Du lịch

'Cởi trói' du lịch cộng đồng vì Tây Nguyên có thứ nơi khác không có

TTO - "Du khách sang đây để tìm những cái mà họ không thể tìm thấy được ở nơi khác” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói về tiềm năng du lịch miền Trung - Tây Nguyên.

Du khách nước ngoài vô cùng thích thú khi cưỡi trâu từ các dịch vụ du lịch cộng đồng ở Hội An (Quảng Nam) - Ảnh: Tấn Vũ
Du khách nước ngoài vô cùng thích thú khi cưỡi trâu từ các dịch vụ du lịch cộng đồng ở Hội An (Quảng Nam) - Ảnh: Tấn Vũ

Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên ngày 10-6 đã đặt ra đầu bài là "hướng tới đẳng cấp thương hiệu”. Mục đích của diễn đàn do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chính là tạo ra các sản phẩm độc đáo nhằm thu hút du khách đến khu vực này.

4 chuyện phải làm của du lịch

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế VN - cho hay bàn tới đẳng cấp tức là nói tới chuyện "hợp với thời đại, xu thế"

Miền Trung - Tây Nguyên, theo ông, hiện có lợi thế về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, con người. Tài nguyên du lịch vùng này ở một đẳng cấp rất cao, rất quý nhưng nguồn lực có hạn, phong cách kinh doanh còn tính “ăn xổi, chụp giật”.

“Tôi cho rằng tỉnh nào có tầm nhìn tốt, tận dụng lợi thế của mình để lôi kéo, mời gọi được những nhà đầu tư thật tốt đến để giúp cho địa phương tạo chân dung du lịch của mình một cách đẳng cấp, du lịch địa phương ấy sẽ phát triển"  - ông Thiên nói.

"Và tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò tạo chân dung du lịch của các tập đoàn lớn”.

TS Trần Du Lịch, trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển miền Trung, cũng thẳng thắn nhận định “du lịch chúng ta nghiệp dư là chính".

Theo ông, du lịch Việt Nam chưa làm đầy đủ 4 chuyện: Ở đâu? Ăn gì? Chơi cái gì? Mua gì đem về?

“Nước ta có quá nhiều tiềm năng du lịch, chỗ nào cũng là 'nàng tiên' hết thành ra các 'nàng tiên' đang trải đều, nơi nào cũng có chút cho vui, không phát triển được. Vì thế về mặt quốc gia là phải có trọng điểm xây dựng thương hiệu” - ông Lịch đề nghị.

Du khách tập tưới rau, cưỡi trâu tại làng rau Trà Quế, Hội An. Ảnh: PHAN THÀNH
Du khách tưới rau tại làng rau Trà Quế, Hội An. Ảnh: PHAN THÀNH

Thái độ và sạch sẽ

Theo TS Trần Du Lịch, khó khăn nhất đối với du lịch miền Trung - Tây Nguyên là vấn đề nguồn nhân lực chưa được đào tạo một cách rõ nét.

“Hiện nay các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo không kết nối được. Chính phủ phải có chủ trương làm sao các trung tâm đào tạo, kể cả các trường nghề mà đào tạo du lịch, gắn kết được với các cơ sở du lịch, nhất là các cơ sở có tên tuổi để đào tạo một cách chất lượng” - ông Lịch kiến nghị.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ cách nhìn nhận rằng nhân lực du lịch VN còn yếu. Các trung tâm đào tạo du lịch cấp cao tại hầu hết các trường đại học chưa đạt được trình độ. Làm du lịch chuyên nghiệp đòi hỏi những kỹ năng chuyên nghiệp, ngoại ngữ giỏi...

"Nhưng nếu chưa đạt được những yêu cầu này cao nhất, trước hết là thái độ của người làm du lịch, phải hết sức tôn trọng, không chỉ đối với khách hàng mà còn người khác nữa. Và với tinh thần cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, cải thiện những điều chưa làm được, ngành du lịch chắc chắn sẽ có bước phát triển tốt", Phó thủ tướng nói.

“Tôi cũng đi một số nước, gặp nhiều nhân viên của khách sạn, họ cũng không giỏi ngoại ngữ nhưng thái độ của họ với mình là vô cùng tin tưởng, ấm áp. Cảm giác mình được chăm sóc, không chỉ vì mình trả tiền, mà đây là tình người. Thứ hai, làm du lịch phải rất sạch sẽ, ý thức từng li từng tí một".

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: T.L.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: T.L.

Du lịch cộng đồng là tốt nhất

Theo ông Vũ Đức Đam, từng địa phương một có lợi thế riêng về tự nhiên, văn hóa, xã hội..., vì vậy phải tìm ra cái gì độc đáo.

“Chúng ta cứ khi nào cũng nói 'đẳng cấp' thì rất ngại từ ấy vì cứ nghĩ cái gì đó rất cao sang. Nhưng mà phải tìm ra cái nét thật độc đáo", Phó thủ tướng nói.

"Đừng nghĩ những nét độc đáo chỉ dành cho du lịch rẻ tiền, không phải. Người ta không sang Việt Nam để nằm ở khách sạn 5 sao. Du khách sang đây để tìm những cái mà họ không thể tìm thấy được ở nơi khác”.

Nhận định miền Trung - Tây Nguyên có rất nhiều nét độc đáo, cả tự nhiên lẫn văn hóa, Phó thủ tướng cho rằng phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực này sẽ phát huy hiệu quả cao nhất.

"Bây giờ đừng nghĩ nhiều đến chuyện thu thuế nhà nước từ du lịch; mà phải nghĩ là người dân làm du lịch, đầu tiên là đời sống của người dân phải được nâng lên, đó là cái được lớn nhất", Phó thủ tướng nói.

“Vì thế phải tháo bỏ tất cả mọi vướng mắc mà hiện nay đang hạn chế du lịch cộng đồng. Quản lý nhà nước không phải quản hay siết chặt mà phải hướng dẫn, tạo điều kiện cho người ta làm đúng du lịch cộng đồng".

Giá trị, độc đáo hay không, có thu được nhiều tiền hay không sau này là chính từ du lịch cộng đồng chứ không phải từ các khách sạn 5-6 sao. Mỗi một nơi tìm ra cái độc đáo, huy động cộng đồng vào, tạo nên những sản phẩm du lịch riêng, đó là cái chúng ta cực kỳ cần

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

LÊ TRUNG
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        10,457,062       575