Văn hóa

Tôn tạo nhiều tháp cổ ở Mỹ Sơn

Công tác trùng tu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 1 (2017-2018) đã kết thúc.

Chuyên gia Ấn Độ đo kỹ thuật hiện trạng tháp H4 trong quần thể di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) trong quá trình trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Hữu Trung
Chuyên gia Ấn Độ đo kỹ thuật hiện trạng tháp H4 trong quần thể di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) trong quá trình trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Hữu Trung

Sau 2 năm thực hiện, khu tháp K đã hoàn tất việc bảo tồn tôn tạo, đủ điều kiện để đưa vào phục vụ khách tham quan. Khu tháp H được gia cố, chống đỡ vững chắc và tu bổ một số vị trí bị xuống cấp.

* Bảo tồn các yếu tố gốc

Ông Phan Hộ, Trưởng ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, cho biết với phương pháp chủ yếu là gia cố, bảo tồn các yếu tố gốc một cách vững chắc, đảm bảo tính chân xác của di tích, di sản tháp K đã được trùng tu hoàn thiện với các hạng mục chính gồm: trùng tu bậc cấp, thành bậc cấp phía Tây và phía Đông, phần chân tháp phía Bắc và phía Nam; bảo tồn, trùng tu, gia cố phần thân tháp, đỉnh tháp và 2 mảng tường tháp còn lại; xử lý nền và lát gạch bên trong toàn bộ phạm vi khai quật tháp K; khơi thông hệ thống thoát nước, chống ứ đọng nước trong lòng khu tháp.

Được sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Italy và Ấn Độ, Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng đã hoàn thành việc số hóa hơn 1 ngàn hiện vật cổ được tìm thấy trong quá trình khai quật, trùng tu nhóm tháp G, K và H trong quần thể di sản. Các chuyên gia đến từ Italy cùng cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã thực hiện việc đánh mã số của từng hiện vật như: tượng cổ, gạch ngói cổ và nhiều hiện vật trong kết cấu vật liệu xây dựng được phát hiện trong quá trình khôi phục tháp cổ, để lưu trữ vào thiết bị vi tính dưới dạng số hóa. Với việc số hóa, toàn bộ hiện vật cổ này sẽ được bảo quản cẩn trọng hơn và dễ tra cứu trong quá trình khôi phục các nhóm tháp trong vùng lõi di sản.

Đối với khu tháp H, cũng trên cơ sở đảm bảo vững chắc yếu tố gốc, các chuyên gia tiến hành gia cố hệ thống chống đỡ tháp H1 đang bị nghiêng lún; bảo tồn, trùng tu phần tường phía Đông, phía Nam tháp H4 và phía Tây của khu tháp H; đo vẽ kỹ thuật hiện trạng các tháp H2, H3, H4 để tiến hành các bước trùng tu tôn tạo tiếp theo vào năm 2019.

Vật liệu sử dụng trùng tu, tôn tạo các tháp cổ chủ yếu là gạch cũ kết hợp với gạch mới phù hợp từng vị trí. Thành phần và quy trình sản xuất gạch mới đã được Viện Bảo tồn di tích và UNESCO thống nhất. Chất vữa sử dụng ở các lớp trên bề mặt là dầu rái và bột gạch, ở lớp dưới và lõi tường sử dụng vôi, cát và bột gạch.

Về kỹ thuật tu bổ, các chuyên gia Ấn Độ vẫn sử dụng phương pháp mài nhẵn bề mặt gạch và dùng dầu rái làm chất kết dính để sau khi trùng tu các nhóm tháp được bảo tồn yếu tố gốc một cách tốt nhất.

* Phát lộ nhiều hiện vật cổ

Tại tháp K, trong quá trình trùng tu tôn tạo các chuyên gia đã bóc tách lớp đất sâu từ 0,6-0,8m, rộng 400m, qua đó phát lộ 2 cửa ở 2 hướng Đông - Tây và 2 bức tường thấp chạy song song, kéo dài về hướng khu tháp E, F.

Cửa hướng Tây cũng phát hiện 2 tượng sư tử bằng đá, một số hiện vật là những thành phần kiến trúc, trang trí và nhiều mảnh gốm không tráng men, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc. Toàn bộ những phát lộ và hiện vật nói trên đều được tôn tạo, bảo quản một cách khoa học.

Trên vùng rộng hơn 700m2, khi bóc tách lớp đất sâu từ 0,6-0,8m xung quanh nhóm tháp H đã phát lộ toàn bộ hệ thống khung tường bao, một số hiện vật là các thành phần kiến trúc, trang trí góc tháp, chóp tháp bằng chất liệu đá và đất nung.

Các chuyên gia còn phát hiện bố cục của khu tháp H khác biệt với bố cục truyền thống tháp Chăm (tháp chính - tháp cổng - tháp tịnh tâm). Khu tháp H được xây trên ngọn đồi có độ cao hơn hẳn các khu tháp khác trong quần thể di tích Mỹ Sơn.

Trong quá trình trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, các chuyên gia phát hiện tổng cộng 275 hiện vật các loại, trong đó có những hiện vật đặc sắc của nền điêu khắc Chămpa. Toàn bộ những hiện vật này đang được bảo quản một cách cẩn trọng để phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu lịch sử, văn hóa Chăm.

P.V

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        419,427       28