Thế giới

Dân Iraq không thèm đi bỏ phiếu vì chán giới chính trị tham nhũng

TTO - Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc hội thời "hậu khủng bố IS" ở Iraq chỉ đạt gần 45% khiến cuộc bầu cử được kỳ vọng trước đó trở nên vô duyên.

Dân Iraq không thèm đi bỏ phiếu vì chán giới chính trị tham nhũng - Ảnh 1.

Cử tri ở Kirkuk khoe dấu ngón tay dính mực sau khi bỏ phiếu ngày 12-5 - Ảnh: REUTERS

Tối 12-5, các điểm bỏ phiếu đã chính thức đóng cửa. Nhưng đáng buồn là Ủy ban bầu cử Iraq cho biết chưa đến một nửa số trong số 25,5 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu.

Đây là con số thấp kỷ lục của cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên tại Iraq sau khi chính quyền đánh bại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Thông báo của Ủy ban bầu cử Iraq cho biết tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 44,52% - mức thấp nhất kể từ kỳ bầu cử hậu Saddam Hussein năm 2005 (đạt 79%), dù cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa lớn khi được cho sẽ định hình nỗ lực hàn gắn những rạn nứt sâu sắc ở Iraq và có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

Cuộc bầu cử được cho là nhằm "chính thức hóa" vị trí của Thủ tướng Haider al-Abadi - người lên cầm quyền từ năm 2014 sau cuộc dàn xếp giữa Mỹ và Iran.

Một số nhà phân tích cho rằng người dân không thèm đi bỏ phiếu vì đã quá chán ngán giới chính trị gia tham nhũng và cũng hoảng sợ trước tình hình còn quá rối ren. Giới trẻ Iraq cũng không màng đến chính trị vì nhìn thấy đất nước tan hoang sau nhiều năm chiến tranh và chống khủng bố, bạo lực tiếp diễn hằng ngày.

Dân Iraq không thèm đi bỏ phiếu vì chán giới chính trị tham nhũng - Ảnh 2.

Những người ủng hộ Liên minh Sairun xuống đường tuần hành sau khi phòng phiếu đóng cửa tối 12-5 ở Sadr City, quận hành chính thuộc thủ đô Baghdad - Ảnh: REUTERS

Các cử tri Iraq tại 18 tỉnh và thành phố của Iraq sẽ lựa chọn 329 ghế từ 6.990 ứng cử viên, trong đó có 2.011 ứng cử viên nữ.

Ngoài 8.959 điểm bỏ phiếu trong nước, các điểm bỏ phiếu cũng được lập ở 21 quốc gia để cử tri Iraq ở nước ngoài thực hiện quyền công dân. 

Khoảng 1 triệu cử tri Iraq đang sinh sống ở nước ngoài đã tham gia bỏ phiếu từ ngày 10-5.

Kể từ sau cuộc tấn công do Mỹ phát động năm 2003 chống chính quyền Saddam Hussein, các cuộc bầu cử diễn ra tại Iraq đều bị cản trở do tình trạng bạo lực đẫm máu.

Hiện các điểm bỏ phiếu trên toàn Iraq đều đã đóng cửa và kết quả kiểm phiếu dự kiến được công bố trong vòng 48 giờ tới.

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán để chọn ra một thủ tướng có nhiệm vụ thành lập chính phủ có thể sẽ kéo dài nhiều tháng.

Các nghị sĩ trúng cử từ danh sách của 87 chính đảng sau đó sẽ có nhiệm vụ thành lập chính phủ và bầu ra thủ tướng cùng tổng thống. Hiến pháp Iraq quy định thời hạn 90 ngày để thành lập chính phủ sau khi kết quả bầu cử được chính thức công bố. Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố trong 3 ngày tới.

Dân Iraq không thèm đi bỏ phiếu vì chán giới chính trị tham nhũng - Ảnh 3.

Kiểm tra an ninh kỹ lưỡng tại điểm bỏ phiếu ở thủ đô Baghdad ngày 12-5. An ninh được thắt chặt với việc Iraq cho đóng cửa toàn bộ sân bay và cửa khẩu trong 24 giờ trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử - Ảnh: REUTERS

Những cử tri đi bỏ phiếu là những người thực sự hi vọng có sự thay đổi trong bối cảnh Iraq đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

Họ kỳ vọng chọn lựa được những gương mặt mới xứng đáng cho Quốc hội vốn có nhiệm vụ chính là giám sát việc tái thiết đất nước.

Vào tháng 2 vừa qua, các nhà tài trợ quốc tế đã đi đến thống nhất dành cho Iraq 30 tỉ USD cho công cuộc xây dựng lại hạ tầng sau hơn 3 năm chống khủng bố IS.

15 năm cuộc chiến Iraq - lời cảnh tỉnh cho nhân loại

TTO - Rạng ráng 20-3-2003, không quân Mỹ bắt đầu dội bom xuống thủ đô Baghdad của Iraq, mở màn cho cuộc xâm lược một quốc gia Trung Đông khi đó đang được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo chống Mỹ.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        518,221       9