Du lịch

Bớt cái lợi nhỏ để giữ chân từng du khách

TTO - Hoạch định chính sách là ở các nhà quản lý, nhưng với mỗi người dân, làm sao để họ nhận thức rằng mình đang là 'đại sứ du lịch' của thành phố? Để không còn những câu chuyện nhếch nhác, chặt chém, vì lợi nhỏ mà 'đuổi khách'!

Bớt cái lợi nhỏ để giữ chân từng du khách - Ảnh 1.

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn tiếp nhận sáng kiến phát triển du lịch TP.HCM

Tôi tự hỏi, nếu có một người bạn muốn đến TP.HCM du lịch lần đầu tiên, tôi sẽ hướng dẫn họ đi đâu? TP.HCM không thiếu những địa điểm đáng để đến tham qua, có giá trị cả về văn hóa lẫn lịch sử, có hàng sa số những món ngon vật lạ để khách du lịch thưởng thức.

Do đó, mời họ đến không khó, nhưng để họ quay lại lần sau thì e là khó. Bởi một thực tế, thành phố của chúng ta thiếu sự "thân thiện" với khách phương xa.

Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, không ít lần tôi đã lang thang dạo quanh các con đường sầm uất, thu hút khách du lịch nhất của trung tâm Sài Thành.

Tôi đã bao lần chứng kiến cảnh khách du lịch mở to mắt kinh ngạc, e dè không dám sang đường; chứng kiến cách họ lắc đầu ngán ngẩm khi phải vừa đi vừa né những bãi rác nằm phơi mình giữa đường, ruồi muỗi bay vo ve; chứng kiến cảnh những anh Tây balo phải lôi hết cả vốn tiếng Anh, tiếng Việt, hay ngôn ngữ tay chân để trả giá một anh xe ôm…

Bớt cái lợi nhỏ để giữ chân từng du khách - Ảnh 2.

Du khách mua hàng tại chợ Bến Thành, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cách đây 20 năm, một lần đang ngồi ăn tại một gánh bún vỉa hè bên hông Nhà hát Thành phố, tôi bắt gặp hình ảnh một cặp đôi du khách người Châu Á tiến lại gần và hỏi người bán giá một tô bún bằng tiếng Anh.

Lúc đó, cô bán hàng tỏ vẻ lúng túng không biết trả lời. Bằng vốn tiếng Anh của học sinh cấp 2, tôi mạnh dạn nói: "Three or Four Thousand Dong" (Thời đó một tô bún chỉ khoảng 3-4 ngàn đồng!).

Người khách du lịch lịch mỉm cười ngồi xuống gọi 1 tô và nhìn tôi nói: "You are honest!" (Bạn thật thà quá!). Còn những người xung quanh dường như hiểu ra thì nhìn tôi tỏ vẻ tiếc rẻ, bởi: Người nước ngoài mà, sao hổng nói cao hơn…. !!!!

20 năm sau, có dịp đặt chân đến Thái Lan, nhớ lại câu chuyện năm xưa, tôi chợt nghĩ: Hóa ra người dân ở xứ du lịch phát triển gấp mấy chục lần Việt Nam mình mà lại "khờ" quá! Tôi nhớ lúc check in ở sân bay, mua chai nước suối chỉ có 7 Bath (4.900đ tiền Việt), bữa ăn ở Food court cũng chỉ khoảng 100 Bath (70.000đồng).

Đó là giá ở sân bay, còn khi ăn uống ở các hàng quán bên ngoài, thậm chí vỉa hè cũng chẳng có gì khác biệt giữa khách du lịch và người dân địa phương.

Tôi tự hỏi điều gì thu hút khách đến Thái Lan, đến thành phố Bangkok nóng bức chật hẹp, kẹt xe cả ngày và ít cây xanh so với TP.HCM?

Biển San hô lừng danh ở Pataya cũng khó mà so sánh với cung đường biển miền Trung đẹp ngút ngàn?

Cái khác biệt ở đây chính là "ánh mắt". Bởi họ không nhìn khách du lịch bằng một ánh mắt khác với người địa phương. Họ không có những bảng giá riêng cho khách trong nước, ngoài nước.

Họ không tăng giá vì lý do: "Lễ mà", "Tết mà"… hay chẳng vì lý do gì hết! Tôi thích thú nhận ra những đồng bạc lẻ 1bath (700đ) vẫn có giá trị sử dụng, chẳng phải để thối tiền những tờ 200-500đ trong siêu thị như ở VN.

Ở mình, chỉ số giá tiêu dùng cứ tăng, các cơ quan cứ phân tích, tính toán những tác động từ giá dầu, giá xăng… nhưng không tính được mức tăng do sự "tùy ý" của người bán.

Mới có chuyện nghe phong phanh lương sẽ tăng là giá cả ngoài chợ đã tăng ào ào. Giá bình thường đã khó kiểm soát, bảng giá dành cho khách du lịch còn tăng theo một biểu đồ "không hề có quy luật", đơn giản là: hễ bán cho người nước ngoài thì phải cao hơn!

Chính vì vậy, làm sao du khách có thể cảm nhận được sự thân thiện khi mà đi đến đâu, tiếp đón họ luôn là những ánh mắt "hăm he chặt chém"?

Những chương trình du lịch có hấp dẫn đến đâu cũng khó hiệu quả. Bạn có muốn quay lại vùng đất kém thân thiện, thiếu an toàn, những sản phẩm du lịch không mới, chỉ duy nhất có giá cả là luôn thay đổi đến chóng mặt hay không?

Hãy khoan đặt những vấn đề to tát lớn lao, mà hãy giải quyết từng câu hỏi đang tồn tại cho ngành du lịch thành phố. Đó là ô nhiễm môi trường, tình trạng an ninh trật tự, và nạn chặt chém. Một điểm đến mất dần khách trở lại chưa hẳn vì nơi đó không có sản phẩm du lịch mới, mà có thể nơi đó đang mất dần những lợi thế đang có.

Đó chính là câu chuyện của du lịch TP.HCM. Hãy quản lý chặt chẽ các điểm buôn bán, ngay cả những điểm bán hàng rong. Tạo một môi trường đáng sống, đảm bảo an ninh trật tự cho chính những cư dân đô thị thì tất yếu khách sẽ đến với thành phố chúng tai!

Liệu rằng chỉ riêng ngành du lịch có giải được bài toán này hay không? Hoạch định chính sách là ở các nhà quản lý, nhưng với mỗi người dân, làm sao để họ nhận thức rằng mình đang là "đại sứ du lịch" của thành phố! Để không còn những câu chuyện nhếch nhác, chặt chém, vì lợi nhỏ mà "đuổi khách" !

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        10,071,005       193