Đời sống

Suy thận giai đoạn cuối cũng không thể ngăn được ý chí và đôi chân của chàng trai 25 tuổi này

Đi xuyên Việt từ khi tuổi 22, và ao ước sẽ đi vòng quanh thế giới ở tuổi 30, nhưng ước mơ này tạm thời gác lại với Tân Tân, bởi anh chàng đang phải dành thời gian tuổi trẻ để chữa bệnh suy thận giai đoạn cuối. Chỉ là "tạm gác"...

Hãy tưởng tượng, đang ở giai đoạn rực rỡ nhất của tuổi thanh xuân, khi những hoài bão lớn lao còn đang chờ để thực hiện, khi khát vọng sống đang dào dạt như nhựa nóng chảy trong lá xanh, bỗng nghe tin mình có lẽ không còn sống được bao lâu, và trong quãng đời còn lại ấy, bạn không đủ sức khỏe để thực hiện ước mơ lớn nhất của mình… Đó có lẽ là ác mộng khủng khiếp nhất mà chẳng ai muốn trải qua, dù chỉ là trong mơ. Còn với Trần Văn Tân (Tân Tân), đó lại là sự thật mà chàng trai 25 tuổi này đang phải đối mặt suốt gần 1 năm nay.

Hành trình tuổi 22, 198 ngày phiêu lưu với 1,5 triệu đồng và “gia tài” trải nghiệm
Nổ máy lên, cùng bạn bè ta đam mê những cung đường dài xuôi ngược miền xa lắc lơ, để bánh xe cuộc đời lăn…” – những câu hát như gợi về những tháng ngày xê dịch đến những nẻo đường xa, những khoảnh khắc trải nghiệm tuyệt vời và cháy bỏng đam mê, những tri kỷ gặp gỡ ở dọc đường đất nước của chàng trai Tân Tân. Anh chàng có vẻ ngoài xù xì nhưng trái tim nóng bỏng, “nghiện” phiêu lưu và muốn trải nghiệm những cuộc đời khác nhau này đã từng có ước mơ táo bạo: đi dọc dải đất chữ S xinh đẹp để khám phá cuộc đời ở tuổi 20.

suy thận
Chàng trai trẻ đã có một hành trình xuyên Việt đáng nể: 198 ngày đi phượt chỉ với 1,5 triệu đồng trong túi.
20 đã lỡ, nhưng năm 22 tuổi, cùng với chiếc Minsk khù khờ cũ kỹ - chiếc xe đầu tiên Tân Tân mua được – chàng trai ấy đã bắt đầu hành trình xuyên Việt kéo dài 198 ngày. Hành trang của chàng trai trẻ, không có gì nhiều, chỉ có một con xe cũ, mà người ta hay đùa là “xe thồ lợn”, một ba lô quần áo, một chú chó nhỏ và tiền mặt vỏn vẹn 1,5 triệu đồng. Gã trai ngông cuồng với bộ tóc xù xì và nụ cười tươi tắn hiểu: ở nhà với bố mẹ, việc có cơm ăn, tiền tiêu khá dễ dàng nhưng đi ra ngoài với hai bàn tay trắng trải nghiệm cuộc sống khác rất khó, nhưng vẫn “muốn trải nghiệm cảm giác sống ở bên ngoài, nơi hoàn toàn xa lạ, không ai quen biết với chiếc ví rỗng để thử khả năng sinh tồn của bản thân”.

suy thận
Tân Tân đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở tuổi 22 - điều mà không phải bạn trẻ nào cũng làm được.

Và thế là, đi đến đâu, chàng trai trẻ lại cắm lều ngủ mái hiên, hoặc xin làm việc ngắn hạn cùng với các gia đình người địa phương, vừa để học hỏi, có trải nghiệm cuộc sống, vừa để kiếm tiền đi tiếp. Tân Tân đã gặp nhiều gia đình tốt bụng, hiếu khách, đã được ăn “cơm đời” nhiều chốn, nhưng ấn tượng nhất là gia đình cô Thìn ở Hội An.  Trong gần 2 tháng, Tân làm việc hái na, chở cá, bỏ mối hải sản cùng gia đình cô, được giúp đỡ chân tình và san sẻ những bữa ăn đạm bạc của gia đình – những kỷ niệm ngọt ngào đã khiến khi rời đi, chàng trai trẻ cảm thấy như đang chia tay gia đình thật sự của mình.

suy thận
Cùng chiếc Minsk "đồng rừng", chú chó nhỏ và những chiếc lều, Tân đã được sống những cuộc đời khác nhau, qua mỗi chuyến đi,

Mỗi con người Tân gặp, mỗi một trải nghiệm công việc ngắn hạn đó để lại trong ký ức chàng cử nhân Cao đẳng Du lịch mê xê dịch những bài học yêu thương. Và cứ vậy, qua mỗi cuộc đi, hơn 6 tháng cùng với trải nghiệm quý báu đã khiến Tân không chỉ thực hiện được khát vọng “điên rồ” của tuổi 20, mà còn nối dài vòng tay bè bạn. Căn phòng trọ 20m2 ở Hà Nội của Tân đã trở thành “bảo tàng” của những món quà lưu niệm, đều rất đỗi giản dị như cái mõ trâu của đồng bào miền núi, cái cân hoa quả của một gia đình ở Nha Trang, hay quyển nhật ký chép đầy những trải nghiệm.

suy thận
Cuốn nhật ký và hành trình đầy tự hào đã thôi thúc Tân dám ước mơ về một chuyến ngao du vòng quanh thế giới, năm 30 tuổi.

Và còn một kỷ niệm khác cũng rất đặc biệt với Tân, đó là lần tạt ngang cung đường phượt để về nhà. Tân né tránh trò chuyện về gia đình, gần như không nhắc về bố mẹ, giữ bí mật về chuyện bố mình đang mắc bệnh ung thư. Cuộc sống của chàng trai hầu như chỉ xoay quanh bè bạn, những người cùng đam mê, nhưng trong nhật ký, Tân tiết lộ, trên đường phượt xuyên Việt, Tân đã dặn lòng sẽ đi ngang nhưng không về nhà ở Hà Tĩnh. Dầu vậy, khi nhận tin bố cần mình giúp đỡ, cần gặp mặt mình, chàng trai đã bẻ hướng cuộc hành trình, để về nhà theo yêu cầu của bố. Và khi đó, Tân biết, cũng như hình xăm bông hoa - biểu tượng của sự trưởng thành mà Tân đã xăm, sự có mặt khi ai đó cần mình giúp đỡ, đó là dấu vết rõ ràng nhất của sự lớn lên và thấu hiểu.
Suy thận không phải dấu chấm hết

Sau khi kết thúc chuyến hành trình xuyên Việt năm 22 tuổi, những trải nghiệm tuyệt vời của chuyến đi đã thôi thúc Tân nghĩ đến một ước mơ lớn lao và “điên rồ” hơn trước: năm 30 tuổi, chàng trai sẽ đi khắp thế giới, sau đó sẽ về Hội An, dựng một căn nhà nhỏ bên bãi biển An Bàng và sống ở đó suốt đời, đêm đêm đốt lửa cha hát cùng bạn bè mình. Nhưng ước mơ thứ hai này, Tân gần như không thể thực hiện được, vì khi trở về cũng là lúc biết tin mình suy thận giai đoạn cuối.

Cuộc sống như sụp đổ. Ước mơ, hoài bão, những dự định lớn lao đột ngột chững lại. Tân và mọi người, không ai tin nổi điều đó, vì trước khi về, trong suốt chuyến đi và những tháng ngày trước đó, cậu vẫn khỏe mạnh bình thường. Tân đã khóc rất nhiều, khóc cho những năm tháng tuổi trẻ, cho ước mơ và khóc cho tương lai dang dở. Tân đổ bệnh.
Ở tuổi 25 mơn mởn, Tân phải chọc ven bẹn cấp cứu để lọc máu, và chỉ một chút chậm trễ nữa thôi, Tân sẽ vĩnh viễn trở thành người cõi khác. Rồi sau đó là những tháng ngày chọc ven cổ, làm “hầm” ở ngực để nối ống dẫn dài 20cm sau đó là cho hẳn máy lọc máu vào trong tay. Sức khỏe Tân sa sút. Cứ 2 ngày 1 lần, chàng trai mê xê dịch phải gắn mình với bệnh viện, ít nhất 4 tiếng/lần. Người từng quăng mình vào khói bụi trong những trải nghiệm, giờ cuộc sống đều đặn gắn với con đường từ nhà trọ ra viện, với căn phòng trắng và những chu kỳ lọc máu vì suy thận; tất cả những cung đường ngoài kia, những đêm ngủ ngoài biển lắng nghe sóng rì rào, đón bình minh lên sớm, tất cả chỉ còn trong nhật ký…

suy thận
Những tháng ngày chạy thận đã dạy Tân về niềm lạc quan và tinh thần không từ bỏ.

Nhưng rồi, những tháng ngày đau đớn trên giường bệnh đã dạy Tân một điều: cuộc sống không tính bằng năm tháng mà bằng những trải nghiệm. “Khóc cũng chết, cười cũng chết, vậy tại sao mỗi chúng ta không lựa chọn cho mình một cách sống thoải mái nhất? Hãy cười lên, và sống thật ý nghĩa những ngày ta còn trên đời” – tự an ủi vậy, rồi Tân sống tiếp. Từng nghĩ mình là người đen đủi nhất quả đất, nhưng rồi trong viện, gặp những người trẻ hơn, có cuộc đời tươi sáng hơn mình nhưng cũng mắc bệnh, Tân lại tự thấy mình còn may mắn hơn họ. Gần 1 năm phát hiện và điều trị bệnh, ngoài việc lọc máu, Tân còn tích cực tham gia làm từ thiện, chia bớt số tiền ít ỏi của mình cho những mảnh đời khó khăn hơn.

Tân đã cố sống và chống chọi với bệnh suy thận, nhờ bè bạn bốn phương, nhờ những người tốt gặp gỡ trong quá trình trải nghiệm. Nhưng nỗi khát khao đến những miền đất mới vẫn không thay đổi. Tân hiểu, khát khao đi vòng quanh thế giới ở tuổi 30 có lẽ khó thành, nhưng ước mơ giản dị về một ngôi nhà nho nhỏ ở bãi biển An Bàng, Hội An, nơi cậu có thể đốt lửa trại và ca hát cùng bạn bè thâu đêm, vẫn còn đau đáu trong lòng.

suy thận
Gia tài lớn nhất của chàng trai trẻ là những trải nghiệm đáng giá và bè bạn khắp nơi.

Biết được ước mơ ấy của chàng trai suy thận, chương trình Điều ước thứ 7 (VTV3) đã biến chúng thành hiện thực. Không thể đưa Tân đến bãi biển An Bàng, nhưng ê-kíp chương trình đã tạo ra một cuộc gặp gỡ đầy cảm động nơi bãi đá sông Hồng, có một mái nhà tranh, có lửa trại, có bạn bè thân thuộc khắp nơi của Tân, trong đó, đặc biệt nhất là anh bạn Lê Thành Lâm, đi trên con sidecar “huyền thoại” vượt gần 1.000 km từ Đà Nẵng ra Hà Nội, có cả gia đình cô Thìn – người mẹ nuôi đã đón Tân ở ngôi nhà đơn sơ của mình gần 2 tháng…

Clip "Điều ước thứ 7" kể về câu chuyện của chàng phượt thủ suy thận Tân Tân.

Khoảnh khắc hội ngộ với gia đình thứ hai (cô Thìn) và với gia đình thật sự, với người bố ung thư cả đời vất vả, lam lũ, khổ cực, với bạn bè yêu quý và những người Tân hâm mộ, Tân bật khóc. Và khoảnh khắc xúc động ấy cũng đã khiến những người chứng kiến và cả ê-kíp của Điều ước thứ 7 không nén nổi lòng.

suy thận
Giây phút gặp gỡ xúc động giữa Tân và anh Lâm - một người bạn gắn bó từ những ngày xuyên Việt.

Ước mơ “cuối cùng” của Tân đã được thỏa nguyện. Và có lẽ, sau khi làm phẫu thuật ghép thận vào ngày 30/3 vừa qua tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, quả thận mà chị ruột đã hiến tặng cho Tân không chỉ giúp chàng trai trẻ duy trì sự sống, mà rất có thể, sẽ nối dài ước mơ đi phượt khắp thế giới vào tuổi 30, hoặc khi Tân 40 tuổi… Biết đâu đấy, một ngày nào đó, chúng ta sẽ nghe câu chuyện kỳ tích ấy của Tân!

suy thận
Nụ cười của chàng trai tuổi 25 sau khi phẫu thuật ghép thận. (Ảnh: Zing)
aFamily

suy thận, điều ước thứ 7, ước mơ, khát vọng, phượt, đi phượt, trải nghiệm


      © 2021 FAP
        4,113,576       183