Kinh tế

Tôm "sốt" giá, người nuôi vẫn khó khăn

Suốt gần 2 tháng qua, giá tôm, cua nước lợ biến động mạnh. Có thời điểm, giá tôm bán lẻ tăng cả trăm ngàn đồng/kg. Dù sức mua tại các chợ lẻ rất chậm nhưng do nguồn cung khan hiếm vẫn đẩy giá tôm, cua tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Ty, nông dân nuôi tôm tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) thất vọng vì không đạt lợi nhuận do tôm chết ngộp khi bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Ty, nông dân nuôi tôm tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) thất vọng vì không đạt lợi nhuận do tôm chết ngộp khi bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Theo nhiều nông dân nuôi tôm tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, tuy vụ thu hoạch vào những tháng cuối năm giá tôm, cua thường cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường, nhưng nhiều người nuôi tôm vẫn né vụ thu hoạch này vì thời tiết không thuận. Đặc biệt, năm nay, nhiều hộ nuôi tôm “trắng ao” do nạn khai thác cát lậu gây ô nhiễm nguồn nước. 

Tôm khan hàng, “sốt” giá

Bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương chuyên mua, bỏ mối các mặt hàng cá, tôm nước lợ tại xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), nhận xét: “Chưa có năm nào giá tôm, cua, cá...nước lợ biến động mạnh như vài tháng trở lại đây. Dù sức mua của người tiêu dùng tại các chợ lẻ rất chậm, nhưng do nguồn cung khan hiếm nên giá tôm, cua thay đổi mỗi ngày. Có những ngày cuối tuần, đám, tiệc được tổ chức nhiều là ngay lập tức giá mặt hàng này bị đẩy lên vài chục ngàn, thậm chí tăng cả trăm ngàn đồng/kg”. Không chỉ sản lượng tôm, cua nuôi bị khan hàng mà nguồn tôm, cá khai thác ngoài thiên nhiên cũng giảm rất nhiều so với trước. Nhiều tiểu thương phải mua tôm, cá nước lợ từ miền Tây về vì nguồn hàng tại địa phương không có.

Dù có hơn 4 hécta diện tích ao nuôi tôm, nhưng vụ cuối năm 2016 ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân nuôi tôm tại xã Long Thọ, không có tôm cung cấp ra thị trường. Nguyên nhân vì thời tiết năm nay quá thất thường nên ông không đầu tư nuôi tôm vụ tết. Ông Hùng cho hay: “Dù vụ thu hoạch cuối năm thường đạt giá cao nhưng thời tiết lạnh khiến chi phí đầu vào tăng cao, rủi ro lại lớn nên đa số nông dân không tha thiết đầu tư. Vụ này trong 100 hộ thì chỉ hơn 10 hộ thả con giống, sản lượng nuôi cũng đạt thấp hơn nhiều so với các vụ khác trong năm”.

Người nuôi tôm thất thu

Ông Nguyễn Văn Đức cũng là nông dân gạo cội trong nghề nuôi tôm tại xã Long Thọ, nhưng vụ thu hoạch này ông mất trắng dù có 3 ao nuôi rộng 6 ngàn m2.

Ông Đức bức xúc: “Nạn khai thác cát tràn lan gây ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân chính gây nên tình trạng “trắng ao” cho người nuôi tôm, có những thời điểm mặt sông kín các ghe hút cát. Mỗi đợt các ao nuôi lấy nước vào là mỗi đợt vớt tôm, cua chết”. Theo ông Đức, hàng trăm hộ dân đánh bắt cá, tôm ngoài thiên nhiên cũng mất nguồn thu vì cá, tôm thiên nhiên cũng đang bị tận diệt bởi ô nhiễm môi trường do nạn nạo vét, khai thác khoáng sản trên sông.

Ngoài nguyên nhân trên, thời tiết cuối năm quá thất thường cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ nuôi tôm. Bà Nguyễn Thị Ty, nông dân nuôi tôm tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú), lo lắng: “Từ tháng 10-2016 là các hộ nuôi tôm ở vùng này không dám rời khỏi ao nuôi để canh tôm, kịp thời cho chạy hệ thống máy quạt cung cấp oxy cho ao nuôi. Nhưng thời tiết nóng lạnh thất thường nên nhiều ao vẫn xảy ra tình trạng tôm chết ngộp nổi trắng mặt nước; có đợt gia đình tôi vớt hàng tạ tôm chết, xem như bao kỳ vọng cả vụ đầu tư vất vả trôi sông”.

Dù được mùa trong vụ thu hoạch cuối năm 2016, cung cấp ra thị trường gần 17 tấn tôm thẻ, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Lê Hoa (xã Long Phước, huyện Long Thành) vẫn kém vui vì lợi nhuận không như kỳ vọng. Bà Hoa tính toán: “Vì tỷ lệ tôm hao hụt cao nên năng suất vụ thu hoạch cuối năm giảm từ 30-40%; thời gian nuôi kéo dài hơn 20 ngày khiến chi phí đội lên gần gấp đôi. Tôm bán lẻ ngoài thị trường sốt giá, nhưng nông dân bán cho thương lái chỉ cao hơn khoảng 20 ngàn đồng/kg so với trước nên lợi nhuận vẫn thấp hơn rất nhiều so với các vụ khác trong năm”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        340,721       39