Lối sống

Tha phương kiếm tiền nuôi ngoại

SGTT.VN - Trong xưởng ép nhựa, giữa ồn ào tiếng máy, một người đàn ông lầm lũi lấy từng sản phẩm ra khỏi máy, tỉ mẩn gọt giũa. Anh làm việc chăm chỉ hết mức để có tiền gửi về quê thuốc thang cho bà ngoại nay đã 87 tuổi đang nằm một chỗ. Đó là anh Đoàn Văn Phương, 36 tuổi, nhà ở xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Tiền độ nhật và thuốc thang cho bà ngoại đều từ công việc này.

Phương nhớ, lúc anh còn nhỏ, đã phải ngơ ngác nhìn cha mẹ chia tay nhau mỗi người một nơi. Cha lấy vợ khác, mẹ dẫn anh và đứa em gái về ở với bà ngoại. Nhưng, nhà ngoại nghèo quá không kham nổi, nên em gái của anh phải gửi người cô nuôi phụ.

Nhà ngoại còn có dì dượng ở chung. Anh được dì dượng thương yêu coi như con ruột, nhưng dì dượng cũng không khá giả gì. Hai mẹ con sống qua ngày tại mái lá nghèo khó của ngoại nên anh chỉ được học tới lớp ba là phải nghỉ học, bươn chải kiếm sống. Hơn mười tuổi đầu, Phương đi bán vé số kiếm tiền phụ mẹ.

Cách nay chín năm, mẹ qua đời, anh bắt đầu đi làm thuê, làm mướn tứ xứ. Vô Sài Gòn được sáu năm cũng không có dư, chỉ đủ ngày ba bữa, công việc lúc có lúc không. Người quen thương tình, giới thiệu anh làm công nhân cho một xưởng ép nhựa tại quận Tân Phú, tiền lương mỗi tháng được khoảng 3 triệu đồng. Lãnh lương tuần, anh chừa chút ít chi tiêu cơm nước, còn lại gửi hết về quê phụ dì nuôi ngoại. Mấy tháng nay, ngoại trở bệnh phải nằm một chỗ, gánh nặng càng đè trên vai. Phương buồn hiu: “Giờ ngoại sống ngày nào hay ngày đó. Mình làm không ra tiền, chỉ phụ được chút thuốc thang”.

Bao năm chấp nhận xa quê để kiếm tiền nuôi ngoại, sương gió chợ đời đã in dấu trên gương mặt nên anh có vẻ ngoài già hơn cả chục tuổi. Hiền lành, ít nói, nhưng khi nhắc tới ngoại là anh hào hứng khoe: “Tui là đứa cháu được ngoại thương nhất”.

Qua lời kể của anh Phương, có thể hình dung tình thương của ngoại là nét mặt nhăn nheo giãn ra mừng rỡ khi thấy đứa cháu trở về, rồi ngoại lom khom ra sau bếp dọn hết những món trong nhà đang có ra cho cháu ăn. Phương khoe: “Ngoại nấu món nào cũng ngon, đặc biệt món canh chua chỉ có ngoại nấu là ngon nhất”. Bởi nồi canh chua của ngoại có vị chua, ngọt thiệt đậm đà, ăn với cá lòng tong kho tiêu, khiến bao nhiêu khó nhọc của đứa cháu cả ngày lang thang ngoài đường bán vé số bay mất biệt.

Cha anh giờ tất bật trong mái ấm riêng với sáu đứa con. Em gái anh cũng đã theo chồng. Tủi thân với cảnh nghèo, một mình sống bấp bênh ngày nào hay ngày đó, anh Phương không dám tiến xa với cô gái nào. Ngoại không kỳ vọng cháu mình phải tạo nên sự nghiệp hay giàu có, chỉ thường nhắc nhở: “Con phải lập gia đình thì ngoại mới yên lòng”. Giờ đây, khi tuổi đã gần 40, anh ngậm ngùi: “Mình cũng lớn tuổi rồi, nhìn người ta có cặp có đôi mà thấy buồn. Cũng phải ráng có mái ấm nhỏ để vợ chồng chung sống, cố gắng làm ăn khấm khá cho ngoại yên lòng”.

Nhớ lần về thăm nhà gần đây nhất, ngoại nắm tay anh nói: “Ráng lo làm kiếm tiền cưới vợ đi con. Đừng lo gì cho ngoại hết”.

bài và ảnh: Minh Cúc

sgtt.vn

      © 2021 FAP
        16,131       5