Kinh tế

Năm 2020, khơi thông các 'điểm nghẽn'

Ngày 9-1, Bộ Kế hoạch - đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành để triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ nhằm khơi thông điểm nghẽn,...

ải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Nghị quyết 02/NQ-CP cũng được Chính phủ ban hành ngày 1-1-2020 về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

* Phát triển nhanh, bền vững

Năm 2019, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, thế nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ngoạn mục. Có 12/12 chỉ tiêu chính về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch năm. Việt Nam trở thành nhóm các nước tăng trưởng cao xếp hàng đầu khu vực và thế giới.

Mục tiêu của Chính phủ, năm 2020 GDP của cả nước tăng 6,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% so với năm 2019, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 90%. Thu nhập bình quân đầu người của cả nước đạt hơn 2 ngàn USD/người.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Năm 2019, GDP của Việt Nam tăng 7,02%, xuất nhập khẩu lần đầu đạt 517 tỷ USD, xuất siêu đạt 9,9 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài hơn 38 tỷ USD và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trên 20 tỷ USD. Có được kết quả trên là do các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển”.

Tại hội nghị, đại diện nhiều tỉnh, thành đề xuất Bộ Kế hoạch - đầu tư, Chính phủ tăng nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông để kết nối vùng. Đồng thời, Trung ương sớm ban hành một số quy định để tháo gỡ các vấn đề liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án, giúp giải ngân vốn đầu tư công thuận lợi.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong năm 2019, Bộ Kế hoạch - đầu tư đạt được nhiều kết quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số hạn chế cần tháo gỡ là: giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do vướng mắc về chính sách, quản lý đấu thầu, đầu tư dự án còn dàn trải. Bên cạnh đó, còn tồn tại cơ chế xin - cho trong bố trí vốn cho các dự án. Hỗ trợ doanh nghiệp, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Việt Nam có 58 ngàn đơn vị công lập nhưng rất ít đơn vị tự chủ được kinh phí, vì thế các đơn vị cần giảm biên chế, chọn những người tài vào làm việc, từng bước tự chủ kinh phí hoạt động.

“Trong năm 2020, Bộ Kế hoạch - đầu tư nghiên cứu đề xuất chính sách để cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng hạng. Bộ có giải pháp đón đầu, khai thác tốt “dân số vàng”, chú ý liên kết kinh tế vùng để phát huy ưu thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Với 63 tỉnh, thành triển khai kế hoạch từ tháng 1-2020 để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hoặc cao hơn năm 2019. Bộ Kế hoạch - đầu tư nên phân cấp, phân quyền và chỉ làm vai trò tổng kiểm tra và đôn đốc thực hiện các kế hoạch” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

* Đồng Nai ưu tiên 2 dự án lớn

Năm 2020, Đồng Nai đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8-9% so với năm 2019. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 5,3 ngàn USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10-11% so với năm 2019. Có thêm 5-7 xã đạt nông thôn mới nâng cao, giảm 1,5 ngàn hộ nghèo.

Trong năm 2019, Đồng Nai đạt được nhiều kết quả về kinh tế cao hơn chỉ tiêu chung của cả nước. Cụ thể, GRDP của tỉnh tăng 9,05%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 114 triệu đồng, xuất siêu 3,53 tỷ USD (cả nước 9,9 tỷ USD). Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu ngân sách với gần 55,67 ngàn tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế năm 2019, của tỉnh chuyển dịch đúng định hướng, trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ gần 61%; dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tỷ lệ gần 30%; nông - lâm nghiệp, thủy sản tỷ lệ hơn 9%.

Trước đó, trong Hội nghị giao chỉ tiêu kinh tế cho các sở, ngành địa phương năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý năm nay có nhiều công việc quan trọng cần phải tập trung thực hiện tốt từ đầu năm là: chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; khẩn trương hoàn thành Lập nhiệm vụ quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trước tiên là khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ. Đồng Nai sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, đầu tư để mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Đồng Nai ưu tiên thực hiện 2 dự án quốc gia quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường cao tốc Bắc - Nam.

Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối liên vùng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Đồng Nai nói riêng cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, như dự án các đường cao tốc: Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu... Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho Đồng Nai triển khai các dự án hạ tầng giao thông. Điều chỉnh các luật về: Doanh nghiệp, Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Nhà ở nhằm đồng bộ giữa các luật để địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.

 Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,002,737       32