Pháp luật

Hà Văn Thắm cùng khóc với nhân viên tại tòa

TTO - Khi được trình bày bài tự bào chữa, nhiều bị cáo trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã bật khóc trước vành móng ngựa khiến nguyên chủ tịch Hà Văn Thắm cũng rơi nước mắt.

Hà Văn Thắm cùng khóc với nhân viên tại tòa - Ảnh 1.

Nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm trình bày bào chữa tại tòa - Ảnh: T.L.

Trong phiên xét xử đại án OceanBank chiều 19-9, rất nhiều bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh OceanBank trên cả nước đã khóc và kêu oan vì bị truy tố về hành vi chi lãi ngoài trái quy định. 

Theo các  bị cáo, việc phải chi lãi ngoài trái quy định là để huy động vốn, là "tự vệ ngay tình" trong "thời khắc sinh tử" khi OceanBank gặp rất nhiều khó khăn.

Thấy nhân viên dưới quyền khóc, bị cáo Hà Văn Thắm cũng khóc theo, liên tục lấy khăn chấm nước mắt. Trong vụ án này, viện kiểm sát xác định hành vi phạm tội của Hà Văn Thắm đã gây liên lụy cho các nhân viên dưới quyền.

Riêng bị cáo Nguyễn Quốc Trưởng (nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh Cần Thơ) được gọi trình bày nhưng chưa nói gì đã phải xuống gặp nhân viên y tế vì xúc động và có vấn đề về sức khỏe.

Người bị xử hình sự, người không

Khóc nghẹn trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Quốc Chiến (nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh Sài Gòn) nói: "Cáo trạng nêu rõ bị cáo vi phạm thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước vì chi lãi suất vượt trần. Bị cáo nhận thức rằng đó là quan hệ dân sự. 

Bị cáo nhận thức mình vi phạm hành chính. Nhưng cáo trạng truy tố bị cáo tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo thấy cơ quan tố tụng chưa đánh giá hết nguyên nhân tại sao phải chi lãi ngoài tại Oceanbank…"

Ngoài 34 giám đốc nêu trên, có 227 người là giám đốc phòng giao dịch đã tiếp nhận chủ trương của giám đốc chi nhánh, chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền dưới 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Viện KSND tối cao xét thấy nếu khởi tố, xử lý hình sự hết các đối tượng nêu trên thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống của OceanBank trong giai đoạn tái cơ cấu.

Vì vậy 227 đối tượng nêu trên chỉ bị xử lý hành chính.

Ngân hàng nhà nước không cảnh báo?

Theo bị cáo Nguyễn Quốc Chiến, khi tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước vào đi giám sát chi nhánh Sài Gòn vào một ngày giáp tết, hàng loạt công ty đã đến tận chi nhánh để rút tiền. 

OceanBan lúc đó hoạt động không bình thường nhưng Ngân hàng nhà nước lại đánh giá là hoạt động bình thường.

"Ngân hàng Nhà nước lúc nào cũng tuyên bố là các ngân hàng đang hoạt động bình thường. Ngân hàng Nhà nước cũng như cha mẹ của các ngân hàng như Oceanbank. Khi ‘đứa con’ có sai phạm họ có lên tiếng cảnh báo gì không" - Nguyên giám đốc chi nhánh Sài Gòn trình bày.

Cũng khóc nghẹn trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thi Loan (giám đốc OceanBank chi nhánh Trung Yên, Hà Nội) nói: "15 năm làm cho ngân hàng, bị cáo không vi phạm, không tư lợi điều gì. Số tiền hội sở chuyển xuống chi nhánh để chi lãi ngoài, bị cáo đều chuyển cho khách hàng bằng hình thức chuyển khoản"..

Vị chủ tọa phiên tòa khuyên bị cáo Loan bình tĩnh để trình bày vì đây mới đang là phần tranh luận chứ chưa có phán quyết cuối cùng.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục phần tranh luận.

Đề nghị 34 giám đốc không phải chịu trách nhiệm dân sự

Trong phần luận tội, nhiều bị cáo trong nhóm 34 giám đốc chi nhánh được đại diện Viện kiểm sát đề nghị cho hưởng án treo. Mức án cao nhất vị đại diện viện kiểm sát đề nghị với một giám đốc chi nhánh là 42 tháng tù.

Liên quan đến khoản tiền hơn 1.500 tỉ đồng chi lãi ngoài được xác định là thiệt hại trong vụ án, đại diện viện kiểm sát đã đề nghị các bị cáo ở hội sở OceanBank như Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc)…phải bồi thường cho OceanBank.

Riêng 34 giám đốc chi nhánh không phải chịu trách nhiệm dân sự.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        431,304       20