Công nghệ - Sản phẩm

Khai mạc diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2017

Diễn đàn năm nay diễn ra tại Hà Nội với chủ đề với chủ đề "Việt Nam – Chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư" quy tụ hơn 650 đại biểu trong nước và quốc tế.

Ngày 6/9/2017 vừa qua, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit) đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam – Chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”. Tham dự diễn đàn có ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT và đại diện đại diện các sở, ngành của 45 tỉnh, thành trên cả nước, Đại sứ, tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam.

Tọa đàm về thành phố thông minh tại Vietnam ICT Summit.

Phát biểu tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017, ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: CMCN lần thứ 4 đã được đề cập nhiều, giờ là lúc chúng ta phải hành động. Chúng ta phải “dấn thân hơn nữa”, “mạnh dạn hơn nữa” thì mới mong thành công trong cuộc cách mạng này.

Phó Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội phải kết nối với nhau, chia sẻ với nhau, cùng phối hợp hành động để tạo nên sức mạnh vì CMCN lần thứ tư là chia sẻ, là kết nối. Ngoài ra ông Đam còn yêu cầu phải xây dựng hạ tầng CNTT hoàn chỉnh, đi trước một bước so với nhu cầu phát triển đặc biệt là hạ tầng băng thông rộng, 4G, tiến tới 5G; đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ CNTT, các cơ quan nhà nước phải mạnh dạn hơn nữa trong, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng và thuê dịch vụ CNTT.

Cũng tại diễn đàn, ông Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết Bộ sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số; đảo bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn trong lĩnh vực CNTT; cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp. Bộ cũng đề xuất: thông báo công khai các dự án, kế hoạch và nhu cầu ứng dụng CNTT khu vực công nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại khu vực này. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đổi mới giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển của CMCN lần thứ 4.

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam tiếp cận CMCN lần thứ 4: Toạ đàm 1: “Nhận thức về Việt Nam trong CMCN lần thứ 4”; Toạ đàm 2: “Thế mạnh kinh tế số Việt Nam – Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh”; Toạ đàm 3: “Thành phố thông minh/Smart City”; Tọa đàm 4: “Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.

6 thông điệp chính tại Vietnam ICT Summit 2017

  • Diễn đàn thống nhất nhận thức rằng CMCN 4 là thời cơ thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ.
  • Các hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp cùng phối hợp hành động quyết liệt và kịp thời bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.
  • Tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số, tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trước hết là công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh, trở thành những điểm sáng nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế số thế giới.
  • Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới giáo dục đào tạo, chú trọng đào tạo và đào tạo lại kiến thức, kỹ năng mới, nhất là tiếng Anh, toán học, và tư duy hệ thống; đưa các nội dung liên quan đến CMCN 4 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học.
  • Hình thành hệ thống chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển và đảm bảo sự kết nối, chia sẻ cũng như sử dụng hiệu quả hạ tầng số quốc gia, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu mở - Open Data), Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức; xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
  • Khẩn trương xây dựng các thành phố thông minh, tạo dựng hệ sinh thái cho các dịch vụ phục vụ dân sinh phát triển, an toàn cho người dân theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về đô thị thông minh, cộng đồng thông minh của thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
PCWorld

Cisco, FPT, Microsoft, MISA, Vietnam ICT Summit, Viettel


      © 2021 FAP
        533,871       39