Du lịch

​Du khách né... hàng lưu niệm, sao vậy?

TTCT - Thiền viện Trúc Lâm, chợ Đà Lạt, khu du lịch thác Prenn, hàng lưu niệm bày bán lộn xộn ở những nơi mà du khách gọi là nơi... gây mất mỹ quan khu du lịch.

Du khách chụp ảnh bên đoàn tàu kết hoa giữa vòng xoay cầu Ông Đạo, khu vực trước chợ đêm Đà Lạt - Ảnh: C.Thành
Du khách chụp ảnh bên đoàn tàu kết hoa giữa vòng xoay cầu Ông Đạo, khu vực trước chợ đêm Đà Lạt - Ảnh: C.Thành

Vào dịp cuối tuần, chúng tôi theo chân đoàn du khách tham quan tuyến dường du lịch Mai Anh Đào - Phù Đổng Thiên Vương (Đà Lạt), nơi có hai khu điểm du lịch thung lũng Tình Yêu và đồi Mộng Mơ.

Ở mặt tiền hai khu du lịch này, một dãy dài các kiôt chắn ngang tầm nhìn du khách, dường như cố ý chắn lối đi để du khách tiện ghé vào mua sắm.

Hàng lưu niệm ở đây là những chiếc nón len, nón da kiểu cao bồi, móc khóa len hoặc gỗ khắc chữ - hoa văn, áo sơmi in chữ “Đà Lạt” và... hết. Du khách lướt nhanh qua những quầy hàng, khi bị chèo kéo họ dừng lại và tỏ ra khó chịu.

“Tôi đi nhiều khu du lịch rồi, không thấy có gì mới lạ ngoài móc khóa len, gỗ và áo in hình. Lưu niệm cũng phải tốt, đẹp hoặc hay hay thì mới dám mang về tặng gia đình hoặc lưu niệm cho chính mình” - chị Hoàng Thủy Nguyên (du khách đến từ Hòa Bình) nhận xét.

Anh Trần Hữu Phi (du khách đến từ Quảng Ninh) cho biết: “Những mặt hàng này tôi cũng thấy bày bán ở tận Mai Châu. Không có một chút đặc biệt nào”.

Thiền viện Trúc Lâm, chợ Đà Lạt, khu du lịch thác Prenn hay nhiều khu điểm khác, hàng lưu niệm cũng được bày bán tương tự nhau. Những món hàng nhiều năm không thay đổi mẫu mã được bày bán lộn xộn ở những nơi mà du khách gọi là nơi... gây mất mỹ quan khu du lịch.

TP Đà Lạt - Ảnh: newstar

Anh Trần Đình Lãm, hướng dẫn viên du lịch tại Đà Lạt chuyên khách đoàn đến từ Trung Quốc đi tham quan, bảo:

“Thấy thương cho những món quà lưu niệm. Đã không mấy hấp dẫn mà toàn bán ở những chỗ cấm bán, hoặc bán ở những nơi không được đầu tư thể hiện một sự lịch sự, chăm chút thì làm sao mà thu hút khách. Trong hiểu biết hạn hẹp của hướng dẫn viên lữ hành, tôi cho rằng không có hoặc không đủ gây chú ý cho du khách”.

Ông Siu Hrill (tốt nghiệp thạc sĩ du lịch cộng đồng, Đại học Hawaii, Mỹ) cho rằng: những món đồ lưu niệm chỉ có giá trị và sức sống đối với du khách khi nó được trao tay du khách ngay tại nơi nó được làm ra.

Đồ lưu niệm đẹp nhất khi được đưa đến bàn tay du khách bằng bàn tay của người làm ra nó. Có thể đó là xưởng khắc chữ lên chìa khóa gỗ, căn nhà dài nơi nghệ nhân làm ra chiếc nỏ, cây đàn, chuông gió tre nứa, thậm chí chỉ là một góc nhà nơi người phụ nữ K’Ho, Jarai dệt ra tấm thổ cẩm mang dấu ấn của dân tộc mình.

“Đặt những sản phẩm lưu niệm ra khỏi không gian đặc trưng của địa phương, rời khỏi nơi sinh sống những nghệ nhân địa phương tự dưng nó mất đi nhiều giá trị. Giá trị món đồ lưu niệm nằm nhiều ở những kỷ niệm mà du khách đã trải qua ở địa phương.

Do vậy, dù thô mộc hay tinh tế, món đồ lưu niệm chỉ khiến du khách thực sự muốn mang theo về khi hành trình sở hữu món đồ lưu niệm chứa giá trị du lịch, trải nghiệm”, ông Siu chia sẻ.

Chợ Đà Lạt - Ảnh tư liệu

Siu là người tổ chức những sản phẩm du lịch cộng đồng của người Jarai ở Gia Lai. Đặc biệt là cộng đồng sống ở Biển Hồ và làng Kép (TP Pleiku, Gia Lai).

Những nghệ nhân dệt thổ cẩm và làm nhạc cụ bằng tre ở đây cho biết họ sống no đủ nhờ bán hàng lưu niệm cho du khách ghé thăm làng. Bán cho du khách họ có lời nhưng khi những người buôn bán ở các tỉnh khác muốn mua để bán lại trong những cửa hàng thì họ không bán dù sẽ lời nhiều hơn.

Với họ, khách tới làng mua và nhìn thấy họ dày công dệt vải, làm đàn thì mới thấy thú vị và quý món đồ mua về. Tại làng Kép, những nghệ nhân sống bằng nghề chế tác nhạc cụ dành hẳn một nhà sàn để trưng bày những món đồ họ làm ra theo đúng tập quán và họ ngồi ở nhà sàn vừa làm vừa đón khách tham quan.

Nếu du khách có hứng thú làm cùng thì họ sẽ hướng dẫn. Khi rời khỏi làng, không du khách nào không muốn mang sản phẩm có dấu ấn trải nghiệm của mình.

Để có được một nhóm nghệ nhân chịu đầu tư vì những món hàng lưu niệm truyền thống như ở làng Kép, Biển Hồ, ông Siu phải dành hơn 5 năm trời nghiên cứu hoa văn, mẫu mã, cách sử dụng và thuyết phục người dân rằng cuộc sống họ sẽ được đảm bảo khi du khách đến thăm làng.

Và người dân làng đã may mắn vì tin Siu, tin vào cách Siu cương quyết đặt những sản phẩm lưu niệm của người Jarai trong cộng đồng người Jarai và bán cho du khách... toàn cầu.

MAI VINH
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        10,323,050       667