Bên cạnh kết quả học tập, tài năng chơi golf giúp nhiều học sinh Trung Quốc giành được học bổng vào trường đại học danh tiếng ở Mỹ.
Emily Wang Ziyi vừa trở thành sinh viên năm nhất Đại học Stanford (Mỹ), môi trường học tập mơ ước của nhiều sinh viên thế giới. Emily đạt điểm SAT cao, là chủ tịch hội học sinh, thích đọc sách, viết thư pháp, nghe nhạc và chạy bộ. Tuy nhiên, điều thực sự giúp cô gái 18 tuổi được nhận vào đại học ưu tú ở Mỹ là tiềm năng trở thành ngôi sao sân golf quốc tế, theo China Daily ngày 4/1.
"Emily là sinh viên - vận động viên. Cô ấy theo một lịch trình học tập nghiêm ngặt ở Bắc Kinh, đồng thời ra nước ngoài để thi đấu trong các sự kiện golf nổi tiếng nhất", Anne Walker, huấn luyện viên trưởng môn golf ở Stanford nhận xét.
Nhiều gia đình Trung Quốc có con chơi golf vui mừng trước quyết định của Stanford. Đối với họ, học bổng golf từ một trường đại học Mỹ danh tiếng giúp học sinh có động lực săn học bổng thông qua việc rèn luyện thể thao.
Vài năm qua, nhiều học sinh Trung Quốc thành công trong việc giành học bổng thể thao của đại học Mỹ. Họ luyện kỹ thuật chơi golf nhiều năm liền nhờ vốn đầu tư đáng kể của bố mẹ.
Xu hướng này được đẩy mạnh từ năm 2015. Theo Hiệp hội golf thanh thiếu niên Mỹ, hiện có gần 20 học sinh Trung Quốc đăng ký chương trình golf ở các trường đại học Mỹ, bao gồm Stanford, Princeton, Nam California, California, Berkeley.
Andy Zhang (Trung Quốc) ký tặng trong giải golf Mỹ mở rộng năm 2012 ở San Francisco. Hiện Zhang là sinh viên năm nhất Đại học Florida. Ảnh: Reuters |
Emily Wang Ziyi là người trẻ nhất từng giành chiến thắng LPGA Tour Trung Quốc. Một số khác cũng vào được đại học tốt ở Mỹ nhờ thành tích tốt ở môn thể thao này. Sinh viên năm nhất Đại học Florida, Andy Zhang, là tay golf trẻ nhất từng thi đấu giải golf Mỹ mở rộng năm 14 tuổi.
Jin Cheng đến từ Bắc Kinh, xếp thứ 18 trong bảng xếp hạng golf không chuyên quốc tế (World Amateur Golf Ranking), vừa nhập học ở Đại học Nam California (USC). He Muni sinh ra ở Thành Đô (Trung Quốc), là vận động viên nghiệp dư từng xuất hiện ấn tượng ở nhiều sự kiện golf chuyên nghiệp. Mùa xuân này, Muni sẽ tham gia thi đấu trong màu áo đội golf nữ ở USC.
Hầu hết thanh thiếu niên chơi golf khi còn bé. Bố là người thầy đầu tiên của họ. Tất cả đến từ gia đình thượng lưu hoặc tương đối khá giả, bởi việc đào tạo và tham gia thi đấu rất tốn kém.
Các tay golf Trung Quốc giành được học bổng Mỹ: Wang Ziyi, Jin Cheng và He Muni (từ trái qua phải). |
Mẹ của Wang, bà Liu Yan ủng hộ việc con chơi golf như một bước đệm để vào trường đại học Mỹ. Bà Liu dành hết thời gian cho con, trở thành đầu bếp, tài xế, người hộ vệ. Bố Wang tập golf với con gái vào cuối tuần và làm người nhặt bóng cho Wang trong các cuộc thi quan trọng. Tuy nhiên, bà Liu tin rằng chìa khóa thành công của con gái mình là tính tự giác và kỷ luật.
Dan Webb, giám đốc điều hành của học viện Palm Springs Golf cho trẻ địa phương ở phía nam Thâm Quyến, cho biết lợi thế lớn nhất của các tay golf trẻ Trung Quốc là suy nghĩ của họ. "Triết lý Trung Quốc tạo ra đạo đức làm việc nghiêm ngặt, sự tập trung và tính khiêm tốn. Cộng thêm sự tự tin, bạn sẽ trở thành tay golf thật sự, cũng có thể là nhà vô địch", ông nói.
Năm 2013, du học sinh Trung Quốc Luo Ying gây xôn xao ở Seattle khi chơi golf xuất sắc cho đội tuyển Đại học Washington trong khi giữ vững mức điểm trung bình tối đa là 4.0. Cô hạnh phúc khi được chơi môn thể thao yêu thích và được đền đáp xứng đáng.
Phiêu Linh
>>Thi đại học ở Trung Quốc 'khó nhất thế giới'
>>Học sinh Trung Quốc đội báo để chống gian lận thi cử
săn học bổng Mỹ, học sinh Trung Quốc, chơi golf, tay golf, môn thể thao, kết quả học tập, tài năng, học bổng, Đại học Stanford