Kinh tế

Doanh nghiệp ngành gỗ mở rộng thị trường nội địa

Dù kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng trưởng nhanh, song trên thực tế lại phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Sản xuất gỗ nội thất tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh:V.Gia
Sản xuất gỗ nội thất tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh:V.Gia

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ nội địa cho hay, việc cạnh tranh với khối doanh nghiệp FDI cũng như khó khăn về nhân công, giá cả xuất khẩu đã khiến họ chú ý hơn đến thị trường nội địa, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu như trước.

* Nâng chất thị trường nội địa

Không chỉ từng bước chiếm lĩnh lại thị trường nội địa mà các doanh nghiệp ngành gỗ đang mong muốn liên kết với nhau tạo thành chuỗi sản xuất nhằm nâng cao năng lực sản xuất, bán hàng của mình.

Thị trường gỗ trong nước hiện nay theo đánh giá có giá trị thương mại hơn 4 tỷ USD và nhu cầu đang ngày một tăng cao do mức sống của cư dân đô thị, đặc biệt là những người trẻ, được nâng lên.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng đã quan tâm đến việc chiếm lĩnh thị trường nội địa nhưng chưa thành công do cách tiếp cận cũ chưa thực sự hiệu quả, chỉ chú trọng đến yếu tố giá rẻ mà bỏ qua yếu tố mẫu mã. Song hiện tại, nhiều nhà sản xuất đồ nội thất Việt Nam đã bắt kịp nhu cầu và khuynh hướng tiêu dùng thế giới, gia tăng hàm lượng chất xám bằng thiết kế riêng, đầu tư thời gian nhiều hơn để tìm hiểu thị trường nội địa. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước tốt hơn và người tiêu dùng cũng được sử dụng đồ gỗ của Việt Nam sản xuất thay vì mua hàng nhập khẩu.

“Ngành sản xuất gỗ trước nay có một nghịch lý là hầu hết các công ty có quy mô lớn một chút đều sản xuất cho nước ngoài, còn người dân thì chưa thực sự được hưởng những sản phẩm tốt, giá tốt. Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài trong khi người dân phải mua lại với giá cao. Mức sống của người dân ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu nâng cao nhưng khả năng về thẩm mỹ vẫn ở một giới hạn. Đó là vấn đề mà chúng tôi quan tâm và cũng là nguyên do để doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội bán hàng ở thị trường nội địa” - ông Trần Nhân Giáp, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế xây dựng kiến trúc nội thất truyền thông Gold Home (TP.Biên Hòa) cho hay.

Đồng Nai và Bình Dương là hai nơi tập trung sản xuất gỗ lớn nhất cả nước, tuy nhiên xuất khẩu gỗ ở đây lại phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp gỗ nội với quy mô nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do đơn hàng xuất khẩu giảm nhưng yêu cầu chất lượng tăng lên.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sản xuất gỗ của khối doanh nghiệp FDI vào Việt Nam tăng mạnh khiến cho sự khan hiếm nhân công ngành gỗ thêm nghiêm trọng, lao động khó tuyển nhưng lại đòi hỏi mức lương cao hơn. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu đang có xu hướng quay lại mở rộng kênh phân phối ở thị trường nội địa.

“Trong tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã ra mắt thương hiệu Vanilux để cung cấp các sản phẩm gỗ nội thất cho thị trường trong nước. Các thiết kế cũng như chất lượng sản phẩm đều tương đương với những mặt hàng xuất khẩu nhưng người tiêu dùng được sử dụng hàng nội với giá cả rẻ hơn” - ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần S Furniture (tỉnh Bình Dương) chia sẻ.

* Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), Đồng Nai là địa phương có truyền thống sản xuất gỗ lâu đời với làng nghề gỗ Hố Nai (TP.Biên Hòa) nổi tiếng cả nước.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp FDI, thách thức lớn nhất là hầu hết doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đều đang có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề là nhiều doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ vai trò của việc xây dựng chuỗi cung ứng ngành hàng.

Quy mô nhỏ nhưng các doanh nghiệp đều đang lựa chọn phương thức sản xuất độc lập, mỗi doanh nghiệp đều cho ra sản phẩm hoàn thiện trong khi ở các nước khác, sản xuất đồ gỗ được thực hiện theo chuỗi, mỗi doanh nghiệp chỉ phụ trách một vài công đoạn.

“Chúng tôi luôn mong muốn liên kết các đơn vị trong ngành gỗ tạo nên một sân chơi bền vững cho ngành gỗ Việt Nam. Do đó, đầu năm 2019, chúng tôi đã đưa vào hoạt động chợ gỗ Tây tại khu kinh tế ICD Tân Cảng - Long Bình rộng 40 hécta, tập trung những nhà cung cấp lớn về nguyên liệu gỗ hợp pháp từ nhiều quốc gia và châu lục khác nhau” - ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) thông tin.

Dự kiến, chợ sẽ là một khu liên hoàn với các dịch vụ xẻ, sấy, logistics, sản xuất, văn phòng đại diện, siêu thị gỗ xẻ, sản xuất nhà gỗ... Ngoài ra, đây còn là nơi để các nhà cung cấp phụ liệu, phụ kiện, máy móc ngành gỗ trưng bày và trực tiếp phân phối sản phẩm để các doanh nghiệp ngành gỗ dễ chọn lựa.

Không chỉ là nỗ lực của từng doanh nghiệp, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững đang là nhiệm vụ được Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đặt lên hàng đầu. Dowa đang hướng tới xây dựng các trung tâm triển lãm hàng hóa và năng lực sản xuất của doanh nghiệp; phát triển đầu mối đưa hàng hóa của doanh nghiệp ra thị trường nội địa bằng cách thiết lập các trung tâm phân phối và kênh tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, đầu tư sàn giao dịch nguyên liệu ngành gỗ, giúp doanh nghiệp có thể tra cứu và mua bán sản phẩm một cách hiệu quả nhất.

“Chủ trương của Dowa trong những năm tới là “kéo thế giới gỗ về Việt Nam”, mục tiêu là tăng lực của các doanh nghiệp trong hiệp hội, liên kết doanh nghiệp từ cung ứng nguyên liệu, máy móc đến sản xuất, phân phối sản phẩm” - ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai kỳ vọng.    

   Văn Gia

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,018,381       47