường. Khi sang Mỹ du học, Nam vẫn mang theo những đồ dùng học tập từ Việt Nam. 

Chị cũng rất xem trọng những phụ kiện nhỏ để ngày khai giảng của con thêm đáng nhớ, bởi để ý thấy có học sinh tiểu học khóc nguyên ngày đầu đến trường chỉ vì thiếu bóng bay.

Tương tác với giáo viên của con

Đối với học sinh tiểu học, cô giáo đóng vai trò rất quan trọng. Bạn nên tìm hiểu cô thuộc tuýp người nào, nhẹ nhàng hay nghiêm khắc, để tiếp cận một cách hợp lý. Quản lý lớp vài chục học sinh, không ai có thể nắm rõ từng em và đều cần sự hỗ trợ của phụ huynh để hoàn thành vai trò của mình một cách tốt nhất.

Chị Điệp quan niệm, tương tác với thầy cô giáo không có nghĩa là biếu chút quà nhỏ vào mỗi dịp lễ Tết. Khi cần trao đổi điều gì, nếu không tiện gặp trực tiếp, phụ huynh có thể viết thư kẹp vào vở bài tập của con.

Năm Nam học lớp 1, chị Điệp viết một bức thư dài cho cô giáo, nhắc đến việc muốn để Nam tiếp tục sử dụng tay thuận là tay trái. Chị cũng nêu một số nét tính cách Nam, giúp cô hiểu nguyện vọng của gia đình trong việc giáo dục con. Bức thư ấy khiến cô giáo ấn tượng và vẫn giữ cho đến tận bây giờ. 

Ngay cả những lúc không hài lòng, chị cũng chọn cách trao đổi thẳng thắn với cô. Chẳng hạn, một lần Nam bị trừ điểm nặng trong bài kiểm tra cuối học kỳ vì sai chính tả, trong khi em viết đúng. Nhìn thấy vẻ ấm ức của con khi về nhà, chị Điệp giải thích ai cũng có lúc nhầm lẫn, yêu cầu con tra từ điển để chắc chắn mình dùng từ đúng, khuyên con lựa lúc cô rảnh trong ngày hôm sau để trình bày vấn đề. Ngoài ra, chị cũng viết một lá thư và gửi cho cô nhưng không nhờ Nam đưa giúp.

“Lời khuyên của mình đối với phụ huynh là khi bạn muốn phàn nàn điều gì về giáo viên, đừng bao giờ nói trước mặt con. Điều đó chỉ làm cho con chán học và chán trường lớp mà thôi”, chị nói.

Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ về phương pháp dạy con

Chị Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ về cách tạo hứng thú học tập cho con. Video: Thùy Linh.

Đừng chỉ hỏi con về điểm số

Khi trò chuyện với con hàng ngày về trường lớp, bạn đừng chỉ hỏi về điểm số và thành tích. Niềm vui hay nỗi buồn của một đứa trẻ gồm rất nhiều chuyện ngoài học hành.

Hàng ngày, sau khi đi làm về, chị Điệp có 10 phút mỗi ngày ngồi đối diện để trò chuyện với con. Việc ngồi đối diện giúp bố mẹ đọc cảm xúc của con thông qua nét mặt. Khi được nhìn thẳng vào mắt, trẻ cũng ít khi giấu giếm hơn. Sau đó, Nam giúp mẹ làm bếp trong khoảng 15 phút và tiếp tục chuyện trò. Như vậy, hai mẹ con có khoảng 25 phút mỗi ngày chỉ để nói chuyện trường lớp, chưa kể những lúc đi dạo buổi tối với nhau. Chị nghĩ phụ huynh dù bận đến mấy vẫn có thể tranh thủ vài phút lúc nấu nướng, ăn tối để làm điều này.

Những câu hỏi của chị thường rất tỉ mỉ, chẳng hạn con chơi trò gì vào giờ giải lao, con chơi với bạn nào, thua hay thắng, chơi xong có mệt không, hôm nay cô mặc váy màu gì, kiểu dáng có giống mẹ hay mặc không. Cứ thế, Nam dần hình thành thói quen, hôm sau sẽ tự động kể chuyện mà không cần mẹ hỏi. Việc này không chỉ giúp hình thành mối quan hệ thân thiết giữa phụ huynh với trẻ mà còn giúp trẻ phát triển tư duy ngôn ngữ.

Khán giả nhí chia sẻ sự háo hức khi sắp vào năm học mới ở buổi hội thảo. Ảnh: Thùy Linh

Khán giả nhí chia sẻ sự háo hức khi sắp vào năm học mới ở buổi hội thảo. Ảnh: Thùy Linh

Bên cạnh đó, chị khuyến khích cha mẹ không bỏ lỡ những hoạt động cộng đồng như tham gia hội chợ ở trường, cùng phụ huynh khác trang trí lớp học. “Để duy trì niềm vui học tập của con, bố mẹ cần hiểu rõ về nhà trường, không tỏ ra thờ ơ. Nhiều ông bố khi đi họp phụ huynh còn nhầm lớp, không biết con học lớp nào, do cô nào chủ nhiệm. Nếu như vậy, bạn rất khó đòi hỏi con thích thú với trường học”, chị Điệp chia sẻ.

“Game hóa” việc học tập

Sống ở khu tập thể, chị Điệp quan sát thấy nhiều gia đình dạy con theo cách giống nhau. Cảnh phổ biến nhất là con ngồi bàn học, bố mẹ đi lại liên tục xung quanh như thanh tra. Nếu con lỡ làm bài sai thì bố mẹ nổi giận, quát tháo. Khi đó, đứa trẻ thường rúm ró một góc, nước mắt ròng ròng. Cách gây áp lực này khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng, khiến trẻ sợ ngồi vào bàn học.

Tuy Đỗ Nhật Nam thường được gọi là thần đồng, chị Điệp xem con trai như một học sinh bình thường, không hướng con đến sự hoàn hảo. Chẳng hạn, chị biết rõ con viết chữ xấu do dùng tay trái khiến mực nhòe nhoẹt, nhưng ít khi nói về chuyện này mà thường tìm ra điểm tích cực khác để khuyến khích con.

Chị gợi ý, nếu con chỉ đạt điểm 5, phụ huynh trước hết hãy nói về những gì con đã làm được để đạt điểm 5, sau đó mới nhắc đến những gì con đã không làm để đạt được 5 điểm còn lại.

Bên cạnh đó, chị luôn nhắc bản thân không đánh giá con chỉ thông qua sản phẩm mà phải qua cả quá trình. Những câu nói như “Mẹ thấy con tiến bộ rồi đấy”, “Hôm nay con tập trung hơn hôm qua nhiều” sẽ mang lại hiệu quả.

Trong quãng thời gian đồng hành với Nhật Nam, chị Điệp luôn hướng tới “game hóa” việc học tập. Chị phát hiện trẻ con thường mê game vì màu sắc, hình ảnh hấp dẫn, được thử thách bản thân theo đúng trình độ của mình. Do đó, chị cho phép con lựa chọn học hết những môn hoặc nội dung mình yêu thích trước, sau đó mới xử lý phần còn lại. Chị cũng biến các bài tập thành trò chơi Bingo, từ đó khiến con hứng thú chinh phục từng bài một.

Thay vì sử dụng những đề văn nhàm chán trong sách giáo khoa, chị Điệp sáng tạo ra các đề văn hấp dẫn khác, chẳng hạn tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi em biến thành một con mèo, nếu một ngày tỉnh dậy cả thành phố biến thành một chảo bánh khổng lồ thì sẽ ra sao...

Nữ giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đặt ra phần thưởng cho con khi hoàn thành thử thách, thường là đi mua sách. "Hãy duy trì niềm vui thực chất cho con, đừng để con nghĩ học tập là trách nhiệm", chị đưa ra lời khuyên. 

VNExpress

mẹ Đỗ Nhật Nam, bí quyết, giúp con, chán ghét trường học, Phan Thị Hồ Điệp, nuôi dạy con, đồng hành cùng con


      © 2021 FAP
        1,033,728       157