Văn hóa

Nhà văn hóa cơ sở chưa phát huy hiệu quả

Nhà văn hóa - một thiết chế có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Từ nguồn ngân sách nhà nước, Đồng Nai đã đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng hàng trăm nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Nhiều hiện vật trưng bày trong Nhà văn hóa dân tộc Chăm xã Bình Sơn (huyện Long Thành) bị hư hỏng và phủ đầy bụi. Ảnh: L.Na
Nhiều hiện vật trưng bày trong Nhà văn hóa dân tộc Chăm xã Bình Sơn (huyện Long Thành) bị hư hỏng và phủ đầy bụi. Ảnh: L.Na

Tuy nhiên, nhiều nhà văn hóa có tần suất sử dụng rất ít hoặc sử dụng sai mục đích. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng các phong trào cũng như tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị - xã hội ở địa phương.

* Sử dụng chưa hiệu quả

Nhà văn hóa dân tộc Chăm ở ấp 6, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) được đưa vào sử dụng từ năm 2013 với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng nhưng thường xuyên ở trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, có rất ít người dân đến sinh hoạt. Tuy xây dựng trên khuôn viên có tổng diện tích là 5 ngàn m2 nhưng không gian trong nhà văn hóa chỉ trưng bày vài bộ bàn ghế, tủ sách nhỏ cùng một số vật dụng và nhạc cụ truyền thống. Tất cả đều bị phủ bụi.

Phó giáo cả Moi Sal, thành viên Ban Quản lý nhà văn hóa dân tộc Chăm cho biết, ngoài các vật dụng trưng bày, nhà văn hóa chỉ có một sân bóng đá mini chưa được cải tạo, đất đá còn lởm chởm và một sân bóng chuyền. Thỉnh thoảng vào các buổi chiều mới có một ít thanh niên trong ấp đến chơi thể thao. Cũng chỉ vào các dịp lễ, Tết, nhà văn hóa mới tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn nghệ, giao lưu tặng quà cho thiếu nhi và đồng bào khó khăn.

Hiện đồng bào Chăm xã Bình Sơn có 96 hộ với 299 nhân khẩu. Nhu cầu có không gian để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của đồng bào là rất lớn. Phó trưởng ấp 6 Huỳnh Hồng Hải nói: “Nhà văn hóa dân tộc Chăm cơ sở vật chất còn thiếu, số lượng sách báo ít ỏi, nội dung nghèo nàn; hệ thống nhà vệ sinh đã hư hỏng nên rất hạn chế việc họp hành chứ chưa nói đến các hoạt động văn nghệ, thể thao”.

Tương tự, Nhà văn hóa các dân tộc xã Tà Lài (huyện Tân Phú) được đầu tư xây dựng mới, khang trang có thư viện với nhiều đầu sách, trưng bày gần 100 hiện vật của đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên các trang thiết bị như âm thanh, ánh sáng đa phần đã hư hỏng, không sử dụng được. Thư viện ở nhà văn hóa vắng bóng người đọc, các đầu sách phục vụ cho bà con phần lớn đã cũ và luôn phủ bởi một lớp bụi dày.

Ông K’ Hoài, người dân ấp 4, xã Tà Lài bày tỏ: “Nhà văn hóa các dân tộc xã Tà Lài nhiều năm nay luôn trong tình trạng đóng cửa. Hình ảnh, hiện vật trưng bày bên trong còn ít và chưa đa dạng. Một số đoàn khách du lịch đến Tà Lài, muốn tham quan, tìm hiểu, nhà văn hóa cũng rất ít khi mở cửa. Chỉ có những đoàn từ thiện đến cấp thuốc hay tổ chức các hoạt động giao lưu, tặng quà cho người già và trẻ em thì nhà văn hóa mới mở cửa và có người dân đến sinh hoạt”.

Không riêng ở các xã vùng sâu, vùng xa mà ngay ở TP.Biên Hòa, nhiều nhà văn hóa ấp, khu phố cũng chưa phát huy công năng. Phần lớn các nhà văn hóa đều được nâng cấp từ văn phòng khu phố (có 138/178 văn phòng khu phố được nâng cấp thành nhà văn hóa) với diện tích khoảng 100m2. Tại các nhà văn hóa này, ngoài một số hoạt động như: hội nghị, họp khu phố, rất ít có các hoạt động văn hóa, văn nghệ để có thể thu hút người dân tham gia.

* Để phát huy công năng…

Đại diện Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa cho biết, phần lớn diện tích nhà văn hóa ấp, khu phố trên địa bàn thành phố có diện tích nhỏ, hẹp (do được nâng cấp từ văn phòng ấp, khu phố). Trang thiết bị phục vụ thiếu và kém chất lượng, chủ yếu sử dụng các trang thiết bị cũ và từ vận động nhân dân đóng góp những năm trước. Kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa, để duy tu, sửa chữa còn thiếu. Bên cạnh đó, chế độ chính sách, phụ cấp cho người làm công tác ấp, khu phố thấp nên hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm của người cán bộ phụ trách. 

Điều này đặt ra yêu cầu trong công tác quản lý, vận hành, bảo quản và tổ chức hoạt động các nhà văn hóa nhằm phát huy tối đa công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo ông Trần Trọng Tá, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa - thể thao và du lịch (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), tùy vào đặc thù của từng địa phương mà người làm công tác văn hóa vận dụng linh hoạt để tổ chức các hoạt động.

“Mỗi nhà văn hóa cần xây dựng các chương trình phù hợp với đặc điểm địa phương, dân tộc, các nhóm đối tượng và lứa tuổi. Tất nhiên là phải ưu tiên nâng cao đời sống tinh thần của người dân và hướng đến tạo ra kinh phí để phục vụ cho việc tổ chức và duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tạo sự sinh động cho không gian nhà văn hóa, vừa tạo nguồn quỹ để duy trì hoạt động” - ông Tá nói.

Việc phát huy hiệu quả sử dụng nhà văn hóa cần tính đến việc xác định vai trò của nguồn nhân lực. Bởi nếu cán bộ, người phụ trách văn hóa cơ sở không có chuyên môn, nghiệp vụ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động. Do vậy, người làm công tác văn hóa cơ sở cần được tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức thường xuyên để chủ động, sáng tạo trong tổ chức hoạt động. Có như vậy, nhà văn hóa ấp, khu phố mới trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút người dân.

Phó trưởng ấp 6, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) Huỳnh Hồng Hải bày tỏ: “Nhà văn hóa dân tộc Chăm có ý nghĩa lớn đối với đồng bào dân tộc nói riêng và người dân nói chung. Chúng tôi mong các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ cải tạo, đầu tư thêm cơ sở vật chất để nhà văn hóa thực sự là điểm đến sinh hoạt của bà con. Từ đó phát huy phong trào thể dục, thể thao, văn nghệ như: bóng đá, cầu lông, thể dục dưỡng sinh… trong cộng đồng dân cư”.

Ly Na

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        403,717       17