Công nghệ - Sản phẩm

Trí tuệ nhân tạo - Trợ lý đắc lực cho ngành y trong kỷ nguyên cách mạng 4.0

Hướng đến Computex 2018, công ty Media Imaging Integrated Solution (MIIS) Đài Loan GVT giới thiệu giải pháp khám và chẩn đoán bệnh mắt mũi họng từ xa ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Giải pháp mang tên ENT (Eyes Nose Throat) kết hợp hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa, tích hợp thiết bị của nhiều hãng công nghệ nghe nhìn khác cùng và các đầu soi mắt, mũi họng chuyên dụng, dành cho bác sĩ. Các đầu soi hay camera y tế này không khó sử dụng. Theo MIIS, chỉ cần mất 30 phút, một bác sĩ có thể học cách tháo lắp các đầu soi (tương ứng với mắt, mũi, họng) và sử dụng thành thục.
Y tá tại cửa hàng thuốc có thể soi chụp mắt của người cần khám bệnh
Bác sĩ ở xa truy cập và lấy ảnh chụp nhãn cầu của bệnh nhân theo thời gian thực trực tuyến hay từ dữ liệu được tải lên đám mây.

TeleHealth (chẩn đoán bệnh từ xa) cho phép người cần khám bệnh giao tiếp qua màn hình và camera với một bác sĩ đầy đủ bằng cấp trong khi phần mềm trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ ra quyết định. Trên thực tế, theo MIIS, giải pháp khám bệnh từ xa nói trên này đang được chuỗi cửa hàng dược phẩm CVS Pharmacy ứng dụng tại 300 cửa hàng trên toàn nước Mỹ.

Chuỗi này có trên 6.000 cửa hàng thuốc khắp nước Mỹ, nằm trong các siêu thị hay khu dân cư. Người dân có thể nhanh chóng đến một CVS Pharmacy gần nhất và dùng dịch vụ chẩn đoán từ xa, được bác sĩ khám và cho thuốc đối với những chứng bệnh dễ trị và được tư vấn đến bệnh viện nếu nguy cấp.

Các đầu soi (camera) Horus Scope do MIIS cung cấp

Ông Brian Kang, phó tổng giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển của MIIS cho biết: "Ở một số quốc gia như Mỹ, bác sĩ được phép khám bệnh từ xa. Nhưng ở những nơi khác như Đài Loan bác sĩ không được phép chẩn đoán bệnh từ xa. Vì vậy, ở Mỹ, nơi khám chỉ cần có một y tá chụp hình, ở đầu còn lại có bác sĩ chẩn đoán".

Việc chẩn đoán từ xa có thể thực hiện trực tuyến theo thời gian thực, nghĩa là bệnh nhân khám có kết quả ngay hoặc chẩm đoán ngoại tuyến (offline) cho những trường hợp không có kết nối Internet như vùng thôn quê. Khi đó, bệnh nhân sẽ được soi chụp và y tá sẽ gửi hình chụp lên mây để bác sĩ xem và chẩn đoán.

"Ứng dụng AI vào khám chữa bệnh đang là xu thế. Camera của MIIS giúp soi phần sau của mắt (võng mạc) và phát hiện các hình ảnh do bệnh tiểu đường gây nên mà chúng ta hay nhắc đến bằng thuật ngữ bệnh võng mạc đái tháo đường (diabetic retinopathy). Hiện giải pháp của chúng tôi có thể giúp sàng lọc phát hiện, chứ không phải chẩn đoán, 2 loại bệnh tiểu đường liên quan đến người cao tuổi. Công cụ này hỗ trợ cho các bác sĩ trong quá trình chuẩn đoán". Ông Brian Kang, phó tổng giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển của MIIS cho biết.

Ứng dụng công nghệ vào y tế là xu thế tất yếu trên toàn thế giới bởi đó là “nhu cầu của người đi khám bệnh” và đồng thời "tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các bệnh viện thế hệ mới", bác sĩ Kwo-Whei Lee, tổng giám đốc bệnh viện Yuanlin Christian Hospital, TP.Đài Trung, Đài Loan cho biết.

Theo công bố chính thức của tổ chức FDA (Mỹ) ngày 11/4/2018, thiết bị IDx-DR của công ty IDx được phép tiếp thị, lần đầu tiên trên thế giới, để phát hiện các triệu chứng bệnh tiểu đường. IDx-DR sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo nhằm phân tích hình ảnh của nhãn cầu do các máy ảnh nhãn khoa cung cấp.

Được biết, MIIS hiện cũng đang cung cấp giải pháp tương tự là ENT.

 

PCWorld

AI, Computex 2018, trí tuệ nhân tạo, truyền thông khoa học công nghệ, Tưởng Phi Quân


      © 2021 FAP
        536,760       14