Kinh tế

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức đối với doanh nghiệp

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự báo là sẽ có những tác động nhanh chóng và toàn diện đối với tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh tế và là trào lưu mới đang xuất hiện trên thế giới.

TS. BÙI QUANG XUÂN

Đặc biệt, trong cuộc cách mạng 4.0 này sẽ áp dụng các ứng dụng tự động hóa, công nghệ thông tin với 3 trụ cột: Internet cho vạn vật (IoT), big data và trí tuệ nhân tạo.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đánh giá sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức.

* DOANH NGHIỆP VỚI CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía doanh nghiệp, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ, về cuộc cách mạng này; những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai và những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau.

L
TS. Bùi Quang Xuân tại một lớp giảng dạy Chuyên đề kỹ năng quản lý điều hành doanh nghiệp

Internet vạn vật, big data, trí thông minh nhân tạo… là rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Nhưng để đưa vào hoạt động ngay là rất khó, nếu thiếu lực lượng lao động chất lượng cao. Do vậy, doanh nghiệp có thể cải thiện ngay hiệu suất làm việc bằng chất lượng nhân viên, quản lý công việc.

Các doanh nghiệp cũng cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới. Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc, để bước vào cuộc cách mạng này.

Cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá sẽ vượt ra khỏi quy mô công xưởng, doanh nghiệp (DN) khi vạn vật được kết nối bởi internet. Thế nhưng, nhiều DN Việt Nam còn rất bị động với các xu thế mới. Họ không hiểu bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0, không thấy được liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng... Có 55% DN đánh giá cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết[1].

* NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng này là nằm ở tiềm lực cơ sở vật chất. Máy móc thiết bị của các doanh nghiệp cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại, khiến các doanh nghiệp Việt nếu muốn “số hóa” công nghệ cũng phải rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Cụ thể, không những tất cả máy móc thiết bị trong công xưởng được kết nối với nhau thông qua internet, mà rất nhiều cảm biến cũng đồng thời được lắp đặt để thu thập dữ liệu, từ đó giúp máy móc có thể “giao tiếp” với nhau mà không cần sự có mặt của con người, hay dây chuyền sản xuất sẽ được vận hành tự động một cách thích hợp ứng với lượng tồn kho.

Các DN sản xuất chi tiết cũng sẽ được kết nối với DN lắp ráp, DN vận chuyển, cửa hàng phân phối và tiêu thụ để thành một thể thống nhất. Quá trình sản xuất và thời hạn sản xuất được phối hợp với mục tiêu tăng hiệu suất và tối ưu hóa thời gian sản xuất, công suất và chất lượng sản phẩm trong các khâu phát triển, sản xuất, tiếp thị và thu mua.

Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, khiến các chi phí thương mại sẽ giảm xuống, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

h
TS. Bùi Quang Xuân cùng các học viên

Cuộc cách mạng này cũng giúp làm tăng năng lực cạnh tranh của DN thông qua tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giảm chi phí; khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và sản phẩm mới; Thúc đẩy thương mại điện tử và hình thành các mô hình kinh doanh mới, cải thiện hiệu quả và tạo ra các loại hình doanh thu mới…

Nhưng không thể có sự thay đổi đột ngột từ hệ thống công nghệ này sang hệ thống công nghệ khác, mà sẽ có một thời gian chuyển tiếp. Vì vậy, khi doanh nghiệp đầu tư mới, phải hướng tới đầu tư công nghệ tự động nhưng vẫn cần duy trì sản xuất hệ thống công nghệ hiện nay để phát huy hiệu quả. Doanh nghiệp nên tiếp tục khai thác, tích lũy, để từng bước chuẩn bị cho 5 năm tới khi bước vào chu kỳ thay đổi mạnh mẽ hơn về trình độ công nghệ.

* SỰ HỖ TRỢ TỪ PHÍA NHÀ NƯỚC

Hình dung về viễn cảnh thực sự của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để chuẩn bị và nhập cuộc không chỉ đặt ra những bài toán khó cho cơ quan quản lý nhà nước, mà cũng còn cho cả đối với cộng đồng DN.

Nhà nước cần có sự quan tâm những ngành sử dụng nhiều lao động đang phải đứng trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để từ đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại. Sự hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển giao công nghệ, cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà nước trong thời gian tới [2].

Cụ thể như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của giai đoạn trước nếu doanh nghiệp đem lợi nhuận này để tái đầu tư vào khu vực có trình độ công nghệ cao trong ngành, xem xét kể cả hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp những năm trước để doanh nghiệp đầu tư nhưng với điều kiện phải đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các DN trong nước cần phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin. Cần quy trình hóa, số hóa được các hoạt động sản xuất, kinh doanh quan trọng của DN, tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn, từ đó mới áp dụng được các ứng dụng thông minh, tiện ích hơn của IoT, Cloud, Robot.

Các DN cần nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng chúng nhằm cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. Trong tương lai, đổi mới về công nghệ sẽ tạo ra một phép màu cho dịch vụ cung ứng, cải thiện năng suất và hiệu suất về lâu dài. Các DN phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến để giản tiện quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh…

Phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của các DN công nghệ thông tin và viễn thông để hỗ trợ các DN trong nước chuyển đổi nhanh chóng để bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh việc cung cấp các giải pháp tổng thể về công nghệ thông tin và viễn thông, DN công nghệ thông tin cần đầu tư nghiên cứu các ứng dụng mới theo các xu thế tất yếu của công nghệ như: IoT, Cloud, AI, Big Data, xu thế bảo mật, xu thế thực tại ảo... Trong đó, mục tiêu cao nhất là nhằm giúp cho sức cạnh tranh của các DN Việt Nam được duy trì và phát triển bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường và an toàn hơn.  

* KẾT LUẬN

Thực sự cách mạng 4.0 đã đi đến từng nhà, từng người, từng doanh nghiệp (DN) nên chúng ta không thể chần chừ được nữa. Thậm chí có những cái hôm nay đúng ngày mai sai, bởi vạn vật chuyển động rất nhanh, rất linh hoạt. Chúng ta đang nhìn cách mạng 4.0 bằng nhiều góc nhìn khác nhau nhưng không nên quá sợ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này. Vì nếu như nghe để biết, để hiểu về nó mà lại sợ nó thì chúng ta thất bại hoàn toàn” [3].

Doanh nghiệp chúng ta chỉ được tôn trọng khi đất nước chúng ta thực sự giàu. Đi cùng với đó, phải giữ được giá trị bất biến là đạo đức, khả năng ứng xử, đối nhân xử thế, trung thực, trung tín, yêu thương và nhân từ. Doanh nghiệp phải có tầm nhìn, công việc và hướng tới tương lai của DN theo hướng riêng của mình.

B.Q.X

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chỉ thị 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

2. Thanh Tâm, Hoài Sâm (2017), Doanh nghiệp và chiến lược “thích nghi 4.0”, Doanh nhân Sài Gòn;

3. Đình Anh (2017), Doanh nghiệp Việt còn bị động với xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, Báo điện tử Infonet.



[1] Khảo sát về quan điểm đối với cách mạng công nghiệp 4.0 được Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội thực hiện mới đây với 2.000 hội viên chính thức thuộc Hiệp hội

[2] Chỉ thị 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

[3] GS. TS. Đinh Văn Nhã

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        340,672       35