Giáo dục

Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đào tạo hệ sau đại học

Hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ gắn liền với đào tạo sau đại học sẽ tận dụng cơ sở vật chất, nhân sự và tiết kiệm đầu tư cho các Viện nghiên cứu.

Đây là một trong nhiều nhận định đưa ra tại Diễn đàn “Phát triển tiềm lực đội ngũ cán bộ khoa học thực hiện công tác đào tạo sau đại học” do Học viện Khoa học và Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa tổ chức.

Sự kiện thu hút sự tham gia nhiều cơ quan quản lý; các cơ sở đào tạo, nhà nghiên cứu khoa học và nhiều học giả trong nước và quốc tế.

Theo Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu - nguyên  Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học - công nghệ gắn với đào tạo tại, các Viện cần phải tự đổi mới theo hướng hoàn thiện chức năng đào tạo, nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.

Phó Giáo sư Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủỷ ban Khoa học, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM khẳng định, việc thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ và chuyển Đại học Việt - Pháp (USTH) từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là chủ trương phù hợp. Điều đó kết hợp được tiềm lực to lớn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công Nghệ về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với công tác đào tạo sau đại học chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế.

Diễn đàn Phát triển tiềm lực đội ngũ cán bộ khoa học thực hiện công tác đào tạo sau đại học

Diễn đàn “Phát triển tiềm lực đội ngũ cán bộ khoa học thực hiện công tác đào tạo sau đại học” vừa diễn ra.

Giáo sư Phan Ngọc Minh - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công Nghệ kiêm Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ khẳng định, định hướng này sẽ tận dụng điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ khoa học tại các Viện nghiên cứu, tăng hiệu quả nghiên cứu, tiết kiệm đầu tư cũng như chất lượng đào tạo.

"Các Viện nghiên cứu nên coi chức năng đào tạo là chức năng cơ bản, quan trọng. Gắn chặt công tác nghiên cứu với đào tạo và nhu cầu của công nghiệp là hướng đi tốt nhất, đúng con đường mà các nước đang thực hiện. Mỗi một đơn vị nghiên cứu phải tự mình đổi mới tổ chức và hoạt động, có giải pháp thích hợp theo định hướng trên", Giáo sư Phan Ngọc Minh bày tỏ.

Cũng trong diễn đàn này, các mô hình, kinh nghiệm, giải pháp cụ thể gắn kết đào tạo sau đại học với nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo lớn tại Việt Nam và quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... được giới thiệu, trao đổi. Đây là những kinh nghiệm quý cho các nhà quản lý, các cơ quan khoa học và giáo dục của Việt Nam trong chiến lược đổi mới hoạt động khoa học và giáo dục.

Nằm trong chuỗi chương trình cũng diễn ra lễ tôn vinh các nhà giáo nhân ngày quốc tế các nhà giáo 20/11 và lễ trao Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2016 của Học viện Khoa học và Công nghệ. Năm nay, Học viện có thêm 6 Giáo sư và 16 Phó giáo sư được bổ nhiệm. Đây cũng là những đội ngũ hứa hẹn có nhiều đóng góp lớn trong công tác giáo dục và đào tạo của nước nhà.

phat-trien-doi-ngu-can-bo-khoa-hoc-dao-tao-he-sau-dai-hoc-1

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có mạng lưới đào tạo sau đại học rộng khắp cả nước.

Học viện Khoa học và Công nghệ (GUST) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là đơn vị đào tạo sau đại học mang tính đặc thù riêng biệt. Học viện đã hình thành mạng lưới gắn kết đào tạo của 35 viện nghiên cứu chuyên ngành về các lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, đơn vị có mối quan hệ hợp tác quốc tế với trên 50 tổ chức khoa học công nghệ và đào tạo lớn trên thế giới

Học viện hiện có đội ngũ giảng viên là các cán bộ nghiên cứu có trình độ cao với gần 230 Giáo sư, Phó giáo sư và trên 760 Tiến sĩ; có hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại, thông tin tư liệu khoa học - thư viện phong phú, đáp ứng công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo sau đại học.

Đơn vị đang đào tạo 50 chuyên ngành Tiến sĩ và 14 chuyên ngành Thạc sĩ cho các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, được phân chia theo 11 khoa chuyên ngành, từ khoa học cơ bản như toán, lý, hóa đến các ngành công nghệ như thông tin, vũ trụ - vệ tinh; sinh học, hóa học; khoa học vật liệu; khoa học và công nghệ biển; sinh thái - tài nguyên - sinh vật; khoa học trái đất...

Thanh Thanh

VNExpress

khoa học công nghệ, nhân dự, đào tạo, giáo sư, Viện Khoa học và Công nghệ


      © 2021 FAP
        1,060,243       501