Pháp luật

Chi tiết 'nhạy cảm' ra tòa mới khai, tòa xử lý sao?

TTO - Tại một số phiên tòa, có bị cáo đưa ra những lời khai bất ngờ, “nhạy cảm”, ảnh hưởng đến số phận pháp lý của người khác. Đối với những lời khai này, mỗi phiên tòa lại có cách giải quyết khác nhau.

Chi tiết nhạy cảm ra tòa mới khai, tòa xử lý sao? - Ảnh 1.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga xin khai trước tòa về việc chi 1,5 triệu USD "chạy" ĐBQH - Ảnh: GIANG LONG

Phiên xét xử nguyên ĐBQH Châu Thị Thu Nga (tổng giám đốc Housing Group) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn ra tại TAND TP Hà Nội. Tại tòa, bị cáo Nga hai lần xin khai về khoản 1,5 triệu USD "chạy" vào ĐBQH nhưng đều bị chủ tọa ngắt lời, cho rằng nội dung này không thuộc phạm vi của vụ án, vấn đề đã được cơ quan điều tra tách ra để xử lý sau.

Trước diễn biến đó, dư luận đang có những quan điểm khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng tòa chưa đảm bảo quyền được khai của bị cáo.

Châu Thị Thu Nga xin khai về 1,5 triệu USD Châu Thị Thu Nga xin khai về 1,5 triệu USD 'chạy' đại biểu Quốc hội

TTO - Được luật sư hỏi, bị cáo Châu Thị Thu Nga hai lần xin được khai báo về khoản tiền này trước tòa nhưng lần đầu chủ tọa nhắc luật sư "nội dung này không nằm trong phạm vi vụ án", lần sau bị mời về chỗ.

Không khách quan toàn diện?

Ông Vũ Phi Long - nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM - bình luận: "Theo tôi hiểu thì bị cáo Châu Thị Thu Nga muốn khai về khoản tiền mà bị cáo chiếm đoạt của các bị hại được sử dụng như thế nào. Lời khai của bị cáo sẽ giải thích cho việc số tiền do phạm pháp mà có đó đi đâu, được sử dụng cho những mục đích gì... 

Có bị cáo có tâm lý chỉ khai khi ra tòa, trước HĐXX chứ không khai khi làm việc với cơ quan điều tra. Có thể lời khai này mới gần nhất với sự thật. Trong xu hướng cải cách tư pháp thì việc lắng nghe lời khai của các bị cáo để đánh giá toàn diện vụ án là cần thiết.

Ông Vũ Phi Long

Luật sư Ngô Ngọc Trai - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cùng quan điểm: "Việc bà Nga khai báo về số tiền 'chạy' ĐBQH là một tình tiết quan trọng, có ý nghĩa trong việc xác định đường đi của nguồn tiền bị chiếm đoạt. Để từ đó có cơ sở xem xét việc thu hồi nhằm giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự. 

Việc tòa không để bà Nga khai vì cho rằng nội dung này được tách ra vụ án khác sẽ khiến cho việc giải quyết vụ án không được khách quan toàn diện".

Trong khi đó, luật sư Vũ Thị Nga - trưởng văn phòng luật sư Công lý Việt - có ý kiến khác: Căn cứ điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự về giới hạn xét xử, tòa án chỉ xét xử những bị cáo, những hành vi theo cáo trạng của truy tố và quyết định đưa vụ án ra xét xử. 

Như vậy, việc chủ tọa phiên tòa nhắc nhở luật sư khi xét hỏi phần 1,5 triệu USD "chạy" ĐBQH nằm trong số tiền 157 tỉ đã được tách ra để điều tra là có căn cứ, không ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ và xét xử vụ án.

"Dù không được đưa ra xét xử việc 'chạy vào Quốc hội' tại phiên tòa nhưng tòa có trách nhiệm kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương làm rõ. Từ đó yêu cầu xử lý nghiêm những người liên quan (nếu có) để trả lời dư luận", luật sư Vũ Thị Nga nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của TAND tối cao nói vụ việc chi 1,5 triệu USD được phiên tòa trước đó trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cơ quan điều tra đã cho đối chất giữa bị cáo Nga và những người bị tố cáo nhưng xét thấy tố cáo của bị cáo không đủ căn cứ. Bởi lẽ đó, HĐXX không để bị cáo khai báo thêm về vấn đề này là không sai. 

Dù vậy, vị lãnh đạo này cũng cho rằng nếu thấy cần thiết thì HĐXX có thể nghe lời khai để đánh giá toàn diện hơn.

Chi tiết nhạy cảm ra tòa mới khai, tòa xử lý sao? - Ảnh 4.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai biếu hàng trăm triệu đồng cho những người có chức, có quyền - Ảnh: TTXVN

Nhiều cách xử lý

Khác với phiên tòa xử Châu Thị Thu Nga, đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vừa kết thúc xét xử sơ thẩm có diễn tiến rất đặc biệt. 

Khi các bị cáo khai rõ tên cá nhân, đơn vị nhận tiền "chăm sóc" trái quy định của OceanBank, người đó liền bị triệu tập đến tòa để đối chất. Dù các nội dung này vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ ở giai đoạn 2 của vụ án.

Tại phiên tòa, một số bị cáo như Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (đều là nguyên tổng giám đốc OceanBank) khai về việc chi hàng chục ngàn USD và hàng trăm triệu đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các công ty con. Ông Nguyễn Xuân Sơn còn khai biếu các "sếp" từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Trong bản án, HĐXX cho biết thông qua diễn biến phiên tòa cho thấy có đủ căn cứ khẳng định một số cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tòa dự kiến ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. 

Tuy nhiên, do Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện việc này rồi nên không khởi tố tại tòa nữa. Đồng thời tòa vẫn tiếp tục kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các cá nhân, tập thể có liên quan đến các lời khai của bị cáo.

Chi tiết nhạy cảm ra tòa mới khai, tòa xử lý sao? - Ảnh 5.

Bị cáo Dương Chí Dũng có lời khai trước tòa về một "sếp" báo trước việc bị cáo sẽ bị bắt - Ảnh: TTXVN

Tương tự, tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng (nguyên phó giám đốc Công an TP Hải Phòng), ông Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, người làm chứng trong vụ án) có những lời khai gây sốc.

Cụ thể, ông Dũng khai được một người mật báo tin Dũng sẽ bị khởi tố và khuyên nên lánh đi một thời gian. Đổi lại, Dương Chí Dũng chi cho vị lãnh đạo này phong bì hàng trăm ngàn USD. Lời khai của ông Dương Chí Dũng là hoàn toàn bất ngờ. Trước đó, tại các phiên tòa mà ông Dũng là bị cáo thì ông không khai nửa lời về chuyện này.

Dựa trên lời khai của ông Dũng, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX khởi tố vụ án "cố ý làm lộ bí mật công tác" (điều 286 Bộ luật hình sự). Sau đó HĐXX tòa quyết định khởi tố vụ án "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" (điều 263 Bộ luật hình sự). Phán quyết này được xem là mạnh mẽ hơn kiến nghị của Viện kiểm sát khi tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" có mức hình phạt cao hơn nhiều so với tội "cố ý làm lộ bí mật công tác". 

Trên thực tế, tháng 1-2014, người được Dương Chí Dũng khai mật báo qua đời vì bệnh. Có lẽ vì vậy mà cơ quan chức năng không tiếp tục "theo đuổi" vụ án.

Có thể thấy, tùy theo từng phiên tòa tại tòa mà HĐXX sẽ có phán quyết khác nhau về lời khai "nhạy cảm" của các bị cáo.

HĐXX, đặc biệt thẩm phán chủ tọa phiên tòa rất hay chọn giải pháp an toàn, thay vì cho phép đương sự khai báo tại tòa, trực tiếp ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa thì tòa vẫn "ưu tiên" chọn cách trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Theo quy định, nếu viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà tòa án yêu cầu, tòa án vẫn phải đưa vụ án ra xét xử. Rõ ràng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không phải là cơ chế hiệu quả giải quyết việc phát hiện dấu hiệu phạm tội trong quá trình xét xử.

Luật sư Hà Hải

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        398,435       46