Kinh tế

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao: Chờ ngày khởi sắc

Nhiều năm qua, Đồng Nai đẩy mạnh hoạt động xúc tiến nhiều chương trình ký kết hợp tác với các nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản... trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao được đặc biệt quan tâm vì là nhân tố góp phần nâng chất cho nền sản xuất. Gần đây, chương trình hợp tác đầu tư đã có tín hiệu vui khi có dự án đi vào thực tiễn.

Vườn sung Mỹ trồng trong nhà màng tại trang trại của Công ty TNHH Nhà Nguyễn tại huyện Cẩm Mỹ.
Vườn sung Mỹ trồng trong nhà màng tại trang trại của Công ty TNHH Nhà Nguyễn tại huyện Cẩm Mỹ.

Tuy nhiên, trong thực tế nông nghiệp công nghệ cao vẫn khó nhân rộng. Các yếu tố, như: vốn đầu tư lớn, khó tiếp cận chính sách ưu đãi, chưa có đầu ra bền vững... là những rào cản chủ yếu.

* Đẩy mạnh hợp tác

Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam (tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc) và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác từ năm 2008. Trong 9 năm qua, phía Sở và Viện đã có những đợt giao lưu công chức theo hình thức cán bộ nông nghiệp của Đồng Nai được cử qua Hàn Quốc để học tập và được đào tạo về công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tháng 3 vừa qua, TS. nông học Oh Ju Youl, chuyên viên nghiên cứu nông nghiệp Phòng Rau quả Khoa Nghiên cứu nghề làm vườn của Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam, đã đến Đồng Nai với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật trồng và nhân giống dưa lưới. TS. Oh Ju Youl trực tiếp tổ chức việc xuống giống trồng thử nghiệm nhiều giống dưa lưới tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ). Mục tiêu là để chọn lọc ra những giống phù hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Đồng Nai.

TS. nông học Oh Ju Youl, cho biết: “Hiện tại Viện cũng đang tiếp tục hoàn thiện đề cương nghiên cứu cộng đồng quốc tế về phát triển giống rau ăn trái thích ứng khí hậu á nhiệt đới đối ứng với biến đổi khí hậu. Đây là cơ sở để có thể triển khai hỗ trợ Đồng Nai tiếp tục nghiên cứu về giống cũng như chuyển giao kỹ thuật trồng các giống cây rau ăn trái thích hợp với địa phương. Viện cũng đã chuyển tài liệu, thông tin có liên quan về dưa lưới ở Hàn Quốc cũng như nội dung đề tài nghiên cứu cộng đồng sẽ hợp tác và triển khai ở Đồng Nai”.

Trong xúc tiến hợp tác về phát triển nông nghiệp, Đồng Nai cũng vừa đón tiếp đoàn chuyên gia của Hợp tác xã Hán Quang (Đài Loan) đến tham quan, chia sẻ và chuyển giao mô hình phát triển hợp tác xã kiểu mới. Điểm nổi bật của hợp tác xã này là trồng rau, củ, quả trong hệ thống nhà kính hoặc nhà màng. Đơn vị có phần mềm chuyên dụng trong quản lý. Thành viên trong hợp tác xã chỉ cần đăng ký trồng loại cây nào thì toàn bộ quy trình kỹ thuật từ chọn giống, canh tác, thu hái, bảo quản, tiêu thụ... sẽ được hợp tác xã chuyển giao qua phần mềm quản lý này. Toàn bộ sản phẩm đều được dán mã vạch truy xuất nguồn gốc.  

* Nhân rộng cho nông dân

Công ty TNHH Nhà Nguyễn (TP.Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp giải pháp nhà màng trọn gói cho nông nghiệp công nghệ cao. Đây là đơn vị thực hiện trọn gói từ tư vấn đến thi công khu nhà màng tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Ngoài ra, đơn vị cũng cung ứng sản phẩm nhà màng cho dự án nuôi tôm siêu thâm canh tại huyện Nhơn Trạch. Doanh nghiệp cũng đã đầu tư trang trại thực nghiệm tại huyện Cẩm Mỹ trồng các loại dưa lưới, sung Mỹ, chanh dây... với mục tiêu cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật canh tác cho DN và nông dân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Hồng Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Nhà Nguyễn, chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành trong đó có Đồng Nai phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao. Việc sản xuất trong nhà kính, nhà màng sẽ tiếp tục được nhân rộng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ như hiện nay. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi các điều kiện về quỹ đất, vốn, giải pháp kỹ thuật và đầu ra. Nhà đầu tư phải tính bước đi dài, bền vững nếu chạy theo phong trào, chỉ làm theo kiểu ăn xổi ở thì khó trụ được. Ở đây, DN phải là nhân tố đi tiên phong trong đầu tư vào lĩnh vực này rồi mới nhân rộng ra người dân. Việc xây dựng được chuỗi liên kết với những mắt xích thật sự bền vững từ đơn vị cung cấp giải pháp kỹ thuật đến người trực sản xuất, đơn vị chuyên lo về thị trường...”. Ông Khoa cũng phản ánh, Nhà nước đã đưa ra những chính sách rất tốt để khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nhưng phải quan tâm hơn để những chính sách này đi vào thực tế vì hiện DN vẫn rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ này.

Chia sẻ khó khăn khi đi tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), bức xúc: “Ngoài chăn nuôi, tôi đã đầu tư cánh đồng lớn cho cây bắp để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chế biến phân hữu cơ cung cấp ngược lại cho nông dân và liên kết sản xuất gạo sạch theo quy trình khép kín. Từ khi đầu tư trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đầu tư cánh đồng lớn, DN đều phải tự bươn chải vì chưa tiếp cận được gói hỗ trợ nào của Nhà nước. Suốt những tháng qua, DN gồng mình gánh lỗ vì trứng gà liên tục rớt giá do ảnh hưởng của cơn khủng hoảng thừa của thị trường nông sản chung, đặc biệt là con heo. Nếu Nhà nước không thực hiện ngay những hỗ trợ thiết thực thì khó khuyến khích DN đầu tư lớn cho nông nghiệp”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,012,430       35