Du lịch

Đón cá lúc bình minh Nhân Trạch

TTO - Từ bãi tắm biển Nhật Lệ (TP Đồng Hới, Quảng Bình), theo con đường nhựa ven bờ biển chạy xuyên giữa rừng cây phi lao xanh ngát của mẹ Nghèng, bạn sẽ có cơ hội khám phá nhiều điều mới lạ ở vùng đất chân sóng Nhân Trạch.

Cửa sông Dinh ở Nhân Trạch - Ảnh: L.GIANG
Cửa sông Dinh ở Nhân Trạch - Ảnh: L.GIANG

Xã biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vốn dĩ rất bình lặng. Nhưng từ tháng 4-2016 bỗng “có tiếng” trên các phương tiện thông tin đại chúng nhờ... sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, với vệt nước biển đỏ, san hô chết...

Ít ai biết rằng Nhân Trạch còn là vùng đất du lịch đang chờ du khách đến khám phá và trải nghiệm.

Đợi cá lúc bình minh

Đến địa phận Nhân Trạch, theo con đường bêtông chạy dọc mép biển để ra với các bến đợi cá. Gọi là bến nhưng thực ra dọc bờ biển của xã chẳng có một bến cá cụ thể nào cả. Vì Nhân Trạch là vùng biển bãi ngang, nên bất cứ đoạn bờ biển nào cũng là nơi thuyền cá của ngư dân trong xã cập bờ.

Cứ khoảng 4h-5h sáng mỗi ngày, đặc biệt là về mùa hè, bờ biển Nhân Trạch luôn đông đúc người dân và các đầu nậu đón cá vào.

Trên bãi biển, người nhà ngư dân tụm năm tụm bảy chuyện trò đợi cá. Nhiều người dắt theo con trẻ, chúng chơi đùa với nhau, với cát trong khung cảnh thật thanh bình.

Khi thuyền vào gần sát bờ, ngư dân nhảy xuống nước kéo theo những chiếc thuyền thúng chứa đầy cá, tôm, mực, ghẹ... Đôi khi, cả người nhà và đầu nậu cá cũng lội xuống kéo giúp vào, tạo nên sự nhộn nhịp rất riêng của vùng bến cá 
bãi ngang.

Ở đây du khách có thể hòa mình với ngư dân khi lội ào xuống biển để kéo thuyền nhỏ hay giúp ngư dân đẩy thuyền thúng đầy cá nặng, vượt qua từng đợt sóng vào bờ.

Mùi nồng của nước biển mặn, mùi tanh của cá, mực hòa quyện trong tiếng sóng và tiếng gọi nhau của ngư dân, đưa lại cảm giác thật khó quên. Lúc đưa thuyền cá vào bờ đừng quên chụp lại những tấm hình để đem về làm kỷ niệm trên... Facebook.

Nếu không thích xuống bến đợi cá, du khách có thể ngồi vắt vẻo trên bờ kè bêtông dọc bãi cát, nhìn ra mặt biển vời vợi. Trên mặt nước xanh bao la là ông mặt trời đỏ au, đang lừ lừ nhô dần lên từ phía chân trời xa thẳm.

Từ đây cũng quan sát hết được mọi hoạt động của các bến cá và chụp được những tấm ảnh với góc chụp rộng, rất sinh động về thuyền, biển cả và dòng người lội cát gánh cá lên đường làng trong ánh bình minh rực rỡ...

Buổi chiều. Khi hoàng hôn buông dần xuống, những đoàn thuyền của ngư dân lại kéo nhau ra khơi. Biển ngập trong nắng chiều hè vàng ruộm.

Tàu cá của ngư dân trở về bến Nhân Trạch lúc bình minh - Ảnh: L.GIANG
Tàu cá của ngư dân trở về bến Nhân Trạch lúc bình minh - Ảnh: L.GIANG

Làng bên chân sóng

Nếu ra Nhân Trạch vào buổi sáng sớm, dọc đường du khách đừng quên dừng chân ngắm những cồn cát vàng trải dài sát ngay bên đường.

Nếu nhiều thời gian, khách cùng nhau trèo lên đỉnh những cồn cát, chỉ nằm cách mặt đường vài chục mét, để phóng tầm mắt nhìn về phía TP Đồng Hới xa xa hay nhìn biển rực lên trong màu đỏ, hồng của ánh bình minh.

Trong ánh sáng ngày vừa rạng ấy, nhấp nhô trên sóng bạc đầu là những đoàn thuyền trông như những chiếc lá tre nhỏ li ti, hối hả trở về bờ sau một đêm lang thang trên biển rộng.

Sau khi ngắm bình minh và hòa mình với ngư dân ở bến cá, du khách chơi trò trượt cát trên những đồi cát cao sát bên làng, do một công ty vừa đưa vào thử nghiệm. Không chỉ du khách mà ngay cả người dân Quảng Bình cũng thích thú với trò chơi trượt cát này vào sáng sớm mai hay buổi chiều tà.

Anh Trần Nam Anh (ngụ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) không giấu được sự thích thú, cho biết: “Khi leo lên đỉnh đồi cát thì hơi mệt một chút, nhưng khi đã nằm lên tấm ván trượt và lao mình xuống theo độ dốc của triền cát sẽ thích vô cùng. Nó cho cảm giác mạnh giữa bao la, phóng khoáng của ngồn ngộn những triền cát...”.

Chán chê với trò trượt cát, du khách vào làng thăm thú nét quê mộc mạc của vài làng trong số 15 làng chài của xã Nhân Trạch, như làng Nam, Dinh, Nhân Nam, Nhân Quang, Tây Hồ...

Làng còn khá nhiều ngôi nhà kiểu xưa với mái ngói, tường gạch hoặc đá xây bằng vữa vôi. Những con đường làng đều nhỏ, lắt léo đưa khách đến mọi hang cùng ngõ hẻm của làng, luôn tạo được cảm giác mới lạ cho du khách vốn sống ở TP.

Do địa hình các thôn này đều nằm trên độ cao vài mét so với bãi biển, lại nhà cửa san sát, lô nhô nên tạo thành vô số hình thù. Trong ánh chiều hoàng hôn chiếu tràn ra biển, đứng dưới đường bêtông ven biển hoặc dưới bãi biển nhìn lên các thôn Nhân Nam, Nhân Quang, Khối... thấy rìa các làng này không khác mấy với các... pháo đài đá.

Buổi chiều trong làng, khách dễ bắt gặp từng nhóm phụ nữ ngồi tụm với nhau dưới lòng đường thoai thoải đổ từ giữa làng xuống biển lựa chọn ốc, cá tươi hay phơi phóng cá, mực khô...

Bà Nguyễn Thị Dịu (thôn Nhân Nam) sẵn sàng “biểu diễn” các công đoạn phơi cá của mình để mọi người xem. Bà Dịu bảo rằng muốn cá khô ngon, phải làm xong các công đoạn chế biến trước 9h sáng, để cá tươi được hưởng ánh nắng đẹp nhất trong mỗi ngày.

“Có như rứa con cá khô nhìn mới đẹp, ăn mới đậm đà hương vị biển khơi. Mùa hè, mỗi ngày nhà tui chế biến 4, 5 tạ cá nục, cá cơm... Bữa ni cá khô của dân bầy tui đây mần ra được xuất ngoại ra cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào...” - bà Dịu nói.

Hải sản tươi, người dân hiếu khách

Tại Nhân Trạch, các loại hải sản tươi rói mới đánh bắt về được người dân đưa vào chế biến thành mắm, nước mắm, phơi khô... Du khách có thể mua hải sản tươi hay khô từ đây và đưa về nhà, bảo đảm đúng là hàng sạch và ngon của vùng biển Quảng Bình nắng gió.

Người Nhân Trạch chất phác, hiền lành. Khách muốn nghỉ đêm giữa làng chài này đều được đón nhận. Nếu không hãy ra bãi biển đón thuyền chiều đưa hải sản vào bờ mua lấy ít cá, mực, ghẹ còn nhảy lép bép dưới lòng thuyền lên và đốt lửa nướng.

Cứ thế mà rượu mấy be cũng hết. Rồi nằm ngửa ra, dang tay giữa cát dưới bầu trời đầy sao diệu vợi mà... đánh một giấc say sưa trong gió biển mát lành.

LAM GIANG
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        10,431,831       716