Kinh tế

Chuyển giao công nghệ từ FDI

Khoảng 3-4 năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư của nước ngoài (FDI) ở Đồng Nai đã chủ động chuyển giao công nghệ trong sản xuất công nghiệp cho lao động Việt Nam.

Những vị trí đứng đầu trong quản lý nhân sự, kỹ thuật dần thuộc về người Việt. Tại nhiều DN FDI, người Việt đã làm chủ công nghệ sản xuất.

Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam đã tin tưởng giao nhiều vị trí kỹ thuật trọng yếu cho lao động Việt Nam chịu trách nhiệm. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).
Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam đã tin tưởng giao nhiều vị trí kỹ thuật trọng yếu cho lao động Việt Nam chịu trách nhiệm. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, việc chuyển giao khoa học - công nghệ cho lao động Việt Nam phù hợp với yêu cầu và cam kết khi các DN FDI đầu tư vào tỉnh. Nếu trước đây, chuyên gia về kỹ thuật tại các DN FDI hầu hết là người nước ngoài thì nay người Việt khá nhiều.

* Người Việt làm chủ công nghệ

Qua tìm hiểu, đánh giá sơ bộ của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, thì những DN FDI đầu tư vào tỉnh đến từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đều rất chú trọng việc chuyển giao công tác quản lý nhân sự, kỹ thuật để lao động Việt Nam làm chủ. Hiện lao động Việt trong các DN FDI chiếm gần 90%. Nhiều nhà đầu tư FDI chỉ còn chịu trách nhiệm rót vốn vào để sản xuất, kinh doanh, còn nhân sự, công nghệ giao lại cho các cộng sự Việt Nam chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa), cho hay: “DN vốn 100% của Nhật Bản chuyên sản xuất bảng hiệu, đèn led xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới. Công ty thành lập năm 2010 và sau đó 2 năm thì người Nhật đã chuyển giao toàn bộ kỹ thuật cho lao động Việt Nam, chỉ chịu trách nhiệm rót vốn vào để sản xuất, kinh doanh”. Cũng theo ông Đoàn, khâu thiết kế sản phẩm được các kỹ sư, chuyên gia người Việt tiếp cận và làm rất tốt không thua kém gì các kỹ sư, chuyên gia của Nhật Bản.

Nhà máy của Mabuchi Motor (Nhật Bản) tại Đồng Nai cũng đã đào tạo và giao lại cho các chuyên gia, kỹ sư người Việt phụ trách. “Khoảng 3 năm trở lại đây, Mabuchi Motor đã đào tạo và chuyển giao gần hết công nghệ sản xuất linh kiện điện tử cho lao động Việt Nam. Các chuyên gia, kỹ sư người Nhật Bản rút dần, những cương vị chủ chốt trong ban giám đốc, các phòng ban về điều hành nhân sự, kỹ thuật, kinh doanh số đông là do người Việt chịu trách nhiệm” - ông Phạm Văn Châu, Trưởng văn phòng Tổng giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) nói.

Nhiều DN FDI của Hàn Quốc, Đài Loan, EU, các nước thuộc khối ASEAN... đầu tư vào tỉnh đều ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam từ lao động phổ thông đến có tay nghề cao để chuyển giao quy trình sản xuất, thiết kế. Đây là cơ hội tốt để lao động trong nước tiếp nhận quy trình sản xuất hiện đại.

* Nên thu hút công nghệ cao

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, để việc chuyển giao khoa học - công nghệ cho lao động Việt Nam hiệu quả, các tỉnh, thành nên thu hút đầu tư có chọn lọc. Nếu dự án thu hút có công nghệ cao khi nhận chuyển giao công nghệ, lao động Việt sẽ tiếp nhận được những kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Như vậy, lao động trong nước sẽ dần làm chủ công nghệ, về lâu dài có thể luân chuyển làm việc trong khối ASEAN mà không lo bị thua thiệt vì Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã chính thức thành lập.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Muốn làm chủ được những công nghệ hiện đại do DN FDI chuyển giao lại thì Việt Nam phải đào tạo được những kỹ sư, chuyên gia giỏi nhiều ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành nên lựa chọn trong thu hút đầu tư FDI. Vì thu hút được những dự án công nghệ cao sẽ tiếp nhận kỹ thuật hiện đại, còn dự án công nghệ lạc hậu chỉ nắm bắt được kỹ thuật lỗi thời”.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho hay khoảng 5 năm trở lại đây tỉnh thu hút đầu tư có chọn lọc. Trong đó, ưu tiên thu hút những dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, những dự án công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm cao bị từ chối.

“Chuyển giao công nghệ của các DN FDI tại Đồng Nai khá tốt. Lao động người Việt tiếp nhận những vị trí quan trọng về kỹ thuật tương đối nhanh, nhiều vị trí tổng giám đốc, giám đốc, chuyên gia về kỹ thuật đã giao lại cho người Việt chịu trách nhiệm. Chất lượng lao động trong nước được khẳng định qua việc DN FDI hoạt động có doanh thu và lợi nhuận tăng cao” - ông Nhơn nói.

Tại các buổi gặp gỡ với DN FDI và những tập đoàn nước ngoài đã và đang có ý định đầu tư vào Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đều đề cập đến vấn đề lao động và yêu cầu các DN FDI có nhu cầu về lao động có tay nghề có thể đặt hàng, tỉnh sẽ liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong nước đào tạo để đáp ứng.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        344,150       16