Chia sẻ với độc giả VnExpress, người sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX cho rằng, dù còn tồn tại nhiều vấn đề, giáo dục vẫn là cơ hội để các bạn trẻ thử sức.
Tại buổi chia sẻ với chủ đề "Khởi nghiệp với giáo dục", ông Nguyễn Thành Nam cùng thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Marie Curie Hà Nội và ông Đặng Minh Tuấn - đại diện GotIt! Expert Association đã chỉ ra một số vấn đề của giáo dục hiện đại và một số lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Ba diễn giả trao đổi tại tọa đàm. |
Chứng kiến sự thay đổi của nền giáo dục Việt Nam suốt hơn 4 thập kỷ, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng học sinh bây giờ giỏi và sáng tạo hơn nhiều so với thế hệ trước. Nhờ công nghệ thông tin phát triển, học sinh có thể học tập qua mạng và tiếp thu dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, tâm lý chung của học sinh Việt Nam vẫn còn thụ động, không tích cực, ngại hỏi. Lý do chủ yếu do khối lượng kiến thức nhiều nhưng thời gian học ngắn khiến học sinh ít có cơ hội để hỏi. Nhiều em còn tâm lý e ngại, không dám phát biểu những điều mình còn thắc mắc. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên còn chưa biết cách tạo môi trường để các em hứng thú với việc hỏi.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh, các công cụ tương tác trong thời đại công nghệ số sẽ giúp các em có môi trường thân thiện, gần gũi để học hỏi, tránh được tâm lý e ngại, xấu hổ. Bên cạnh đó, sau một năm khởi động, GotIt! cũng hỗ trợ, tạo động lực các bạn kiếm tiền bằng chính năng lực. Hiện, 8.000 người đã tham gia vào mạng lưới giáo viên toàn cầu của ứng dụng. Đây cũng là nguồn đào tạo giáo viên cho các trường quốc tế.
Trong khi đó, thầy Khang cho rằng, môi trường học tập thoải mái như gia đình sẽ phá bỏ khoảng cách giữa giáo viên và học sinh. Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp cách đây 2 thập kỷ, thầy Khang đưa ra những điểm mà trường Marie Curie Hà Nội đã làm được. Đó là đổi mới căn bản và toàn diện. Là trường ngoài công lập đầu tiên trên cả nước, Marie Curie Hà Nội mang đến cho học sinh môi trường học tập mới mẻ. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, thầy Khang phải tự tìm giáo viên, địa điểm, thuyết phục học sinh tới trường. Marie Curie cũng là trường đầu tiên có hệ thống xe đưa đón học sinh, tạo điểm mới cho nền giáo dục.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Marie Curie Hà Nội và ông Đặng Minh Tuấn - đại diện GotIt! Expert Association đưa ra nhiều dẫn chứng thực tế. |
Tiếng Anh yếu kém cũng là vấn đề được nhắc đến nhiều trong buổi tọa đàm. Ông Tuấn chỉ ra, thực tế nhiều giáo viên có kỹ năng chuyên môn tốt nhưng khả năng tiếng Anh kém khiến mọi người khó tiếp cận với nền giáo dục toàn cầu.
Thắc mắc về vấn đề này, ông Nam đưa dẫn chứng về việc đào tạo của Đại học FPT. Tại đây, tất cả giáo trình của trường đều là tiếng Anh, điều này bắt buộc học sinh phải học tốt tiếng Anh. Lúc này, học sinh phải tận dụng các công cụ online để học tập.
Nói về câu chuyện khởi nghiệp, thầy Khang cho rằng, hiện nay, nhiều người không am hiểu giáo dục vẫn khởi nghiệp. Giáo dục là môi trường hấp dẫn, nhiều người bỏ cả những công việc có thu nhập cao để bắt tay làm khởi nghiệp giáo dục.
Theo ông Nam, những người khởi nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Tuy nhiên, các bạn trẻ hiện nay đã biết vận dụng công nghệ vào giáo dục. Phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực này ngày càng phát triển mạnh, tiêu biểu như FUNiX - trường đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam.
Vấn đề khởi nghiệp với giáo dục nhận được nhiều ý kiến quan tâm của độc giả. Một khán giả đặt câu hỏi về cơ hội khởi nghiệp nào dành cho những sinh viên học sư phạm. "Những người đam mê theo nghề sư phạm đã có kiến thức và đam mê nhất định. Nếu tốt tiếng Anh, bạn có thể gia nhập đội ngũ giáo viên của GotIt!", ông Tuấn chia sẻ.
Kinh nghiệm quản trị, cách vượt qua khủng hoảng cũng được độc giả quan tâm, nhất là trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp ngày càng nở rộ nhưng đa phần đều thất bại. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nam cho rằng, những người làm khởi nghiệp phải chấp nhận sự thất bại. "Nếu có đam mê, vốn, cách làm khác bạn nên làm, nhưng nếu thất bại hãy vui vẻ chấp nhận điều đó", ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Nam, người sáng lập FUNix. |
Với những người đam mê theo nghề giáo, việc tăng thu nhập cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hiến kế cho vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ online để kiếm tiền. "Bạn hoàn toàn có thể thiết kế bài giảng và đăng tải lên các trang mạng tính phí hoặc bán bài giảng cho những người cần", anh Tuấn chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công, cả ba diễn giả đều cho rằng, mọi người cần có sự quyết tâm, tìm ra hướng đi mới. Bên cạnh đó, mọi người phải chuẩn bị năng lực tốt, biết mình làm gì và làm như thế nào. Đặc biệt, với ngành nghề đặc thù như giáo dục, người khởi nghiệp cần có cái tâm, đặt ra vấn đề và thực hiện nó tới cùng.
"Giáo dục là mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp. Tuy không cần có kinh nghiệm lâu năm nhưng mọi người cần có ý tưởng và cách làm mới", ông Nam nhấn mạnh.
Thu Ngân
giáo dục, Đại học trực tuyến FUNiX, khởi nghiệp