TTO - Suối nước trong veo chảy qua những phiến đá giữa rừng, vùng lòng hồ xanh biếc, nhà sàn người Mường thấp thoáng đôi bờ trong khói lam chiều... Đó là vẻ đẹp đến quên lối về của vùng bản Chiếu, xã Mường Thải, huyện Phù Yên, Sơn La.
Cảm xúc lạ lẫm xen lẫn thú vị, thiên nhiên đất trời đã chiều lòng người để chúng tôi có một chuyến khám phá khó quên.
Chuyện kể "hồ trên núi"
Sau hơn 140km đường từ Hà Nội, chúng tôi được một anh bạn dạy học ở Phù Yên dẫn đường vào vùng đất Mường Thải. Trải qua đoạn đường mới được khai thông và vẫn còn chút dấu tích của trận lũ lụt kinh hoàng tháng 10 vừa qua, cuối cùng chúng tôi cũng vào tới bản Chiếu.
Ẩn mình giữa những dãy núi trùng trùng điệp điệp, bản Chiếu còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ. Đứng trên sườn núi đưa cặp mắt về bốn phía, chúng tôi cảm nhận được một màu xanh bao trùm. Làn nước trong xanh hòa với núi đồi, rừng cây thăm thẳm. Bản Chiếu với dân cư rải rác nằm hai bên bờ hồ. Đây là bản lớn nhất xã Mường Thải với cư dân đa số là người Mường.
Những căn nhà sàn của đồng bào Mường nhấp nhô xuất hiện từ mép nước lên đến lưng chừng núi. Theo anh Hà Văn Thắng - một chủ thuyền ở đây, người Mường ở bản Chiếu bên lòng hồ vẫn còn giữ được những nét văn hóa độc đáo, tập quán cổ truyền của mình. Ngồi nghỉ chân một lát bên hồ, anh Thắng mời nhóm chúng tôi xuống thuyền đi ngắm cảnh.
Chiếc thuyền bằng sắt chạy dầu máy bắt đầu nổ phành phạch rẽ nước đi ra vùng lòng hồ. Tuy làm dịch vụ du lịch nhưng giá thuê thuyền ở đây rất mềm. Dù chở đến 10-15 người hay chỉ có hai bạn trẻ cũng chỉ dao động 100.000-200.000 đồng cho một chuyến khám phá lòng hồ kéo dài 60-90 phút.
Chỉ trong phút chốc, thuyền đưa chúng tôi ra giữa hồ có tên gọi là hồ Suối Chiếu. Anh Thắng kể trước năm 2009, hồ Suối Chiếu chỉ là con suối nhỏ. Suối Chiếu vốn là thượng nguồn của suối Tấc chảy đổ ra sông Đà đoạn thuộc huyện Phù Yên (Sơn La).
Năm 2009, nhận thấy một vùng lòng thung lũng có cảnh sắc đẹp và nhằm tạo ra vùng nông nghiệp trù phú, tỉnh và huyện đã quyết định ngăn dòng đắp đập để làm hồ thủy lợi Suối Chiếu. Sau ba năm đến năm 2012, công trình hồ thủy lợi Suối Chiếu chính thức đi vào hoạt động.
Tuy mới chỉ xuất hiện hơn năm năm nhưng hồ Suối Chiếu đã tạo ra một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp cho vùng đất Mường Thải. Với diện tích mặt nước rộng hơn 50ha, hồ Suối Chiếu đã cung cấp nước tưới quan trọng để từ đó xuất hiện những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước thoai thoải chạy sát ra tận mép nước.
Mường Thải cũng xuất hiện vùng trồng cam lớn nhất của huyện Phù Yên. Cam sành Mường Thải tuy không bắt mắt nhưng ngọt lịm, là món quà ưa thích mua về làm quà của du khách. Ngắm cảnh, chuyện trò rôm rả chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới đoạn cuối hồ, mọi người bắt đầu xuống thuyền để khám phá suối Chiếu. Càng vào sâu dòng nước càng trong vắt, lạnh buốt. Dòng nước suối chảy qua những phiến đá nhấp nhô. Nhiều phiến đá lớn giữa suối mặt bằng phẳng tạo ra chỗ ngồi thú vị nghỉ chân, ngắm cảnh cho du khách. Những hôm trời oi bức, suối Chiếu trở thành nơi tắm mát không thể tuyệt vời hơn cho du khách và cả dân bản địa.
Cái thú buông câu giữa núi rừng
Chiều dần buông, chúng tôi quyết định thuê xe máy để chạy loanh quanh theo con đường ven hồ. Thật thú vị khi chúng tôi được nhập bọn với một nhóm cần thủ cũng chạy xe máy từ nơi khác đến đây câu cá. Chúng tôi làm quen với Minh Quang, chàng cần thủ mới 30 tuổi, nhưng có thâm niên làm xây dựng gần 10 năm ở Sơn La.
Những lúc rảnh rỗi Quang thường cùng nhóm bạn đi xe máy hàng chục cây số vào hồ Suối Chiếu câu cá. Quang tâm sự: "Cảnh ở đây đẹp, không bon chen, nên cứ dịp cuối tuần hoặc hôm nào được nghỉ, mấy anh em lại hò kéo nhau vào câu. Có khi cả buổi chiều chẳng câu được con nào hoặc được một, hai con thôi nhưng vẫn rất thích".
Để có được chỗ ngồi ngắm cảnh đẹp, khu vực hoang dã, Quang và nhóm bạn thường phải gửi xe máy rồi thuê thuyền vào sâu bên trong. Thuộc tốp cựu binh của nhóm nên Quang biết nhiều về khu hồ Suối Chiếu này.
Quang cho chúng tôi hay ở đây từng có cần thủ câu được cá trắm cỏ nặng tới 15kg, còn những con 8-10kg rất thường xuyên gặp. Cá trắm đen cũng có người câu hoặc bắt được. Cá biệt có cả cá chép năng 13kg, còn cá trôi, rô phi thì nhiều vô số, có thể nhìn thấy cả đàn bơi dưới nước.
Hôm nào nhóm Quang câu được vài con cá to là kiểu gì cũng có bữa liên hoan ngay tại bản Chiếu. Mọi người trong nhóm cần thủ cũng gợi ý chúng tôi với thực đơn bữa tối nếu ngủ lại ở bản Chiếu.
Ở đây có nhà sàn Thắng Bắc phục vụ ăn uống với kiểu đặt món ăn theo ký. Ví dụ gà nướng 200.000 đồng/kg, gà luộc 180.000 đồng/kg, cá nướng 170.000 đồng/kg, một số loại rau rừng xào hoặc luộc... Tất cả được sắp lên mẹt tre hoặc bày trên lá chuối để ăn rất dân dã, theo đúng phong cách Mường.
Tiềm năng du lịch sinh thái
Ông Đinh Văn Hoàn, trưởng bản Chiếu, cho rằng tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở đây rất lớn. Với gần 150 hộ dân thì hiện đã có một số hộ mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ du lịch cho thuê thuyền, ngủ homestay, ăn uống và tắm nước nóng tự nhiên vì ở bản có dòng suối nước nóng.