Văn hóa

Văn chương viết cho thiếu nhi ở Đồng Nai

Đồng Nai là địa phương mạnh trong sáng tác văn chương, trong đó văn chương viết cho thiếu nhi đã hình thành một đội ngũ với nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi.

Một số tác phẩm tiêu biểu viết cho thiếu nhi của tác giả Đồng Nai. Ảnh: L. Giang
Một số tác phẩm tiêu biểu viết cho thiếu nhi của tác giả Đồng Nai. Ảnh: L. Giang

Nhiều nhà văn, nhà thơ Đồng Nai đã xây nên sự nghiệp văn chương của mình bằng chính những sáng tác cho thiếu nhi.

* Đội ngũ

Thời điểm trước năm 1980, nhà văn lão thành Hoàng Văn Bổn bên cạnh những sáng tác đồ sộ dựng lại chân dung người dân Đồng Nai - Nam bộ và người lính cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ông còn dành sự quan tâm đặc biệt cho các bạn đọc nhỏ tuổi qua những truyện vừa, truyện ngắn. Cũng ở Biên Hòa - Đồng Nai, trước năm 1975, xuất hiện một cây bút trẻ tuổi với những sáng tác đầu tay viết cho thiếu nhi và tác giả thành danh ngay từ những sáng tác đầu tiên này, in dấu mãi trong tâm hồn bạn đọc nhỏ tuổi thuở ấy. Đó là anh sinh viên dược Nguyễn Thái Hải.

Lứa các cây bút trẻ trưởng thành từ các “lò” đào tạo như phụ trương Dưới Mái trường (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) và các lớp năng khiếu sáng tác của Nhà thiếu nhi Đồng Nai cũng giành được nhiều giải thưởng qua các cuộc thi viết cho thiếu nhi của Hội đồng Đội Trung ương và Báo Thiếu niên Tiền phong. 

Từ những năm 1980-1985, sau khi Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai ra đời, bắt đầu xuất hiện một lớp các nhà văn, nhà thơ trẻ viết cho thiếu nhi, đó là: Cao Xuân Sơn, Đàm Chu Văn, Hoàng Dương Thu Anh, Thu Trân… Muộn hơn một chút nữa, sau những năm 1990 xuất hiện các sáng tác cho thiếu nhi của Phạm Thanh Quang, Trần Thu Hằng, Nguyễn Trí, Hoàng Ngọc Điệp...

Từ những năm 1985, qua các lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, dưới sự chỉ đạo của nhà văn Hoàng Văn Bổn, trực tiếp thực hiện là nhà văn Nguyễn Thái Hải qua phụ trương Dưới mái trường và các cuộc thi sáng tác Bút hồng, xuất hiện các cây bút tuổi học trò với những sáng tác về chính lứa tuổi mình như: Nguyễn Thị Vân Trang, Lâm Nguyễn Vân An, Ngô Đình Vân Nhi, Đinh Nga…

Với 10 năm gieo hạt, ươm mầm, “lò” đào tạo năng khiếu sáng tác văn chương của Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ như: Lã Hoài Mai, Võ Anh Vũ, Đàm Nguyên Khánh, Ngô Thị Thanh Hằng, Trần Thảo Hoài Thương, Đặng Nguyễn Vân Nhi, Đỗ Khôi Nguyên, Hứa Hoàng Khiết Linh, Bùi Thị Thanh Nhàn, Bùi Thị Thu Ngân, Nguyễn Hồng Gia Bảo, Vi Thị Thu Ngân...

* Thành tựu

Ngoài những tiểu thuyết, bút ký, kịch bản phim thành công tạo nên dáng vóc nhà văn lớn của miền Đông Nam bộ, đối với mảng văn học thiếu nhi, nhà văn Hoàng Văn Bổn cũng có nhiều thành công, tạc nên tên tuổi ông trong hàng những nhà văn Việt Nam tiêu biểu sáng tác cho thiếu nhi. Các tiểu thuyết Lũ chúng tôi, Tuổi thơ ngọt ngào, Tướng Lâm Kỳ Đạt giành được Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, bạn đọc còn yêu thích nhiều tác phẩm khác viết cho thiếu nhi của ông như: Bên kia sông Đồng Nai, Ó ma lai (tiểu thuyết), Đội quân hoa và cỏ (truyện đồng thoại), Tuổi thơ trong làng,  Về quê nội (truyện dài)…

Hình tượng người nông dân Nam bộ - Đồng Nai hai mùa kháng chiến cần cù, trung hậu, chí cốt với cách mạng, sống có nghĩa có tình, bất khuất trước cường quyền, áp bức được ông khắc họa qua những trang văn đẫm chất sử thi. Thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của Đồng Nai ngày xưa cũng được ông chăm chút ghi lại.

Trước năm 1975, nhà văn Nguyễn Thái Hải nổi tiếng với tác phẩm Chiếc lá thuộc bài và một số tác phẩm được đón nhận khác. Sau năm 1975, ông nghỉ viết cho thiếu nhi dễ đến hơn 15 năm. Và từ sau năm 1990, ngòi bút viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải lại bắt đầu “tung hoành”. Gần 30 tập truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn viết cho thiếu nhi nối nhau xuất hiện. Đó là: Cha con ông mắt mèo, Những trái sao xoay, Cánh chuồn kim biếc, Thằng heo sữa, Mơ làm thủ lĩnh, Hai con diều bay thấp, Những sợi tóc sâu của mẹ, Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ, Vụ án ba trái xoài…

Nguyễn Thái Hải giành được nhiều giải thưởng văn học cho thiếu nhi như Giải thưởng văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ năm 1993 với truyện dài Cha con ông mắt mèo và Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác Tình bạn tuổi thơ của Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch năm 2006 với truyện ngắn Hai con diều bay thấp. Truyện dài Cha con ông mắt mèo còn được chuyển thể thành phim truyện khá ấn tượng.

Nhà văn Thu Trân (nguyên phóng viên Báo Đồng Nai) cũng khởi nghiệp với những trang văn viết cho thiếu nhi. Sau này mảng sáng tác cho thiếu nhi của Thu Trân cũng song hành cả về số lượng tác phẩm cùng những thành công trong sự nghiệp sáng tác. Các tác phẩm tiêu biểu viết cho thiếu nhi của nhà văn Thu Trân: Đường bong bóng bay (truyện dài), Giải thưởng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993; Hoa trên đường phố (tập truyện ngắn) Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEP) năm 1997; Ông thầy cũ kỹ (tập truyện ngắn) Giải B Cuộc thi Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần III… Ngọt ngào, đằm thắm, đầy ắp nữ tính là giọng văn của Thu Trân. Mỗi trang viết của chị thấm đẫm tình yêu thương, sự chia sẻ.

Nhà văn Trần Thu Hằng đóng góp cho văn học thiếu nhi các tập truyện: Chuyến tàu ước mơ; Chú thợ gốm; Cơn lũ, ốc sên và hoa hồng... Nhà văn Phạm Thanh Quang với các tập truyện vừa: Lạc giữa hành tinh; Cua kềnh vượt vũ môn... Nhà văn Nguyễn Trí với tác phẩm Tuổi thơ không có cánh diều, kể về cuộc sống tha phương của những đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh. Cù lao yêu dấu và Bin mũi hếch là 2 tập truyện viết cho thiếu nhi mới xuất bản của tác giả Hoàng Ngọc Điệp.

Tập thơ đầu tiên viết cho thiếu nhi ở Đồng Nai xuất bản sau năm 1975 là tập Cây chăm làm của hai tác giả Nguyễn Văn Chương và Vũ Xuân Hương. Đây là tập thơ khá ấn tượng của một nhà xuất bản địa phương, một đóng góp có thể nói là đáng kể vào văn chương viết cho thiếu nhi ở Đồng Nai buổi đầu. Nhà thơ Đàm Chu Văn đã xuất bản 3 tập thơ viết cho thiếu nhi: Quả bóng xinh; Cào cào giã gạo; Thơ câu đố - câu đố thơ. Thơ viết cho thiếu nhi của Cao Xuân Sơn (thời điểm trước năm 1990), Đàm Chu Văn và một số tác giả Đồng Nai xuất hiện nhiều trên các báo Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong, Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam)…

Sáng tác cho thiếu nhi không dễ, nhất là trong thời buổi văn hóa đọc đang có xu hướng bị “lu mờ” bởi nhiều loại hình giải trí khác. Do đó, những nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi ở Đồng Nai đang tiếp tục tìm tòi, đổi mới để có nhiều hơn nữa những tác phẩm được các em đón nhận.         

Phước Long Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        419,472       27