Bạn đọc

Doanh nghiệp "bắt tay" lừa người lao động?

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội có đăng thông tin tuyển dụng lao động làm việc giản đơn với mức lương hấp dẫn. Vì mong muốn có được việc làm ổn định, lương cao, nhiều người vội vàng tin theo và… "sập bẫy".

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội có đăng thông tin tuyển dụng lao động làm việc giản đơn với mức lương hấp dẫn. Vì mong muốn có được việc làm ổn định, lương cao, nhiều người vội vàng tin theo và… “sập bẫy”.

Người lao động đến Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh đòi lương.
Người lao động đến Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh đòi lương.

 * “Sập bẫy” vì cả tin

Đang thất nghiệp, thấy thông tin tuyển dụng nhân viên bốc xếp hàng hóa được trả lương cao, ông Phạm Quốc An (ngụ xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) hăm hở đến văn phòng Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng (ở số 339, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.Hồ Chí Minh) để xin việc.

Ông Phạm Quốc An làm đơn khiếu nại do ông làm việc ở Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh nhưng không được trả công lao động.
Ông Phạm Quốc An làm đơn khiếu nại không được trả công lao động

Tại đây, sau khi ông An đóng 500 ngàn đồng tiền quần áo đồng phục, người đại diện Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng viết giấy chuyển ông An về nhận việc tại chi nhánh ở Đồng Nai là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh (số 190 Hoàng Bá Bích, KP.5, phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Cơ sở này còn thu thêm của ông An 270 ngàn đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội và 200 ngàn đồng tiền làm hồ sơ.

Hôm sau, ông An và một nhóm lao động khác được đưa đi làm. Theo thỏa thuận ban đầu, những người này sẽ nhận tiền công 600 ngàn đồng/ngày và hết giờ lao động được lãnh ngay. Tuy nhiên, sau mấy ngày làm việc chẳng ai được trả đồng nào mà nghe giải thích công ty sẽ trả lương theo tuần. Trót “theo lao” nên mọi người đều cố đợi đến thứ bảy để nhận lương nhưng lại về tay không.

Trở lại văn phòng Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh - nơi đã nhận mình vào làm, ông An và nhiều lao động khác yêu cầu công ty trả lương đồng thời hoàn lại số tiền đã nộp nhưng không được đáp ứng. “Họ chỉ thỏa thuận miệng, không có hợp đồng, không giấy tờ cam kết và cứ khất lần mãi. Đòi riết không được tôi đành bỏ cuộc” - ông An nói.

Tương tự, anh Nguyễn Cao Thế bức xúc: “Tôi đã đóng 700 ngàn đồng tại văn phòng Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng. Về Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh tôi phải nộp thêm 650 ngàn đồng nữa với hy vọng được lái xe hoặc phụ xe nhưng họ lại bố trí tôi việc bốc vác. Họ nói chỉ bốc hàng nhẹ khoảng 15-25kg nhưng khi vào làm tôi phải ra sức vác những kiện hàng 60-70kg. Tôi đã cố gắng làm hết tuần để nhận lương nhưng họ không trả đồng nào. Tôi đến văn phòng Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh đòi lương nhiều lần song chẳng ai giải quyết”.

Tình trạng bị mất tiền cọc lẫn tiền công lao động còn xảy ra với các lao động: Nguyễn Trọng Kiên (ở xã Phú Túc, huyện Định Quán), Võ Văn Nhất, Trần Ngọc Nhự (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), Trần Văn Lập (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), Nguyễn Thị Tuyết Loan (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành); ở khu vực Biên Hòa có Lê Đình Tình (phường Long Bình Tân), Nguyễn Cao Thế (phường Tam Hòa), Võ Hoàng Lâm (xã Hóa An)…

* Người lao động thiệt thòi

Cách nay không lâu, khi đến văn phòng Công ty TNHH dịch vụ thương mại Lâm Hà Anh ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) chúng tôi thấy có khá đông người lao động đến đòi lương nhưng không được, dẫn đến chỗ cự cãi giữa các bên. Tại văn phòng này chúng tôi còn chứng kiến ông Nguyễn Văn Bình, đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh tiếp nhận giấy giới thiệu của Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng chuyển người lao động về đây làm việc. Những ai đã đóng 500 ngàn đồng tiền đồng phục cho văn phòng Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng thì ông Bình không thu nữa.

Trang web tuyển dụng lao động của Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng với mức thu nhập rất hấp dẫn.
Trang web tuyển dụng lao động của Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng với mức thu nhập rất hấp dẫn.

Thế nhưng, trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về việc người lao động khi đi xin việc phải đóng tiền cho Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng, sau đó còn phải nộp thêm ở Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh thì mới được nhận vào làm việc, ông Hà Hữu Nghị, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh khẳng định, Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng kinh doanh ngành nghề gì, trụ sở ở đâu ông không hề biết vì không có quan hệ.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, thời gian qua có nhiều lao động bị lừa việc đến nhờ trung tâm hỗ trợ đòi quyền lợi. Tuy nhiên, phần lớn người lao động chủ yếu giao dịch với cá nhân và không rõ tên công ty, địa chỉ doanh nghiệp; khi nộp tiền không được ghi biên lai nên rất khó can thiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đã xây dựng bảng lương cụ thể, trong đó lao động hưởng lương cao là những người làm việc thâm niên, trình độ tay nghề giỏi chứ việc giản đơn mà lương cao ngất ngưởng thì không thể có.

Đối với người lao động đến xin việc ở Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh, ông Nghị thừa nhận có thu khoản tạm ứng 370 ngàn đồng tiền thế chân xe (đối với tài xế xin lái xe) nhưng sẽ trả lại sau 10 ngày làm việc. Riêng tiền làm thủ tục 200 ngàn đồng công ty chỉ thu người nào không có điều kiện tự hoàn chỉnh hồ sơ xin việc cho mình.

Trong khi đó, đề cập về sự liên kết giữa Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh thì bà Ngân, người phụ trách quản lý nhân sự của Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng cho biết, lâu nay 2 doanh nghiệp có phối hợp với nhau để chuyển những lao động là người Đồng Nai được về làm tại địa phương theo nguyện vọng. Do đó, công ty mới viết giấy chuyển người lao động về Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh nhận việc.

Trả lời về những đơn thư khiếu nại của người lao động gửi cơ quan công an phản ảnh bị lừa việc làm, Thượng tá Huỳnh Ngọc Hiếu, Trưởng Công an phường Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết nơi đây có nhận được đơn trình báo của người lao động, qua đó đã tiến hành làm việc với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lâm Hà Anh. Bước đầu phát hiện có những dấu hiệu không minh bạch nên Công an phường Long Bình đã hoàn tất hồ sơ chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa thụ lý, điều tra làm rõ những vấn đề liên quan, trong đó có Công ty cổ phần vận tải Long Hoàng tại TP.Hồ Chí Minh”.

Trước tình trạng người lao động đi làm việc nhưng không được trả lương, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng khuyến cáo: Để tránh không bị “tiền mất tật mang” người lao động không nên tin những trang web quảng cáo trên mạng. Hiện tại vào ngày 10 và 25 mỗi tháng, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đều tổ chức sàn giao dịch việc làm với sự hiện diện của đại diện doanh nghiệp đến trực tiếp tuyển dụng lao động từ phổ thông đến tay nghề kỹ thuật cao. Người tìm việc nên đến sàn giao dịch để đảm bảo tìm được đúng ngành nghề phù hợp với khả năng nhằm tránh bị lừa.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        113,038       61