Xã hội

Quyết định hành nghề giả, bệnh nhân chết thật

Để dễ dàng kiếm tiền, một số bác sĩ đã làm giả chứng chỉ hành nghề (CCHN), quyết định mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn. Hậu quả là đã có những bệnh nhân chết dưới tay của những bác sĩ "dỏm" này.

Để dễ dàng kiếm tiền, một số bác sĩ đã làm giả chứng chỉ hành nghề (CCHN), quyết định mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn.

Ảnh minh họa: Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: N.Thư
Ảnh minh họa: Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: N.Thư

Hậu quả, có những bệnh nhân chết dưới tay của những bác sĩ “dỏm” này. Mới đây nhất là vụ bác sĩ của Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (TP.Hồ Chí Minh) đã làm chết bệnh nhân do bác sĩ làm giả giấy bổ sung hoạt động chuyên môn.

* Làm giả quyết định của Sở Y tế

Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai đã nhận được văn bản số 1572/TTra ngày 22-10-2019 của Thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh về việc xác minh thông tin người hành nghề. Theo đó, Thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đề nghị phía Đồng Nai xác nhận việc điều chỉnh bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh đối với ông Đinh Viết Hưng (sinh năm 1975, ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.Hồ Chí Minh).

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Khi nhân viên y tế làm giả các loại giấy tờ từ bằng đến CCHN, Sở Y tế phát hiện sẽ chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Y tế vẫn thường xuyên rà soát, kiểm tra các loại giấy tờ của người đăng ký hành nghề để phát hiện kịp thời những trường hợp xử lý văn bằng không đúng”.

Theo hồ sơ mà Thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cung cấp, ông Hưng đã có CCHN do Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cấp vào tháng 5-2013 (số chứng chỉ: 009047) với phạm vi hoạt động chuyên môn là khám, chữa bệnh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Đến tháng 4-2017, vị bác sĩ này làm thêm chứng chỉ bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn về tạo hình - thẩm mỹ do Sở Y tế Đồng Nai cấp.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Mạnh Dũng, Chánh thanh tra Sở Y tế Đồng Nai cho hay, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ của các cá nhân đăng ký cấp CCHN, cấp bổ sung phạm vi hành nghề thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh không có hồ sơ tên Đinh Viết Hưng. Quyết định số 009047/QĐ-SYT ngày 20-4-2017 của Sở Y tế Đồng Nai cấp cho ông Đinh Viết Hưng là giả mạo.

Cụ thể, Quyết định cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn (số 009047) được lấy y nguyên số quyết định đã được Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cấp trong CCHN cho ông Đinh Viết Hưng (số chứng chỉ 009047/HCM-CCHN) từ năm 2013. Thực tế, việc cấp số trong quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề của Sở Y tế Đồng Nai được cấp số quyết định riêng, không trùng với số cấp trong CCHN.

Ngoài ra, tại mục “xét đề nghị của Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Đồng Nai” tại thời điểm như trong quyết định (ngày 20-4-2017), việc thẩm định xét hồ sơ của Sở Y tế Đồng Nai được giao cho Trưởng phòng Quản lý hành nghề, chứ không phải Trưởng phòng Nghiệp vụ như trong quyết định. Bởi đến tháng 5-2019, Sở Y tế Đồng Nai mới tiến hành sáp nhập các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở thành Phòng Nghiệp vụ.

Trong việc soạn thảo và ban hành văn bản, Sở Y tế Đồng Nai cũng quy định trong tất cả các văn bản của các phòng, ban chuyên môn của Sở, trước khi trình Giám đốc Sở ký phải có “chữ ký nháy” của trưởng phòng ở dòng cuối cùng của văn bản. Tuy nhiên, trong bản “quyết định giả” hoàn toàn không có chữ ký nháy của Trưởng phòng Quản lý hành nghề vào thời điểm như trong quyết định.

Còn con dấu và chữ ký của bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai lúc bấy giờ) cũng hoàn toàn giả mạo. Trước thực trạng này, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị Thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh có biện pháp xử lý đối với đối tượng có hành vi giả mạo theo đúng quy định.

* Bệnh nhân trở thành nạn nhân

Thông cáo báo chí của Bệnh viện thẩm mỹ Emcas mới đây cho biết, bác sĩ Đinh Viết Hưng là bác sĩ có hợp đồng hợp tác chuyên môn với bệnh viện từ năm 2016. Vị bác sĩ này cũng là người trực tiếp thực hiện 2 ca phẫu thuật gây hậu quả nghiêm trọng cho 2 nạn nhân tại bệnh viện.

Cụ thể, ngày 31-10, khách hàng Đ.T.N.A. (TP.Hà Nội) tố cáo Thẩm mỹ viện Sophie International (phường Tân Định, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) đưa chị tới Bệnh viện thẩm mỹ Emcas hút mỡ bụng, sau đó mới phát hiện chị có thai 4 tuần. Đại diện Bệnh viện thẩm mỹ Emcas gửi thông cáo báo chí khẳng định, chị Đ.T.N.A. là khách hàng của bác sĩ Đinh Viết Hưng và do bác sĩ này trực tiếp thực hiện phẫu thuật.

Trước đó, Bệnh viện thẩm mỹ Emcas cũng gửi thông cáo báo chí khẳng định, bác sĩ Đinh Viết Hưng đã hợp tác chuyên môn với bệnh viện từ năm 2016. Vị bác sĩ này cũng trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân V.N.A.T. (ngụ TP.Hồ Chí Minh) đã tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ ngực.

Theo bác sĩ Lê Quang Ánh, Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế, “nạn” làm CCHN, quyết định bổ sung phạm vi hoạt động giả không phải hiếm. Nhiều người mong muốn làm giả để “đốt cháy” giai đoạn do chưa đủ tiêu chuẩn để cấp CCHN. Thực tế, chuyên khoa “hot” như phẫu thuật thẩm mỹ sẽ có những đường dây làm giả. Khi có những loại giấy tờ giả này và đi hành nghề, bác sĩ sẽ dễ dàng “qua mặt” được cơ quan chức năng.

Thời gian qua, Sở Y tế Đồng Nai ít gặp các trường hợp làm giả CCHN hoặc quyết định mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn vì người làm giả thường sẽ hành nghề ở địa phương khác. Mới đây, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã gửi văn bản nhờ xác minh trường hợp sử dụng CCHN bổ sung phạm vi hoạt động giả. “Ngay khi nhận được hồ sơ xác minh, chúng tôi đã nhận ra ngay là CCHN giả mạo” - bác sĩ Ánh cho hay.

Trên thực tế, để có được CCHN, nhân viên y tế cũng phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định và không phải ai cũng đạt yêu cầu. Tính từ khi nộp đầy đủ hồ sơ tại bộ phận một cửa ở Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai, 24 giờ sau, hồ sơ đó sẽ “có mặt” tại Phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế để xử lý cấp CCHN. Từ đó, phòng sẽ lập tổ thư ký để xét điều kiện cấp CCHN. Việc xét hồ sơ này căn cứ vào văn bằng chuyên môn (đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc sơ cấp…), kèm theo là xác nhận thực hành tại các cơ sở y tế mà Sở Y tế quy định. Trong đó, quy định bác sĩ phải thực hành 18 tháng; y sĩ thực hành 12 tháng; điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh thực hành 9 tháng… tại bệnh viện và một số giấy tờ khác. Khoảng thời gian từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận được CCHN là 2 tháng.

Việc cấp CCHN phải tuân theo biểu mẫu chung của Bộ Y tế nhưng Sở Y tế của mỗi tỉnh sẽ đặt in riêng CCHN để sử dụng cho mỗi tỉnh. Số seri của CCHN cũng được thống nhất từ Bộ Y tế. “Nhưng chỉ những người làm ở bộ phận cấp CCHN mới nắm rõ về vấn đề này. Do đó, ngay khi nhìn qua CCHN do Sở Y tế mình cấp, chúng tôi sẽ nhận ra ngay là giấy thật hay giả. Ngay cả CCHN do địa phương khác cấp, chúng tôi cũng nhận ra do nhìn mẫu lạ hoặc cách ghi lạ” - bác sĩ Ánh nói.

Bích Nhàn

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        64,977,215       46