Du lịch

Phát triển du lịch TP.HCM: Khai thác nét xưa

TTO - Không gian Sài Gòn - Gia Định (TP.HCM ngày nay) chính nơi ngưng tụ giá trị Việt, chính xác hơn, giá trị Việt phương Nam - vùng đất mới của quốc gia với nét đặc thù về văn hóa, nhân học, địa lý....

Phát triển du lịch TP.HCM: Khai thác nét xưa - Ảnh 1.

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn tiếp nhận sáng kiến phát triển du lịch TP.HCM

Cá nhân tôi, một thường dân từng trải nghiệm không gian thành phố này, thấy rằng, ngoài việc phải nâng chất lượng hạ tầng, dịch vụ công, phát triển dịch vụ du lịch chu đáo "từ A đến Z", cần đặc biệt chú tâm đến khai thác NÉT XƯA, khai thác hình ảnh Sài Gòn – Gia Định cũ, Nam Bộ cũ… vốn mặc định trong nhiều thế hệ du khách  bốn phương.

Phát triển du lịch hướng này sẽ đáp ứng nhu cầu hoài cổ của du khách mang tính tất yếu, cũng như đáp ứng cái tất yếu khác của các xã hội công nghiệp hiện đại nhanh, gấp gáp: họ cần tắm mình trong cái cũ, cái lạ, trong lành, chậm, thoát ly...

Chuyện này cũ, không mới, và thành phố cho thấy qua sự triển khai các kích cầu du lịch cụ thể. Nhưng, vẫn muốn NHẤN MẠNH qua những góp ý cụ thể nhất có thể.

Phát triển du lịch TP.HCM: Khai thác nét xưa - Ảnh 2.

Du khách thưởng ngoạn TP.HCM trên những chiếc xích lô - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khai thác, kiểm soát, nâng cao hàng rong

Hàng rong thuần túy như vốn có là nét hay của Nam Bộ, Sài Gòn xưa và nay. Ẩm thực, quà vặt, "thượng vàng hạ cám" hàng hóa... trong đấy yếu tố kinh tế xen lẫn yếu tố văn hóa bản địa, xã hội rất đặc sắc.

Tuy nhiên, hàng rong nhiều khi đã biến tướng thành nỗi sợ hãi của khách du lịch ngoại quốc với nạn chèo kéo, ăn xin, mua bán chụp giựt, trá hình cho tội phạm ẩn mình...

Nếu quan tâm đầu tư chăm chút, xây dựng thành một ngành hàng rong chuyên nghiệp mang tính văn hóa cao, hướng đến thu hút khách du lịch CHẠM vào một chốn rất Việt Nam: thời kinh tế nông nghiệp thuần khiết, tự cấp tự túc, người bán hàng thuần phác nhân hậu, hàng hóa mang hơi ấm Việt Nam...

Không thả nổi hay cấm đoán, mà xây dựng đề án quản lý, đầu tư. Không đặt lợi nhuận vốn không nhiều ở bán mua, mà nhìn sâu vào hiệu ứng văn hóa, sức hấp dẫn trong cộng hưởng chung để thấy giá trị hàng rong trong kích cầu du lịch, xây dựng hình ảnh thành phố có nét riêng. Hướng đi ấy song hành với hướng phát triển thương mại cao cấp, các chuỗi siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm lớn hiện đại...

Phát triển du lịch TP.HCM: Khai thác nét xưa - Ảnh 3.

Khách nước ngoài thích thú món ăn đường phố TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi từng có những trải nghiệm hay với hàng rong thành phố ở mọi chốn: trước các bệnh viện lớn hay mọi chốn công cộng, các cung đường, trạm xe buýt...

Hình ảnh khai thác kinh doanh ở các trạm dừng nhà xe đường dài như Phương Trang, trên cung đường TP.HCM - Miền Tây, hay ở sân bay Trà Nóc – qua góc hàng hóa miệt vườn vừa có tính trưng bày, vừa giới thiệu sản phẩm là một gợi ý chăng? Cũng hàng ấy, cũng người Việt mình bán mua, mà khách Tây khách ta vào trạm dừng Phương Trang thích mê, chấp nhận mua giá cao, tắm mình trong các bức ảnh lưu niệm không thua ở nước ngoài…

Nếu bên cạnh việc phố đi bộ, đường sách được chú ý chăm chút, thì việc tập trung khai thác mảng HÀNG RONG, theo tôi, sẽ tạo thêm ép phê cho du lịch thành phố và hơn thế, tạo sinh khí mới cho môi trường xã hội thành phố, bớt "Âu hóa", Việt hơn, và lợi thế văn hóa trong cạnh tranh du lịch.

Ngoài ra, chú tâm chăm chút từng mi li mét khơi gợi, gom nhặt hồn Sài Gòn - Gia Định xưa, tạo thế tạo đà hỗ trợ cho các doanh nhân mở các điểm kinh doanh theo hướng quay về, những quán cà phê theo cung cách xưa, các hiệu may… Đương nhiên, người dân Sài Gòn chính tông sẽ rành hơn tôi rất nhiều chuyện này.

Khách quan góp ý, mong đóng góp chút gì cho nỗ lực chung cho thành phố trong tôi vốn rất thân yêu.

Từ ngày 19-3 đến 1-4, Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn trực tuyến trên chuyên trang Du lịch nhằm tiếp nhận các sáng kiến, góp ý, kiến nghị phát triển ngành du lịch TP.HCM trong mối quan hệ kết nối du lịch vùng.

Mọi sáng kiến xin vui lòng gửi về một trong hai địa chỉ sau:

- Email: diendandulich@tuoitre.com.vn

- Chị Bông Mai - Phòng TT-SK, Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        10,062,062       167