Sức khỏe

Mẹ Hà Nội rong ruổi trên đất Thái chữa ung thư cho con

Con trai bị ung thư máu phải ghép tủy, chị Nhung lặn lội đưa con sang Thái Lan với hy vọng điều trị khỏi bệnh.

4 năm trước, bé Dương Quang Minh chào đời trong niềm hạnh phúc của vợ chồng chị Nghiêm Hồng Nhung và anh Dương Tuấn Anh. Minh càng lớn càng bảnh bao, thông minh, lanh lợi. Chị Nhung đã có biết bao hoài bão về tương lai của  chàng trai bé nhỏ ấy. Chị ước sau này con trai khỏe mạnh, tuấn tú, giỏi giang, sẽ là một kiến trúc sư thiên tài, một bác sĩ lỗi lạc hay một vị giám đốc trẻ đầy tiềm năng. Thế nhưng, ước mơ ấy đã bị vùi dập bởi hai chữ "ung thư".

Bé Quang Minh mắc ung thư máu hiếm gặp. Ảnh: H.N

Bé Quang Minh mắc ung thư máu hiếm gặp. Ảnh: H.N.

Tháng 4/2016, bé Minh phát hiện bị ung thư máu. Ngày ấy, vợ chồng chị Nhung thấy con sốt cao, cơ thể gầy gò, xanh xao và hay quấy khóc. Đưa con vào viện, anh chị nhận được kết quả bé Minh bị ung thư máu thể hiếm gặp ở trẻ em, có tên khoa học Acute lymphoblastic Leukemia (B cell).

"Cả thế giới dường như sụp đổ dưới chân. Nhưng đó là sự thật, tôi bắt đầu cắn răng bước vào cuộc chiến cùng con", chị Nhung tâm sự.

Quang Minh được xạ trị. Căn bệnh đã tàn phá thân thể bé nhỏ của bé. Những cơn sốt liên miên khiến bé không buồn mở mắt, những đợt truyền hóa chất khiến bé nằm im lìm vì kiệt sức. Đôi mắt sáng ngày nào nay cứ nhắm nghiền không chịu mở, mái tóc bồng bềnh ngày xưa cũng không còn nữa chỉ còn cái đầu trọc trắng. Chứng kiến con thoi thóp vì bệnh tật, chị Nhung đau đến nghẹn lòng. Thế nhưng, không vì thế mà gục ngã, chị tự nhủ lòng mình phải mạnh mẽ để cho con dựa vào.

Sau hơn một năm chiến đấu với ung thư, tưởng rằng bệnh tật sẽ buông tha, nào ngờ nó càng tàn phá con trai bé bỏng của chị mạnh mẽ hơn. Bác sĩ cho biết, căn bệnh mà Minh mắc phải thuộc dạng ung thư máu hiếm gặp và phương pháp chữa trị tương đối nan giải. Phương pháp sử dụng hóa chất để làm ức chế các tế bào ác tính chỉ mang tính kéo dài, duy trì và hạn chế những đau đớn cho bệnh nhân. Phương pháp duy nhất cứu sống cậu bé là ghép tủy.

Tuy nhiên điều khó khăn đối với Minh là nguồn tủy. Thông thường anh chị em ruột là người hiến tủy cho bệnh nhân, nhưng Minh là con đầu, tuổi lại quá nhỏ, thể trạng yếu nên khó khăn hơn gấp bội. Hơn nữa chi phí cho một ca ghép tủy rất lớn, gia đình sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách.

Quang Minh đang được điều trị tại Thái Lan. Ảnh: H.N

Quang Minh đang được điều trị tại Thái Lan. Ảnh: H.N.

Sau thời gian điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, ngày 12/10, Minh nhập viện trong trạng thái mệt mỏi, toàn thân lấm tấm vết xuất huyết. Khi đó, bác sĩ khuyên bố Minh: "Cho con về đi, nặng rồi". Vợ chồng chị Nhung chết lặng. Song, giây phút yếu đuối ấy chỉ xuất hiện trong giây lát, bởi chị Nhung không có phép bản thân đầu hàng. Vài ngày sau, vợ chồng chị quyết định thu xếp cho con sang Thái Lan để điều trị dù chỉ còn một tia hy vọng sống mong manh.

Ngày 15/10, mẹ con chị Nhung có mặt trên đất Thái để tiếp tục chiến đấu với ung thư. Các bác sĩ giỏi nhất nơi này điều trị cho bé và cũng lúng túng trước trường hợp của Minh. Họ nói Minh vẫn còn sống được đến bây giờ quả là điều kỳ diệu. 

"Bầu trời ở đâu cũng giống nhau chỉ có cách nhìn là khác nhau. Ngày mẹ bế con ra khỏi Viện Huyết học lúc 22h để chuẩn bị cho chuyến đi Thái Lan vào 6h sáng hôm sau, bầu trời tối đen như mực. Ngày hôm nay, bầu trời Bangkok cũng tối chỉ nhìn thấy một vài tia sáng le lói, rất rất nhỏ, chẳng đủ để nhìn rõ đường, chẳng biết con đường sẽ dẫn đi đâu. Nhưng mẹ sẽ vẫn đi, vì không đi thì làm sao tới", chị Nhung nói với con.

Quang Minh tập hát cùng mẹ

Ngày bước chân đến đất khách quê người, vợ chồng chị Nhung đã xác định cả nhà phải chia làm ba mặt trận. Minh chiến đấu với bệnh tật, bố về nhà lo hậu phương, tài chính, còn mẹ ở lại Thái là "cơ trưởng" phải theo sát tình hình bệnh tật của con, trao đổi kỹ với bác sĩ.

Hai mẹ con một mình ở đất nước xa lạ, nhiều lúc chị Nhung không khỏi lo sợ. Song, tình yêu, tình mẫu tử đã giúp chị vượt qua hết nỗi sợ tầm thường ấy. Chị lo chu toàn cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, là chỗ dựa vững chãi nhất cho chiến binh bé nhỏ ấy. Chị cũng vô cùng biết ơn khi có nhiều mạnh thường quân đã giúp đỡ và đồng hành với chị trên con đường gian nan ấy.

Chị Nhung vui mừng cho biết, các bác sĩ đã thông báo tìm được nguồn tủy hiến cho con. Hiện, bác sĩ đã cho phép hai mẹ con ra viện mấy ngày để nghỉ. Vài ngày nữa, Minh sẽ lại vào viện để tiếp tục vào hóa chất.

"Con trộm vía cũng ổn hơn. Dù hơi gầy nhưng con vẫn đi lại được, chân tay khá nhanh nhẹn. Các bác sĩ đang tiến hành kiểm tra độ tương thích tủy vòng 2 và sắp xếp lịch cho người hiến tủy đi kiểm tra sức khỏe. Tháng 2 con sẽ được ghép tủy", chị Nhung chia sẻ.

Người mẹ viết cho con: "Mẹ ước được nhìn thấy con lớn lên, nhìn thấy con trưởng thành. Con có thể khoác trên mình chiếc áo cử nhân hay chiếc áo công nhân chỉ cần con là người tốt mẹ cũng đều hãnh diện và tự hào. Mẹ ước được mặc chiếc áo dài nhung màu huyết dụ là một trong 4 cụ trên sân khấu chờ con dẫn người con gái con thương bước vào hôn trường trong ngày cưới. Ước mơ của mẹ chỉ vẻn vẹn có thế thôi. Nhiều nhỉ, nó có thành hiện thực được hay không con giúp mẹ trả lời nhé".

VNExpress

thái lan, ung thư máu, ghép tủy


      © 2021 FAP
        261,255       225