Kinh tế

Rút giấy phép các mỏ khoáng sản gây ô nhiễm

Mới đây, trong đợt kiểm tra thực địa tình hình khai thác khoáng sản, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh đến cuối năm 2017 sẽ không để xảy ra ô nhiễm môi trường tại các mỏ đang khai thác.

Nếu các chủ mỏ không đảm bảo về môi trường sẽ buộc ngừng hoạt động và rút giấy phép khai thác.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (đội mũ) kiểm tra thực địa tình hình khai thác khoáng sản tại một mỏ đá đang khai thác tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: HƯƠNG GIANG
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (đội mũ) kiểm tra thực địa tình hình khai thác khoáng sản tại một mỏ đá đang khai thác tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: HƯƠNG GIANG

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, Đồng Nai có 31 mỏ đá được khai thác trên diện tích 273,3 hécta. Có 26 mỏ đã tiến hành khai thác, phần lớn tập trung tại huyện Vĩnh Cửu. Thời gian qua, việc khai thác đá luôn là vấn đề “nóng” vì tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều mỏ gây ô nhiễm

Ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản chủ yếu ở khâu chế biến và vận chuyển. Do không được xử lý đầy đủ nên quá trình chế biến, vận chuyển phát sinh bụi, rơi vãi đá dọc đường làm ảnh hưởng đến người dân lưu thông trên đường cũng như những hộ dân sống gần mỏ đá và gần đường. Đây là vấn đề khiến nhiều người dân tại huyện Vĩnh Cửu bức xúc hàng chục năm nay.

Ông Thái Mã Thành, Chủ tịch UBND xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Đã nhiều năm nay người dân Thiện Tân phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển đá gây bụi, đá rơi dọc tuyến đường gây nguy hiểm cho người lưu thông trên đường. Vừa qua, huyện phải yêu cầu các chủ mỏ đóng tiền để thuê đơn vị thường xuyên quét dọn và xịt nước để giảm bụi, nhưng bụi vẫn còn nhiều”.

Khâu chế biến đá các mỏ đá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong ảnh: Mỏ đá đang khai thác tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu.
Khâu chế biến đá các mỏ đá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong ảnh: Mỏ đá đang khai thác tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu.

Khảo sát tại các mỏ đá cho thấy, quá trình vận chuyển đá thô từ mỏ lên khu vực xay nghiền khiến bụi phát tán mù mịt. Theo quy định, đường vận chuyển nội bộ trong mỏ từ khu nguyên liệu thô đến khu chế biến phải được đổ bê tông, quá trình xay nghiền đá có hệ thống phun sương để giảm bụi. Tuy nhiên, các đơn vị đều chưa thực hiện nghiêm túc nên bụi vẫn phát tán nhiều.

“Cuối năm 2016, công ty bắt đầu khai thác mỏ đá Thạnh Phú 2 ở xã Thiện Tân. Đá khai thác lên đưa vào xay nghiền ngay khu vực gần mỏ, dù đã thực hiện một số biện pháp giảm ô nhiễm nhưng lượng bụi vẫn phát sinh nhiều. Tới đây, công ty sẽ làm đường bê tông vận chuyển từ mỏ ra khu chế biến và lắp đặt hệ thống phun sương để hạn chế bụi” - ông Trịnh Tiến Bảy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa An (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), cho hay.

Chủ mỏ đá Thạnh Phú 3 (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Văn Dũng thừa nhận: “Quá trình chế biến bụi còn phát tán dày đặc, tuy có phun xịt nước song giảm không đáng kể. Chúng tôi đang tìm hệ thống phun sương thích hợp lắp đặt cho khu nghiền đá nhằm giảm bớt ô nhiễm không khí”. Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có 13 mỏ đá đang tiến hành khai thác với khối lượng hơn 7,9 triệu m3/năm. Các mỏ đều lập đầy đủ thủ tục về khoáng sản, môi trường, đất đai và được cấp phép đầy đủ nhưng hoạt động khai thác, vận chuyển vẫn còn gây ô nhiễm môi trường.

Gây ô nhiễm phải rút giấy phép

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, phần lớn các khu chế biến trong mỏ đá đường nội bộ còn tạm bợ, nhếch nhác, bụi phát sinh mù mịt ở khu vực vận chuyển, xay nghiền. Các chủ mỏ cũng chưa chú ý tạo cảnh quan trong khu vực khai thác mỏ bằng cách trồng cây xanh xung quanh để cản bụi, tiếng ồn. “Đến quý II-2017, các chủ mỏ đang khai thác khoáng sản phải làm bê tông xong đường nội bộ, có hệ thống rửa xe trước khi rời mỏ; đồng thời cuối năm phải lắp đặt xong hệ thống phun sương ở khu vực chế biến. Xe ra khỏi mỏ chở đúng tải, phủ kín để không rơi vãi ra đường. Những chủ mỏ không thực hiện đúng yêu cầu trên sẽ buộc ngưng hoạt động và rút giấy phép” - ông Võ Văn Chánh khẳng định.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặt ra trong năm 2017 là bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. 2 địa phương đang “nóng” trong khai thác khoáng sản và bị dân kêu ca liên tục là huyện Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa. So với những năm trước, tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản có giảm, nhưng chưa đạt yêu cầu.

Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Thanh Phương khẳng định: “Còn nhiều mỏ khai thác khoáng sản chưa xây dựng máng, bể rửa xe chở đá trước khi rời khỏi mỏ để giảm bụi khi lưu thông ra đường dân sinh. Ngoài ra, các chủ mỏ còn để xe mua bán khoáng sản chở quá tải gây rơi vãi dọc đường ảnh hưởng lớn đến các phương tiện giao thông khác và người dân ven đường”. Tình trạng trên đang diễn ra ở những khu đang khai thác khoáng sản.

Nhiều người dân gần khu vực khai thác khoáng sản của huyện Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất, bày tỏ: “Ở những khu vực khai thác khoáng sản, chính quyền tỉnh, địa phương phải quản lý chặt để bớt ô nhiễm và đường sá xuống cấp. Người dân gần những mỏ đang khai thác chỉ được “hưởng” bụi, đường ổ voi và tai nạn rình rập”.

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Dương Văn Đông cho biết: “Các mỏ đá đã ký cam kết những xe vận chuyển khoáng sản từ mỏ ra đúng trọng tải, che chắn kín để đất đá không rơi vãi xuống đường. Những xe không thực hiện đúng sẽ xử phạt cả chủ mỏ”. Bên cạnh đó, đá khai thác được phần lớn vận chuyển ra các bến thủy nội địa để chở đi các tỉnh nên đường vào và các bến thủy cũng phải bê tông để đảm bảo môi trường. Tới đây, Sở Giao thông - vận tải sẽ kiểm tra các bến thủy nội địa, nếu không thực hiện quy định này sẽ không cấp phép tiếp.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        346,453       41