Kinh tế

Mua đất nền giá rẻ: coi chừng sụp bẫy

Do thiếu kiểm chứng tính xác thực về dự án đất nền, thiếu thông tin pháp lý về doanh nghiệp rao bán, đặc biệt là do ham đất nền giá rẻ... nên không ít người chỉ mới xem thông tin trên giấy, trên mạng đã vội đặt cọc hoặc thanh toán một phần rồi mới biết bị lừa.

Một bản vẽ phân lô đất trên giấy nhưng không hề có trên thực địa của một công ty kinh doanh bất động sản. Ảnh: A.NHIÊN
Một bản vẽ phân lô đất trên giấy nhưng không hề có trên thực địa của một công ty kinh doanh bất động sản. Ảnh: A.NHIÊN

Thời gian gần đây, một số bạn đọc đã đến Báo Đồng Nai phản ảnh về tình trạng bị lừa khi mua đất nền giá rẻ. Để đòi lại tiền đặt cọc hay một phần tiền đã thanh toán là cả một hành trình vô cùng gian nan đối với người đi mua đất. Thậm chí đã xảy ra trường hợp khách hàng bị công ty bất động sản cho người đánh gây thương tích khi đến đòi lại tiền cọc.

* Gian nan đòi tiền cọc

Trường hợp hai khách hàng N.T.Đ.L và N.T.T.Th. (ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã cùng nhau mua 4 lô đất nền ở huyện Trảng Bom của một công ty kinh doanh bất động sản ở Biên Hòa với giá 360 triệu đồng/lô. Ngoài khoản tiền đặt cọc ban đầu, hai khách hàng này đã thanh toán đợt 2 đến hơn 2/3 giá trị các lô đất qua việc chuyển khoản cho một nhân viên đại diện của công ty. Sau đó hai khách hàng trên mới phát hiện đất của mình đã được công ty bán cho người khác. Phía công ty cho biết, do họ không nhận được tiền thanh toán đợt 2 đúng theo thời hạn quy định, tưởng khách bỏ cọc không mua nữa nên bán cho người khác. Còn nhân viên đã nhận tiền của 2 khách hàng trên thì đã nghỉ việc. Sự việc đang được hai bên giải quyết, nhưng theo chị Đ.L., bản thân chị phải bỏ công việc và đi lại mất nhiều thời gian để mong nhận lại được tiền của mình.

Cũng khóc ròng vì “dính” vào vụ mua đất ảo của Công ty cổ phần địa ốc A. từ một dự án đất nền ở huyện Long Thành, anh T.V.C. (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cũng đến nhờ luật sư tư vấn tại Báo Đồng Nai hướng dẫn kiện công ty bất động sản để lấy lại tiền cọc. Theo anh C., 5 anh em trong gia đình anh đã cùng nhau mua 5 lô đất nền của công ty với tổng giá trị 1,7 tỷ đồng. Nhưng sau khi chuyển 1,2 tỷ đồng thì mọi người mới phát hiện dự án đất nền trên chỉ là ảo. Anh C. cho biết, anh em của anh cũng như nhiều người khác bây giờ không dám đến công ty trên để đòi nợ vì sợ bị đánh, mà chỉ muốn kiện ra tòa để được trả lại khoản tiền đã nộp.

* Chỉ mua khi có đủ tính pháp lý

Thời gian qua, nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai đã xảy ra tình trạng một số công ty kinh doanh bất động sản dựng dự án “ma”, quy hoạch đất nền “ảo” rao bán trên mạng với giá hấp dẫn khiến không ít người mắc bẫy. Mặc dù nhiều người cũng cảnh giác khi thấy giá đất khá rẻ nên muốn xem đất trực tiếp. Họ cũng được công ty đưa đến thực địa, nhưng lại không hề biết công ty này đưa đến xem đất của... thiên hạ.

Để tránh mua phải  đất “ảo”, đất dự án “ma”, theo khuyến cáo của ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, trước khi mua hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), người mua phải tìm hiểu rõ về tính pháp lý của lô đất. Theo pháp luật về đất đai, điều kiện để chuyển nhượng QSDĐ là phải có giấy chứng nhận QSDĐ, đất không có tranh chấp, đất không bị kê biên để thi hành án, còn thời hạn sử dụng đất. Đối với đất nền hoặc nhà ở tại các dự án khu dân cư thì ngoài các điều kiện trên, chủ đầu tư dự án phải hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện chuyển nhượng.

Kế nữa là phải kiểm tra tính hoạt động hợp pháp của chủ đầu tư như năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư. Đối với dự án cần phải kiểm tra các thông tin về giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích, quy hoạch chi tiết xây dựng, chứng từ về nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đồng thời phải xem xét kỹ hợp đồng mua bán. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên khi tiến hành thủ tục chuyển QSDĐ.

Cũng trong những lần tiếp bạn đọc đến tư vấn về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) đã hướng dẫn trình tự pháp lý cho từng trường hợp cụ thể để người dân làm việc với công ty cũng như các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, theo luật sư Định, khi mua đất dự án hoặc căn hộ chung cư hình thành trong tương lai, khách hàng nên yêu cầu công ty kinh doanh cung cấp cho được văn bản của Sở Xây dựng xác nhận dự án đủ điều kiện bán nền, căn hộ hình thành trong tương lai. Bởi có văn bản này, dự án đã bao gồm các yếu tố pháp lý như: giấy phép xây dựng, sổ đỏ dự án, hoàn thành hệ thống hạ tầng, giấy bảo lãnh của ngân hàng...

Trên thực tế, một khi đã “dính” vào những dự án “ma”, đất “ảo”, người mua bao giờ cũng thiệt. Bởi muốn đòi được tiền, họ phải kiện tranh chấp hợp đồng ra tòa với quy trình tố tụng kéo dài, chưa kể nhiều vụ việc, có thắng kiện cũng khó bảo đảm thi hành án.

An Nhiên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        933,427       4