Giáo dục

Dạy con xài tiền có dễ không?

TTO - Đa phần phụ huynh chúng ta cứ lo nghĩ con biết tiêu tiền sớm sẽ hư hỏng, đua đòi. Nhưng không có giới hạn nào của khái niệm "sớm" hay "muộn" trong việc cho con tiền để tiêu.

Dạy con xài tiền có dễ không? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 10A2 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) thực hiện bài tập: "Tưởng tượng các khoản chi của một cô nàng thích hàng hiệu" - Ảnh: MAI VINH

Sự chuẩn bị tài chính cho con từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành luôn là trăn trở của những người làm cha mẹ. Nhưng sự chuẩn bị này từ cha mẹ thôi chưa đủ, mà cần có sự tham gia của các con từ lúc nhỏ".

Chế Linh

Điều quan trọng là cha mẹ phải giúp các con hiểu được giá trị đồng tiền đang xài và mục đích sử dụng của chúng là như thế nào. 

Điều này tưởng chừng dễ nhưng lại không dễ chút nào cả. Nó phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. 

Mỗi nhà mỗi cảnh

Cách thức dạy con ở gia đình nông thôn sẽ khác so với thành phố. Nhưng bản thân tôi đã chứng kiến một cách dạy con tiêu tiền rất hiệu quả của một đồng nghiệp ở trường, xin được chia sẻ với nhiều bậc phụ huynh đang lúng túng về vấn đề này.

Thay vì phát tiền tiêu vặt hàng ngày như nhiều ông bố bà mẹ khác vẫn làm, chị lại phát tiền cho con dùng trong một tuần, thường là ngày thứ hai đầu tuần. Số tiền chị đưa cho con là 50.000 đồng. 

Kèm theo đó là một quy định bắt buộc: "Con phải sử dụng số tiền đó làm sao trong vòng một tuần, nếu con xài hết trước hạn định thì sẽ không được xin xỏ hay lấy trộm của người khác, còn nếu hết một tuần mà tiền vẫn còn dư thì con hãy bỏ heo và số tiền đó do con tự quyết định".

Nhưng trẻ con mà. Những ngày đầu tiên, con của chị cầm tiền trong tay là cứ thích mua đồ ăn vặt, đồ chơi mà không cần suy nghĩ. Kết cục, con đã sạch tiền và phải "nén lại" cơn ham muốn khi bắt gặp những thứ mình thích hơn ở những ngày sau đó.

Thấy con vậy, chị chưa vội góp ý mà để con trải qua cái cảm giác thèm thuồng một cái gì đó mà mình dù muốn nhưng cũng không mua nổi. Đến đầu tuần, chị lại trao con đúng 50.000 đồng và kèm theo một bảng kế hoạch chi tiêu đơn giản, thể hiện từ thứ hai đến chủ nhật. 

Cùng con lên kế hoạch tiêu tiền

Chị dặn con hãy ghi ra bảng những mục tiêu mà bé cần phải dùng tiền trong tuần, nó sẽ giúp con hạn chế mua những thứ đồ không cần thiết. Chị cũng gợi ý giúp con những vật dụng, đồ dùng cần phải mua, định giá và sẽ chở con đến tận cửa hàng để mua.

Việc dẫn con đến trực tiếp cửa hàng hay siêu thị để tận tay lựa chọn một sản phẩm mà mình ưng ý đôi khi cũng là cách dạy con nên mua những thứ cần thiết trong thời điểm hiện tại hơn là mua cùng một lúc vừa tốn tiền vừa chật chội.

Cái gì ban đầu cũng khó khăn. Phải vất vả lắm con chị mới làm quen được với bảng chi tiêu hàng tuần. Nhờ vậy mà con chị dần dần biết phân bổ khoản tiền mẹ cho hợp lí hơn, có tuần còn dư khá nhiều để bỏ ống heo và tự biết lên kế hoạch, chuẩn bị quà trong những dịp sinh nhật của các bạn cùng lớp.

Ngoài việc chỉ bảo cho con tiêu tiền hợp lý và phù hợp, chị cũng dạy con phải biết san sẻ một ít giá trị đồng tiền cho những người ăn xin bắt gặp trên đường, hoặc gợi ý cho con gom những đồ chơi, quần áo cũ còn xài được để quyên góp các đợt vận động từ thiện ở nhà trường.

Cách dạy con tiêu tiền hợp lý trong một tuần, một tháng dựa trên bảng kế hoạch chi tiêu thật sự không mới. Vì ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore...đều đã áp dụng từ khá lâu. 

Nhưng đáng nói hơn, chính cha mẹ sẽ là những người đóng góp vai trò "tư vấn" cho con mình sử dụng đồng tiền một cách hợp lý. Một công việc "tư vấn" chả có một đồng lương hay giấy chứng nhận nào cả, nhưng đó lại là niềm vui và tạo lập nền tài chính cho tương lai của con.

Tạo thói quen "hoạch định tài chính" khi lớn lên

Ngày nay, nhiều cha mẹ theo "trào lưu" mở tài khoản tiết kiệm mang tên con, mua bảo hiểm cho con, tích trữ vàng cho con...nhưng điều đó khiến trẻ khi lớn lên dễ sa vào lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ vì trước sau gì mình cũng sẽ có một "khối tài sản" hoặc thừa kế từ cha mẹ.

Nếu được hướng dẫn một cách khoa học trong việc "hoạch định tài chính" cho bản thân từ số tiền nhỏ đến số tiền lớn ngay từ khi còn bé, đến khi trưởng thành, các em sẽ không phải sống phụ thuộc vào nguồn tài chính của cha mẹ.

Thay vào đó, các em tự biết sử dụng, chi tiêu hợp lý từ những khoản thu nhập trong công việc và các khoản khác.

Giáo dục con hiểu được giá trị đồng tiền và biết tiêu tiền đúng cách nên là công việc cần làm ngay, không bao giờ là sớm hay muộn cả!

Bạn có ủng hộ quan điểm của tác giả bài viết? Theo bạn, khi nào thì cha mẹ nên dạy con xài tiền? Cha mẹ cần dạy con như thế nào để con hiểu giá trị của đồng tiền và biết xài tiền đúng đắn? Mời bạn chia sẻ ý kiến dưới bài hoặc gửi email đến tto@tuoitre.com.vn.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        323,860       12