Đời sống

Các ông bố ơi, đừng đòi hỏi vợ phải thế lọ thì mình mới thế chai. Xông vào mà làm thôi!

Gia đình đâu phải là một lễ hội, sẵn sàng mọi thứ rực rỡ chỉ để chờ đợi bạn tới, để làm cho bạn vui, rồi bạn có thể bỏ đó ra về, mặc cho đội hậu cần và lao công lau dọn?

Hôm nay là Ngày của Cha!

Mới đọc một bài, rằng các bà mẹ hãy để cho các ông bố được có cơ hội làm việc nhà, có cơ hội được giúp đỡ mẹ và các con. Đừng chê khi thấy ba còn vụng về, lóng ngóng. Hãy ngọt ngào, khéo léo thì mới kéo được các anh từ cuộc nhậu về nhà...

Tôi cũng đã đọc nhiều bài báo "dạy" phụ nữ những cách nói làm sao để cho chồng chịu phụ giúp việc nhà, làm sao để cho chồng vui vẻ, làm sao để cho chồng chịu chăm sóc con... Có cuốn sách còn nói rằng hãy khen anh ấy cả khi anh ấy mặc cái tã lên đầu đứa trẻ.

Báo viết không sai. Chỉ là có rất rất nhiều những bài báo như thế, quá nhiều!

Các ông bố ơi, đừng đòi hỏi vợ phải thế lọ thì mình mới thế chai. Xông vào mà làm thôi! - Ảnh 1.

Bố chăm sóc con, sao không phải tự nguyện mà phải do sự khéo léo năn nỉ của vợ?

Vì sao lại rất nhiều? Vì nhu cầu đọc nó của các bà mẹ rất nhiều!

Các bà mẹ Việt luôn luôn cảm thấy rằng cần phải cố gắng hơn nữa, mềm dẻo hơn nữa, khéo léo hơn nữa, ngọt ngào hơn nữa, tâm lý hơn nữa... để kéo các ông bố vào công việc chăm con và giữ lửa gia đình, cùng với mình.

Một lần nữa, trách nhiệm lại đổ lên đầu phụ nữ!

Tại sao không thấy có những bài báo hướng dẫn các ông chồng cách sấn sổ lao vào mà làm việc nhà, lao vào làm chồng nhỉ? Rồi sau khi ly hôn, dù vợ cấm cản khó chịu, vẫn lao vào mà chăm sóc con, và làm cho con yêu bố?

Các mẹ chưa bao giờ đặt điều kiện rằng con mình phải xinh đẹp, sạch sẽ, dễ thương, phải ngọt ngào, phải không khóc nhè... thì các mẹ mới yêu thương và chăm sóc. Mà thậm chí, chính những lúc con khóc, lúc đang ốm bệnh, đang cáu kỉnh, đang dơ dáy, bộn bề... mới là những lúc con cần mình nhất.

Các ông bố ơi, đừng đòi hỏi vợ phải thế lọ thì mình mới thế chai. Xông vào mà làm thôi! - Ảnh 2.

Gia đình đâu phải là lễ hội để làm cho bạn vui!

Gia đình đâu phải là một lễ hội, sẵn sàng mọi thứ rực rỡ chỉ để chờ đợi bạn tới, để làm cho bạn vui, rồi bạn có thể bỏ đó ra về, mặc cho đội hậu cần và lao công lau dọn? Một tay vỗ không nên tiếng ạ!

Tôi cũng có những người bạn được chồng rất cưng chiều vợ, và yêu thương, trách nhiệm với con. Hỏi họ bí kíp, và tôi nhận ra hầu hết những điều đó tôi cũng đã làm rồi, nhưng ko hiểu sao tôi vẫn thất bại.

Rồi tới khi tụi tôi đi xem tử vi chung, thì trong lá số của bạn tôi có cung phu thê tốt mọi nhẽ. Vậy thì, với ngày giờ sinh đó, nó sẽ có ông chồng biết chăm sóc gia đình, ngay từ khi nó chỉ mới khóc oe oe và chưa biết nói ngọt nửa lời. Còn tôi, cung phu thê thậm chí còn không có sao chủ, hic... chẳng cần có ngọt ngào hay không.

Vậy thì, con gà có trước hay quả trứng có trước?

Ngày xưa, thú thật tôi cũng có hờn trách chồng tôi. Giờ nghĩ lại thấy, thôi, chỉ là do mình lỡ sinh ra dưới một ngôi sao xấu nằm trong cung phu thê thôi mà. Biết vậy để tự bằng lòng với những thiệt thòi của mình.

Chính vì thế, tôi muốn nói với tất cả các bà mẹ đơn thân và các mẹ không đơn thân nhưng đơn độc (vẫn có chồng, nhưng chỉ trên giấy tờ), rằng hôm nay, Ngày của Cha, các bạn vẫn có quyền chúc mừng chính mình!

Các ông bố ơi, đừng đòi hỏi vợ phải thế lọ thì mình mới thế chai. Xông vào mà làm thôi! - Ảnh 3.

Nếu mọi việc lớn nhỏ đều do tay mẹ, hôm nay bạn đừng chúc mừng cha.

Các con, nếu thấy mọi việc lớn nhỏ trong nhà chỉ có mình mẹ gánh, thì cũng chúc mừng mẹ mình trong Ngày của Cha, nha!

Và các mẹ có con trai ơi, ngay từ bây giờ, hãy yêu cầu con trai phải có trách nhiệm hơn với chính nó, và với những người nó yêu thương. Vì khi có trách nhiệm và biết yêu thương, thì người hưởng lợi nhiều nhất, là chính nó.

Các ông bố ơi, đừng đòi hỏi vợ phải thế lọ thì mình mới thế chai. Xông vào mà làm thôi. Việc của mình, nhà của mình, con của mình, tương lai của mình mà.

Chả đi đâu mà thiệt.

Chả phải của ai đâu mà mặc cả!

Yêu thương đích thực thì vô điều kiện.

aFamily

Làm việc nhà, Chăm sóc con, chăm sóc gia đình, bà mẹ đơn thân, ngày của cha


      © 2021 FAP
        2,729,779       32