Văn hóa

Khói bếp quê nhà

Tôi trở lại quê nhà vào những ngày hạ tím ngắt bằng lăng trên con đường tuổi thơ ngày 2 buổi đến trường thuở nào. Làng quê vào buổi chiều tà nghe hương lúa quyện mùi rơm rạ sao mà nồng nàn, thân quen đến lạ.

Quê tôi, nhà ai cũng có mái bếp, góc vườn, bờ ao dù đất nhiều hay ít. Ngày bé, bọn nhỏ chúng tôi gắn liền với góc bếp của mẹ. Những củ khoai nướng thơm lừng mũi, cay xè khói bếp. Những chảo cốm mẹ rang mùi thơm bay khắp nhà, ăn hoài vẫn thòm thèm. Và những lần đứng nhìn mẹ nấu món ngon để được mẹ cho ăn thử một miếng sao mà nhớ quá. Nhớ nhất là nồi cơm mới đầu mùa gặt mẹ nấu hương bay ngọt ngào tuổi thơ tôi…

Những ngày hè nóng nực, mẹ vào bếp nấu nướng lưng áo đẫm mồ hôi. Thương mẹ cả đời cực nhọc với góc bếp, ruộng lúa, vườn rau lo những bữa cơm đủ đầy cho chồng con. Tôi thơ bé cứ vô tư đùa vui với bạn bè, chuyện học hành chẳng giúp được gì cho mẹ những lúc nhọc nhằn, vất vả, nhiều khi còn giận hờn vì những bữa cơm ngày túng thiếu.

Góc bếp nhà tôi là nơi các dì thường tiếp bạn khi đến tuổi yêu. Cứ mỗi tối có bạn đến chơi là các dì mang ấm đi nấu nước hay luộc khoai. Tôi còn bé chưa hiểu hết những lời họ trao nhau, nhưng bên bếp lửa hồng thấy má các dì đỏ hây hây là biết họ đang thẹn thùng, mắc cỡ. Khói bếp cho đôi lứa bắt đầu tình yêu và làm bịn rịn bước chân các dì tôi ngày về nhà chồng.

Rồi tôi lớn, nhìn mái bếp nhà mình cũ kĩ, nhiều lần vào bếp với mẹ và nói mai này học hành thành tài có tiền sẽ xây lại cái nhà bếp khang trang cho mẹ. Mẹ cười nói rằng để xem tôi có nhớ, có làm được không. Đúng như lời mẹ, xong đại học tôi cứ biền biệt xa quê, tất bật với cuộc sống thị thành, quên những lời hứa ngày xưa…

Ở thành phố, vào những nhà hàng sang trọng, ăn những món ăn ngon đắt tiền, nhưng sao vẫn thèm những bữa cơm mẹ nấu nơi góc bếp quê đến lạ thường. Nhớ nồi cơm mới có mùi khói rơm rạ, nhớ những món ăn dân dã của mẹ, nhớ khoai nướng, ngô bung ngọt ngào lòng mẹ.

Chiều nay, tôi về lại quê nhà, đứng trước ngõ, nhìn mái bếp xưa cũ mà nghe mũi mình cay cay…

Hòa Hiệp

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        389,028       48