Giáo dục

5 bài học người trẻ học được từ Paralympics

Khi các vận động viên khuyết tật bắt đầu cuộc đua tại Paralympics 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil), họ không chỉ vượt qua cuộc chiến về thể chất, mà còn về tinh thần.

Các nhà tâm lý học thể thao đã tìm ra đặc điểm và kỹ năng giúp nhà vô địch Paralympics thành công. Và người trẻ có thể học hỏi từ các vận động viên tuyệt vời này, theo The Guardian ngày 7/9.

Tự điều chỉnh

Các nhà vô địch Paralympic ít lo lắng hay giỏi trong việc kiểm soát tinh thần? Có thể họ có cả hai điều này. Căng thẳng và lo lắng có thể cản trở sự tập trung, nên cần có sự điềm tĩnh để thể hiện bản thân tốt nhất.

Có rất nhiều cách để kiểm soát cảm xúc mà người trẻ có thể áp dụng khi phải đối mặt với thách thức ở trường. Cải thiện kỹ năng tự nhủ (độc thoại bên trong một cách tích cực) có thể giúp họ tăng thành tích. Rất hữu ích khi họ thay đổi tư duy, coi vấn đề lớn là cơ hội thay vì là mối đe dọa.

Những kỹ năng này được coi là tự điều chỉnh. Theo các chuyên gia, chúng có thể tác động đáng kể đến kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Báo cáo của Quỹ Từ thiện giáo dục Anh (EEF) cho thấy, tự điều chỉnh là một trong những kỹ năng hiệu quả nhất trong việc giúp người trẻ phát triển bản thân.

Tinh thần dẻo dai

Tinh thần dẻo dai có nghĩa là có động lực cao, đối phó với những thất bại và tập trung vào mục tiêu. Những kỹ năng này rất quan trọng với các vận động viên khuyết tật. Họ cần có sự tự tin và quyết tâm trong thời gian dài để duy trì luyện tập cho một sự kiện chỉ xảy ra 4 năm/lần.

Trong giáo dục, nhà tâm lý học Angela Duckworth đưa ra khái niệm “grit” (sự chịu đựng bền bỉ) để nói về sự kết hợp giữa niềm đam mê và sự kiên trì cho các mục tiêu dài hạn. “Grit” không nhất thiết phải có tác động rất lớn đến điểm số nhưng bà Duckworth cho biết nó có thể giúp giảm nguy cơ người trẻ bỏ học. Một đánh giá gần đây cho thấy “grit” chỉ tạo nên 0,5% sự khác biệt trong kết quả thi GCSE.

5-bai-hoc-nguoi-tre-hoc-duoc-tu-paralympics

David Weir, vận động viên giành được 5 huy chương vàng tại Paralympics 2016. Ảnh: The Guardian.

Nghị lực

Nghị lực có nghĩa là có năng lượng, nỗ lực và cố gắng cao. Điều này không dễ dàng, thậm chí là không thể, để dạy. Tuy nhiên, giáo viên có thể xây dựng môi trường thúc đẩy nơi những người có nghị lực cao có thể phát triển và truyền cảm hứng cho người khác.

Giáo viên có thể giúp người trẻ nuôi dưỡng động lực bên trong bằng cách đưa ra mục đích rõ ràng trong lớp học. Theo một nghiên cứu, các đối tượng được chia ra thành 4 nhóm và được dạy một ngoại ngữ mới. Mỗi nhóm nhận được sự khích lệ và động lực khác nhau. Nhóm 1 không được nhận bất kỳ lý do vì sao học ngoại ngữ, nhóm 2 được cho biết phải làm một bài kiểm tra vào cuối khóa học, nhóm 3 nhận được câu nói rằng đó là kỳ vọng dành cho họ và nhóm 4 được biết việc học ngoại ngữ sẽ giúp họ đạt mục tiêu trong sự nghiệp tương lai. Và kết quả rất rõ ràng, nhóm 4 đã tự đánh giá việc học ngoại ngữ là quan trọng và dành nhiều nỗ lực vào việc học.

Việc đưa ra mục tiêu không cần phức tạp. Giáo viên có thể thông báo với người học việc hoàn thành tốt nhiệm vụ hiện tại sẽ giúp họ phát triển các kỹ năng quan trọng, cải thiện thành tích trong những môn học khác và tiến dần đến mục tiêu tương lai.

Lạc quan

Các vận động viên Paralympic và Olympic được đánh giá là lạc quan hơn so với người bình thường. Trong tâm lý học, sự lạc quan được đo lường bằng cách một người nào đó nhận thức về thành công và thất bại. Điều này có thể là tạm thời hay thường xuyên (“Hôm nay là một ngày tồi tệ” hay “Mọi thứ lúc nào cũng xấu”), cụ thể hay chung chung (“Tôi không giỏi việc này” hay “Tôi không có tài năng gì”).

Lạc quan được nghiên cứu rộng rãi trong giáo dục. Nó liên qua tới sự giảm nguy cơ bỏ học, có động lực nhiều hơn và khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Ngược lại, một cái nhìn bi quan được xem là yếu tố dự báo sự chống đối và sợ hãi cao của học sinh trung học phổ thông.

Kiểm soát

Não của chúng ta có thể đấu tranh với sự không chắc chắn. Không biết những gì sẽ xảy ra thường dẫn đến sự lo lắng hoặc căng thẳng. Đây là lý do vì sao nhiều vận động viên đề cập đến “tập trung vào quá trình”. Họ tập trung vào những gì có thể kiểm soát được, thường là chiến thuật, thói quen và sự thể hiện.

Học sinh, sinh viên có thể áp dụng bằng cách tập trung nỗ lực vào kiểm soát những gì có thể. Ví dụ, họ cố gắng tạo ra một thói quen trước kỳ thi hay những cách giảm sự nhầm lẫn. Bằng cách tập trung vào những gì cần làm thay vì kết quả, họ có thể tạo cho mình sự tự tin, giảm nỗi sợ về sự thất bại.

Quỳnh Linh

VNExpress

Paralympics, bài học, người trẻ


      © 2021 FAP
        1,070,631       207