Giáo dục

Các nước thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học thế nào

Nhật Bản, Mỹ áp dụng hình thức trắc nghiệm trong khi Pháp đánh giá thí sinh qua các bài thi viết và vấn đáp.

Pháp

Học sinh phải tham gia kỳ thi duy nhất để tốt nghiệp trung học và xét tuyển vào đại học, được gọi là Thi tú tài (baccalaureate). Học sinh phải đạt tối thiểu 10/20 điểm (tính trung bình điểm các môn); nếu chỉ đạt 8-9/20 sẽ phải thi lại hoặc tham gia một bài thi vấn đáp sau đó. Nếu đạt dưới 8/20, học sinh phải học lại.

Kỳ thi tú tài được chia làm 3 khối thi và học sinh chọn một khối để tham gia. Khối S (Khoa học) yêu cầu người thi phải có trình độ cao trong Toán, Vật lý, Hóa, Sinh. Khối ES (Kinh tế và Khoa học xã hội) tập trung vào các môn về kinh tế và xã hội. Khối L (Ngữ văn) coi trọng các môn văn học Pháp, Triết học, Sử, Địa, Ngoại ngữ.

Hình thức thi chủ yếu là viết và vấn đáp. Một số bài thi về khoa học còn có thêm phần thi trong phòng thí nghiệm.

Mỹ

Bài thi chuẩn hóa (SAT) là một trong những bài thi xét tuyển của nhiều trường đại học ở Mỹ. Từ tháng 3/2016, SAT đã thay đổi về hình thức, gồm 3 phần: Đọc hiểu và viết; Toán; Viết luận. Bài Đọc hiểu (65 phút) và viết (35 phút) đánh giá khả năng dùng từ, suy luận của người thi. Tất cả câu hỏi đều ở dạng trắc nghiệm.

Bài thi Toán (80 phút) chia làm hai phần, phần dùng máy tính và phần không dùng máy tính. Đa số câu hỏi là trắc nghiệm nhưng cũng có một số câu tự điền đáp án. Bài thi dựa trên tình huống đời thực và yêu cầu học sinh dùng công thức toán để giải quyết vấn đề.

Bài Viết luận không bắt buộc và giống với những bài luận phải viết khi nộp đơn xin vào đại học. Mặc dù không phải bài thi bắt buộc, nhưng một số trường vẫn yêu cầu học sinh tham gia.

Thụy Điển

Bài thi đánh giá năng lực (SweAT) là bài kiểm tra tiêu chuẩn để xét tuyển vào đại học. Từ năm 2011, bài thi được chia làm 2 phần, tính toán và viết. Tổng cộng có 160 câu hỏi, chia là 4 bài thi nhỏ trong đó hai bài thuộc phần tính toán, hai bài thuộc phần viết.

Trong phần tính toán có 4 chủ đề là Toán học (24 câu), So sánh định lượng (20 câu), Biểu đồ và đồ thị (24 câu), Phân tích dữ liệu (12 câu). Phần viết cũng có 4 chủ đề là Đọc hiểu tiếng Anh, Đọc hiểu tiếng Thụy Điển, Từ vựng và Hoàn thành câu. Mỗi chủ đề đều có 20 câu hỏi.

cac-nuoc-thi-tot-nghiep-va-tuyen-sinh-dai-hoc-the-nao

Kỳ thi xét tuyển đại học quốc gia Nhật Bản diễn ra vào giữa tháng 1 hàng năm.

Hàn Quốc

Kỳ thi năng lực đại học (CSAT) ra đời năm 1994 là bài thi tiêu chuẩn được các đại học ở Hàn Quốc chấp nhận. Kỳ thi trước đây chỉ có 5 bài nhưng từ năm 2016, sĩ tử phải tham gia thêm bài Lịch sử.

Bài thi Ngữ văn, Toán học và tiếng Anh tính trên thang điểm 100, trong đó bài tiếng Anh có cả phần nghe. Ngoài tiếng Anh, học sinh phải tham gia một bài thi Ngoại ngữ khác, thường là tiếng Trung với thang điểm 50.

Lịch sử thang điểm 50 mới đây trở thành bài thi bắt buộc ở quốc gia này. Môn thi cuối cùng học sinh được tự chọn trong các môn Xã hội, Khoa học và Dạy nghề.

Trung Quốc

Kỳ thi xét tuyển Đại học Quốc gia (NCEE) được tổ chức hàng năm và được coi là điểu kiện bắt buộc để vào hầu hết đại học ở Trung Quốc. Hình thức thi của NCEE còn được gọi là “3+X”, nghĩa là thí sinh phải tham gia 3 bài thi bắt buộc (tiếng Trung, Toán và Ngoại ngữ) với thang điểm 150 mỗi bài và X bài thi tự chọn về Khoa học xã hội (Khoa học chính trị, Lịch sử, Địa lý), hoặc Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh học) chiếm 300/750 tổng số điểm.

Nhật Bản

Kết quả của kỳ thi xét tuyển đại học quốc gia diễn ra trong hai ngày giữa tháng 1 hàng năm được các trường đại học công lập và một số trường tư chấp nhận. Có 29 bài thi trong 6 môn học (Toán, Khoa học, Văn học Nhật Bản, Ngoại ngữ, Công dân, Địa lý - Lịch sử).

Thí sinh sẽ chỉ làm những bài thi theo yêu cầu của trường đại học mà họ nộp đơn vào. Các câu hỏi đều dưới dạng trắc nghiệm và theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.

Nga

Trước đây, Nga có rất nhiều bài thi học sinh phải qua để tốt nghiệp trung học và lên đại học. Nhưng từ năm 2009, Nga đã gộp các kỳ thi vào thành một. Thí sinh bắt buộc thi tiếng Nga và Toán học. Ngoài ra, họ có thể chọn thi thêm Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn học, Lịch sử… theo mong muốn cá nhân hay yêu cầu đặc biệt của từng trường.

Mỗi bài thi có hai phần. Phần 1 gồm câu hỏi ở dạng trả lời ngắn gọn. Phần 2 có thể chỉ có một hoặc vài câu hỏi yêu cầu thí sinh sử dụng khả năng sáng tạo để làm.

Quỳnh Linh tổng hợp

VNExpress

tuyển sinh đại học, thế giới, trắc nghiệm, tự luận, thi vấn đáp


      © 2021 FAP
        1,073,486       413