Ảnh vui lạ

Muôn màu khoa học

Năm 2007 đánh dấu sự ra đời của không ít nghiên cứu khoa học kỳ lạ. Nhiều công trình thực sự có ích cho khoa học nhưng cũng có một số nghiên cứu không rõ để làm gì

Ếch trong suốt

Các nhà khoa học tại Đại học Hiroshima (Nhật) đã thành công trong việc tạo và nuôi một loại ếch trong suốt. Các loài cá trong suốt đã xuất hiện từ lâu nhưng, theo giáo sư Masayuki Sumida, đây là loài động vật 4 chân trong suốt đầu tiên. Ông Sumida cho rằng loại ếch đặc biệt này có thể được dùng phổ biến trong các cuộc nghiên cứu khoa học trong tương lai vì mạch máu và các bộ phận bên trong có thể được quan sát mà không cần phải mổ nó.

Khi chuột hết sợ mèo

Mèo và chuột có thể không bao giờ còn như trước nữa, sau khi các nhà khoa học tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) dùng phương pháp biến đổi di truyền để tạo ra loài chuột không biết sợ mèo. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thành công trong việc làm mất bản năng sợ sệt của loài chuột khi ngửi thấy mùi hay có sự hiện diện của mèo. Chuột sợ mèo một cách tự nhiên và thường hoảng sợ hay bỏ chạy khi ngửi thấy mùi mèo. Bằng cách loại bỏ một số tế bào mũi của chuột, nó sẽ không còn nỗi sợ hãi đó nữa.

Công trình nghiên cứu này có thể giúp làm sáng tỏ thêm việc bộ não xử lý thông tin bên ngoài như thế nào, cũng như giúp giải thích thêm nỗi sợ hãi là gì và cách thức kiểm soát nó.

Viagra tự nhiên

Một loài nhện có tên gọi là Phoneutria nigriventer ở Brazil không chỉ khiến những người bị nó cắn phải nhập viện vì đau đớn, huyết áp tăng mà còn gặp phải một tác dụng phụ không ngờ là tình trạng cương cứng kéo dài suốt 1 giờ. Các nhà khoa học tại Đại học Y Georgia (Mỹ) đã chiết xuất được một chất hóa học từ nọc độc nhện với hy vọng nó sẽ giúp phát triển được một loại viagra mới.

Voi ngán ong

Loài động vật to xác này hóa ra lại sợ các con ong. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh), voi thường bỏ chạy mỗi khi nghe thấy âm thanh của đàn ong. Để chứng thực điều này, nhóm nghiên cứu đã tìm cách ghi âm tiếng đàn ong và phát lại thông qua loa được giấu bên trong các thân cây giả làm bằng chất dẻo. 16 trong số 17 đàn voi bỏ đi trong vòng 80 giây sau khi nghe tiếng ong và phân nửa có phản ứng trong vòng 10 giây.

Qua phát hiện trên, các nhà khoa học đề nghị dùng tổ ong để ngăn chặn voi xâm nhập nơi ở hoặc nông trại của con người.

Lưỡi “bùng nổ”

Một nghiên cứu mới cho thấy một loài kỳ nhông ở Trung Mỹ có khả năng lè lưỡi với sức mạnh tức thì lớn hơn bất kỳ loài vật nào trên thế giới. Con kỳ nhông có tên gọi là Bolitoglossa Dofleini này có thể lè lưỡi với cường độ năng lượng là 18.000 Watt trên một kg cơ – mạnh gần gấp đôi “nhà vô địch” trước đó là con cóc Bufo Alvarius ở sông Colorado (Mỹ).

Ngoài ra, các nhà khoa học tại Đại học South Florida cũng phát hiện lưỡi của con kỳ nhông nói trên khi lè ra có lúc dài hơn phân nửa chiều dài cơ thể của nó. Tuy nhiên, mắt thường của người khó có thể nhìn thấy điều này vì quá trình này chỉ kéo dài trong vòng 7 phần ngàn giây.

Mèo phát sáng

Sau heo, đến lượt mèo cũng được bổ sung khả năng phát sáng nhờ vào một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Gyeongsang (Hàn Quốc). Loại mèo nhân bản này được biến đổi protein huỳnh quang trong mô da.

Trong điều kiện ánh sáng bình thường, các con mèo này không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, chúng sẽ phát ra ánh sáng huỳnh quang khi cho tiếp xúc với tia cực tím. Các nhà khoa học cho biết loại mèo phát sáng nói trên có thể được dùng để hỗ trợ cho việc tìm ra phương pháp điều trị các căn bệnh di truyền ở người.

Ngày ngắn hơn vì biến đổi khí hậu

Một mô hình về biến đổi khí hậu của các nhà khoa học tại Viện Max Planck (Đức) dự báo rằng sự biến động trong áp suất đại dương sẽ đẩy nhiều nước hơn tới Bắc cực, làm tăng tốc độ quay của trái đất. Kết quả là cho đến năm 2200, một ngày sẽ bị ngắn đi 0,12 phần ngàn giây - tức là bằng 1/500 thời gian của một cái chớp mắt.

Chuột nhìn thấy thêm màu sắc

Một số con chuột trong phòng thí nghiệm cuối cùng cũng có thể thưởng thức được vẻ đẹp của cầu vồng nhờ vào một chút biến đổi gien. Nhóm nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã đưa vào trong chuột một đoạn DNA cho phép chúng nhìn thấy dải màu sắc rộng hơn. Con chuột biến đổi gien phải mất 10.000 lần thử để học cách phân biệt hai màu xanh và cam. Một khi học được, nó sẽ phân biệt màu sắc với tỉ lệ chính xác đến 80%, trong lúc tỉ lệ này ở chuột thông thường chỉ là 33%.

Trái đất từng có màu tím

Những dạng sóng màu tím có thể đã từng bao phủ trái đất từ rất lâu trước khi màu xanh của lá cây xuất hiện và chiếm chỗ. Theo nhà khoa học Shil DasSarma thuộc Đại học Maryland (Mỹ), những vi khuẩn cổ đại có thể đã hấp thu năng lượng mặt trời thông qua một quá trình khiến chúng có màu tím.

Vì thế, bất kỳ ai có ý định tìm kiếm người màu xanh tại hành tinh khác cũng nên để mắt đến những người màu tím.

PHƯƠNG VÕ tổng hợp
Người lao động

      © 2021 FAP
        39,250       37