Bạn đọc

"Nín thở" qua cầu tạm suối Rút

Thời gian gần đây, người dân ở ấp Gia Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) mỗi khi đi qua cây cầu dân sinh bắc qua suối Rút để sang ấp Cầu Ván (xã Phú Túc, huyện Định Quán) canh tác vườn rẫy luôn cảm thấy bất an vì không đảm bảo an toàn.

Cầu dân sinh bắc qua suối Rút hiện xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn phải “gánh” hàng trăm lượt phương tiện qua lại mỗi ngày.
Cầu dân sinh bắc qua suối Rút hiện xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn phải “gánh” hàng trăm lượt phương tiện qua lại mỗi ngày.

Hầu hết nông dân đi qua cầu này rất sợ vì hiểm nguy có thể ập đến bất kỳ lúc nào, nhưng vì không còn lựa chọn khác nên họ vẫn phải “nín thở” vượt qua.

* Cây cầu ọc ạch

Từ phản ảnh của người dân, sáng 18-9 vừa qua chúng tôi có mặt tại cầu suối Rút. Chỉ trong thời gian ngắn có hàng chục lượt xe 2 bánh, xe chở nông sản qua lại. Mỗi lần phương tiện qua lại, cây cầu rung lên như không thể đứng vững. Do xây dựng từ khá lâu nên đến nay nhiều khớp nối giữa các thanh sắt trên cầu đã bị bung khiến cầu chao đảo, xộc xệch mỗi khi có xe đi qua. Chính vì vậy, nơi đây từng xảy ra nhiều trường hợp xe bị trượt kéo theo người lọt xuống suối Rút gây thương tích.

Hơn bao giờ hết, người dân ở xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) và xã Phú Túc (huyện Định Quán) rất mong các ngành chức năng của 2 địa phương sớm có biện pháp khắc phục, nâng cấp cầu suối Rút. Nếu có thể được thì tiến hành xây dựng cầu kiên cố cho bà con đi lại được dễ dàng, đảm bảo an toàn hơn.

Ông Đinh Thế Quang (ngụ xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) cho biết cầu dân sinh này chỉ có thể “gánh” được 1 xe 2 bánh với điều kiện đi cẩn thận, còn xe 3 bánh chở nông sản thì người điều khiển phương tiện phải cố gắng lắm mới qua trót lọt. Nhiều người chứng kiến xe chở hàng đi trên cầu mà rùng mình, bởi rất dễ bị tai họa.

Cùng nhận định như ông Quang, ông Trần Văn Hoàn có nhà ở ngay dưới chân cầu tạm cho biết: “Người dân địa phương rất bức xúc vì cây cầu này hiện đã quá tải vì quá nhỏ. Ngày nào tôi cũng chứng kiến cảnh nông dân qua cầu mà thấy lo. Có lần tôi nghe tiếng la hoảng liền chạy ra xem thì thấy người qua cầu rơi xuống suối bị thương tích, trầy xước tay chân. Ngày trước phương tiện qua lại cầu ít, chủ yếu nông dân đi xe đạp nhưng đến nay cầu đã “già” rồi, khó có thể đủ sức để trụ vững khi phải “gánh” hàng trăm lượt xe máy qua lại mỗi ngày”.

* Bao giờ nâng cấp cầu?

Cầu dân sinh bắc qua suối Rút được làm bằng sắt có chiều dài hơn 12m, bề ngang hơn 2m. Hệ thống lan can của cầu một bên đã bị mất, bên còn lại cong vênh không còn tác dụng. Mặt cầu là những thanh sắt lắp ghép cách nhau 7-10cm giờ đã gỉ sét. Dưới gầm cầu chỉ có 2 khung sắt được xây thành trụ sơ sài, trong khi đó dòng suối Rút nước chảy khá xiết tạo nên những hốc rất sâu ăn vào mố cầu. Nhiều người lo lắng trước sự xuống cấp nghiêm trọng hiện nay, cầu có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.

Người dân ở gần khu vực cầu cho biết trước đây do nhu cầu đi lại của nông dân thuộc 2 xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) và Phú Túc (huyện Định Quán) nên một số hộ thuộc 2 địa phương trên tự góp tiền để xây dựng cầu cho thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, từ khi đường Cầu Ván nối xã Phú Túc và xã Gia Tân 3 xây dựng hoàn thành thì lượng người và phương tiện qua cầu dân sinh này cũng tăng cao. Thời gian qua, trước tình trạng cầu yếu, các hộ dân đã tự bỏ tiền ra tu sửa nhiều lần nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ làm tạm bợ. Vì vậy cầu suối Rút gần đây xuống cấp nặng nề. Có thể nói, cầu suối Rút giờ ọp ẹp không chỉ gây khó khăn trong việc vận chuyển nông sản vào mùa thu hoạch mà còn dẫn đến nguy hiểm cho người và phương tiện trong quá trình lưu thông.

đề cập về cây cầu suối Rút không đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, chuyên viên Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thống Nhất cho biết cầu nằm trên tuyến đường do UBND xã Gia Tân 3 quản lý nên chưa nắm được tình trạng cụ thể. Trong thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với xã Gia Tân 3 và xã Phú Túc (huyện Định Quán) xem xét thực tế để báo cáo UBND huyện xin lập kế hoạch, phương án nâng cấp cầu trong thời gian sớm nhất.

Bá Trực - Nguyễn Hậu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        114,527       35