Giáo dục

Cô bé dân tộc Dao mong một lần được gọi tiếng 'Bố ơi'

Không biết bố là ai, Lưu sống cùng người mẹ câm điếc và bà ngoại già yếu, thế nhưng em vẫn vượt khó đến trường đều đặn và chăm chỉ học tập.

Cách đây 9 năm, trong một lần đi rừng, chị Bàn Thị Hoa trở về nhà trong tình trạng nhợt nhạt, tóc tai rũ rượi, thân hình thâm tím. Gần một năm sau, một bé gái chào đời, được mang họ mẹ và đặt tên là Bàn Thị Lưu. Giờ đây bé gái ấy đang học lớp 4A, trường Tiểu học Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. 9 năm qua, cô bé lớn lên bên cạnh người mẹ câm điếc và sự chăm sóc của bà ngoại già yếu. Suốt 9 năm, cô bé mong mỏi được một lần gọi hai tiếng "Bố ơi"...

co-be-dan-toc-dao-mong-mot-lan-duoc-goi-tieng-bo-oi

Tôi đến ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh bên sườn đồi vào buổi trưa nắng gắt - một ngôi nhà đã cũ nát có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào. Giờ đây sau một cơn dông lốc vào năm ngoái, một nửa mái nhà của em đã bị cuốn đi. Cũng may nhờ anh em, hàng xóm giúp đỡ dựng tạm cho gia đình một túp lều bên cạnh để bà cháu, mẹ con có chỗ che mưa, che nắng. Túp lều ấy bé đến nỗi chỉ đủ kê một chiếc giường và chỗ nấu ăn, một phần vì quá chật, phần vì muốn để cho bà và mẹ có chỗ ngả lưng, nên cô bé Bàn Thị Lưu thường đi ngủ nhờ nhà hàng xóm.

Thứ có giá trị nhất trong túp lều ấy là chiếc xe đạp trông còn mới, hình như được lau chùi rất cẩn thận và dựng gọn gàng một góc. Cô Nguyễn Thị Dung, Tổng phụ trách của trường bé Lưu chia sẻ, vì nhà cách trường 3km, cả đi và về cháu Lưu phải mất 6km, ngày mưa cũng như ngày nắng, rất vất vả. Do đó năm 2015, Đoàn thanh niên nhà trường phối hợp cùng Đoàn thanh niên xã Cao Kỳ tặng cháu một chiếc xe đạp. Vì chưa bao giờ được nhận một món quà đẹp và giá trị như vậy, nên lúc đầu Lưu vẫn đi bộ từ nhà đến trường mà không dám đi xe, vì em sợ đi nhiều xe nhanh hỏng.

Tôi gặp chị Hoa - mẹ của Lưu - người phụ nữ sinh năm 1978, nhưng trông già và khắc khổ hơn tuổi rất nhiều. Chị có thể nhận biết được nhưng không hiểu, không nghe, không nói, nên giao tiếp chủ yếu bằng cách ra ký hiệu. Sức khỏe kém, lại bị câm điếc nên chị không thể làm được việc gì, cũng không tự chăm tự chăm sóc bản thân mình. Vì thế, việc chăm sóc cho con là điều chị chưa bao giờ làm được. Bà ngoại của bé Lưu đã gần 80 tuổi. Trước kia, khi còn khỏe, bà có thể đi làm kiếm vài đồng, nhưng giờ đây bà cũng chỉ quanh quẩn ở nhà. Vì thế ba người trong nhà chỉ sống nhờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi 180 nghìn đồng một tháng.

Với cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", nhưng bé Lưu đã rất tự lập và ngoan ngoãn. Vượt qua khó khăn, quyết tâm đến trường nên bé Lưu chẳng bao giờ nghỉ học dù chỉ một buổi. Lưu vẫn đến trường đều đặn và chăm chỉ học tập. Ngoài giờ đi học và tự học ở nhà, mọi việc từ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, trồng rau, chăm sóc mẹ... bé Lưu đều làm thành thạo. Thỉnh thoảng cô bé tranh thủ vào rừng kiếm củi, lấy măng, lấy bông chít (để làm chổi) mang đi bán, nhưng số tiền kiếm được cũng chẳng được là bao vì bé Lưu còn nhỏ, không đủ sức đi rừng như những người lớn trong làng.

Do ở nhà chủ yếu nói tiếng Dao, vì thế đôi khi cô bé còn chưa hiểu hết nghĩa của câu nói. Khi tôi hỏi: "Lớn lên cháu ước mơ được làm nghề gì?", cô bé trả lời bằng giọng nói tiếng Việt còn lơ lớ: "Cháu chỉ muốn học giỏi để được làm nghề sinh viên". Cô giáo đi cùng tôi phải giải thích lại thì cô bé mới hiểu và trả lời rằng mong được trở thành cô giáo. Nhưng rồi, có lẽ ký ức cả tuổi thơ không có bố bên cạnh và niềm mong mỏi lớn nhất đã được giãi bày vào lúc chia tay, cô bé níu áo tôi, mắt ngấn lệ và nói: "Nếu được, cháu mong một lần gặp lại bố"...

Thật xót xa khi thấy cô bé dân tộc Dao với đôi mắt đầy ám ảnh chia sẻ ước mơ của cả tuổi thơ không bố. Có lẽ về sau này em cũng chẳng thể trả lời được cho câu hỏi: "Bố mình là ai?". Tôi tự hỏi rồi tương lai của em sẽ đi về đâu?... Rất mong chương trình hỗ trợ để em có thể vững bước đến trường và viết tiếp ước mơ của em.

Phạm Thị Dịu

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


      © 2021 FAP
        1,073,798       272