Kinh tế

Xuất siêu lập kỷ lục mới

Trong 9 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Đồng Nai xuất siêu gần 2 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất siêu của cả nước. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Đồng Nai xuất siêu và mức xuất siêu tăng đều mỗi năm.

Trong 9 tháng của năm 2018, các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai xuất siêu gần 2 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất siêu của cả nước. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Đồng Nai xuất siêu và mức xuất siêu tăng đều mỗi năm. Hiện nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến hết quý I-2019, có khả năng xuất siêu năm nay sẽ lập kỷ lục mới với khoảng 2,7 tỷ USD.

Sản xuất quần áo tại Công ty cổ phần tổng công ty may Đồng Nai để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Mỹ.
Sản xuất quần áo tại Công ty cổ phần tổng công ty may Đồng Nai để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Mỹ.

Theo Sở Công thương, 9 tháng của năm nay DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu gần 13,8 tỷ USD, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt trên 11,8 tỷ USD. Những mặt hàng các DN nhập khẩu nhiều bao gồm máy móc thiết bị để thay thế dây chuyền cũ và nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất.

* Một số ngành xuất siêu lớn

Đồng Nai hiện xuất khẩu hơn 50 mặt hàng sang 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó 4 mặt hàng chủ lực có kim ngạch lớn là: giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, xơ sợi dệt, có kim ngạch xuất khẩu đạt 6,13 tỷ USD và xuất siêu lên đến trên 4,6 tỷ USD. Cụ thể như xuất khẩu giày dép từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu là 2,72 tỷ USD, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất chỉ gần 570 triệu USD. Như vậy ngành giày dép đã xuất siêu trên 2,1 tỷ USD. Ngành dệt may xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD, song nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất chỉ gần 700 triệu USD, xuất siêu hơn 800 triệu USD. Sản phẩm từ gỗ của Đồng Nai cũng xuất siêu 823 triệu USD.

Trong khi Việt Nam chính thức xuất siêu từ năm 2017 sau hàng chục năm nhập siêu, thì tại Đồng Nai từ năm 2015 đã bắt đầu xuất siêu. Trong năm trước, bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất siêu khoảng 180 triệu USD, sang năm nay bình quân xuất siêu trên 220 triệu USD/tháng. Những tháng cuối năm dự kiến sẽ tăng cao hơn.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Tổng công ty may Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết: “Từ đầu năm đến nay xuất khẩu dệt may khá thuận lợi, tổng công ty đã tăng doanh thu hơn 10%. Cả 4 thị trường lớn như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và EU đều có mức tăng trưởng khá và đơn hàng của doanh nghiệp đã có đến hết quý I-2019. Dự kiến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tổng công ty đạt trên 1,1 ngàn tỷ đồng”.

Theo ông Kích, đơn hàng rất dồi dào và dù đã tăng công suất nhưng tổng công ty vẫn phải từ chối một số đơn hàng giao trong năm 2018 vì không đáp ứng kịp.

Nhiều DN ngành dệt may tại Đồng Nai chia sẻ, nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước của ngành dệt may ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng khá tốt và giá tương đối cạnh tranh. Vì thế các DN thường ưu tiên chọn hàng trong nước để chủ động sản xuất, bớt khâu vận chuyển và đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa nên có thể hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào những thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Bình (trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh, nhà máy ở huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Thị trường xuất khẩu giày của công ty liên tục được mở rộng, thương hiệu Prowin đã chinh phục được những khách hàng khó tính. Hiện công ty tiếp tục tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng lớn”. Nhiều công ty sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn Đồng Nai cũng cho hay đã nhận được đơn hàng đến hết quý I, quý II của năm 2019.

* Cuối năm tăng tốc

Cuối năm là thời điểm vào mùa xuất khẩu của nhiều mặt hàng tại Đồng Nai nên kim ngạch xuất khẩu dự kiến vượt kế hoạch đề ra. Có những DN đã nhận được đơn hàng đến giữa năm 2019 và thị trường xuất khẩu rất thuận lợi.

Sản xuất quần áo tại Công ty cổ phần tổng công ty may Đồng Nai để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Mỹ
Sản xuất quần áo tại Công ty cổ phần tổng công ty may Đồng Nai để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Mỹ

Ông Toshiaki Kaizu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nagae Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành) cho hay: “Công ty sản xuất thiết bị máy móc. Hàng hóa xuất khẩu của công ty luôn đảm bảo chất lượng và giao trước thời hạn nên khách hàng rất hài lòng đã tăng số lượng đơn hàng. Vì vậy thị trường xuất khẩu của công ty được mở rộng và đơn hàng nhận được đến giữa năm 2019”.

Ông Lê Bạch Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ  Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành) chia sẻ: “Trong gần 9 tháng của năm nay, kim ngạch xuất khẩu găng tay cao su của công ty tăng trên 40%, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Cuối năm là cao điểm xuất khẩu, sản phẩm găng tay cao su có thể tăng gấp 1,5 lần so với năm trước”. Theo ông Long, sản phẩm găng tay cao su nguyên liệu 100% mua trong nước nên đây là mặt hàng chỉ có xuất siêu nên kim ngạch càng cao càng có lợi.

Theo nhận định của ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, xuất khẩu của Đồng Nai năm nay dự kiến đạt mức tăng trưởng cao xấp xỉ 12%/năm và xuất siêu dự tính 2,7 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Thời gian qua, các DN trên địa bàn tỉnh liên tục thay đổi công nghệ để giảm lao động nhưng vẫn tăng công suất đáp ứng các đơn hàng lớn, kim ngạch xuất khẩu luôn giữ mức tăng cao.

“Tỉnh rất chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước để các DN cung ứng sản phẩm cho nhau, giảm nhập khẩu tăng xuất siêu. Đồng thời tỉnh cũng thường xuyên hỗ trợ DN xúc tiến thương mại ở những thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản để tìm thêm đối tác mở rộng thị trường xuất khẩu” - ông Lộc nói.

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,016,693       16