Sức khỏe

Dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đại - trực tràng

Triệu chứng ung thư đại - trực tràng phụ thuộc vị trí khối u, mức độ xâm lấn ra xung quanh hoặc di căn.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Nguyên giám đốc Bệnh viện K trung ương, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam chia sẻ bệnh ung thư đại - trực tràng phần lớn không có biểu hiện đặc trưng nên người bệnh không nghĩ tới ung thư. Vì vậy, bạn nên chú ý các triệu chứng tại chỗ khi chưa bị bệnh, khi phát hiện ung thư cần theo dõi triệu chứng toàn thân và khi di căn.

Triệu chứng tại chỗ

Người bệnh ở giai đoạn sớm thường thay đổi thói quen đại tiện như: phân lúc lỏng, lúc táo bón không rõ nguyên nhân, đi ngoài không hết, khuôn phân thu nhỏ, thay đổi hình dạng khuôn phân.

Người bệnh cũng gặp tình trạng chảy máu đường tiêu hoá dưới khi thấy đi ngoài phân nhày lẫn máu, hoặc đi ngoài phân đen nếu u ở đoạn đầu của đại tràng. Khối u lớn có thể lấp kín lòng đại tràng, trực tràng gây tắc ruột với các biểu hiện như: táo bón, đau bụng, đầy bụng và nôn, nên rất dễ bị người bệnh coi nhẹ. Khi khối u phát triển có thể dẫn đến thủng ruột gây viêm phúc mạc. Lúc này, bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối u qua thành bụng hoặc hậu môn.

Ung thư đại - trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng. Ảnh: Readers Digest Canada.

Ung thư đại - trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng. Ảnh: Reader's Digest Canada.

Triệu chứng toàn thân

Khi ung thư đại - trực tràng đã phát triển toàn thân, người bệnh sẽ gặp tình trạng đi ngoài phân máu lâu ngày dẫn tới thiếu máu thiếu sắt, người mệt mỏi, xanh xao. Đa phần người mắc ung thư đại - trực tràng sẽ gầy sút cân, ăn kém, sốt không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng khi di căn

Ung thư đại - trực tràng phần lớn di căn gan nhưng hầu như ít có triệu chứng. Nếu di căn nhiều có thể gây vàng da, đau bụng do u xâm lấn bao gan, đường mật. Vì vậy, Giáo sư Nguyễn Bá Đức khuyên người bệnh nên chú trọng theo dõi biểu hiện bệnh để thông báo với bác sĩ theo dõi kịp thời.

Theo dõi sức khỏe và thăm khám

Với người nghi bị ung thư đại - trực tràng cần tiến hành xét nghiệm tìm máu trong phân. Những người có xét nghiệm máu ẩn trong phân dương tính sẽ có nguy cơ cao bị ung thư đại - trực tràng và cần được soi toàn bộ đại tràng.

Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, người từ 50 tuổi trở lên cần làm xét nghiệm máu ẩn trong phân mỗi năm một lần. Những người có nguy cơ cao như: tiền sử bản thân hoặc gia đình bị u tuyến, các hội chứng đa pôlyp hoặc ung thư đại - trực tràng, các bệnh viêm ruột... nên được làm xét nghiệm máu ẩn trong phân cùng các biện pháp khác ở độ tuổi sớm hơn theo lời khuyên của bác sĩ.

Soi toàn bộ đại tràng cũng là phương pháp tốt nhất hiện nay để sàng lọc ung thư đại - trực tràng. Trong khi soi, nếu bác sĩ phát hiện các tổn thương nghi ngờ ung thư hoặc tiền ung thư, sẽ tiến hành sinh thiết hoặc lấy bỏ các tổn thương này để chẩn đoán và điều trị. Soi toàn bộ đại tràng cũng nên được bắt đầu ở độ tuổi 50, cùng với làm xét nghiệm máu ẩn trong phân. Tùy thuộc vào tổn thương được phát hiện khi soi mà khoảng cách các lần soi sau có thể từ 3-10 năm một lần.

Nha Trang

VNExpress

ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư, dấu hiệu ung thư đại tràng


      © 2021 FAP
        2,263,530       40