Thế giới

Nội các mới của Zimbabwe toàn tướng quân đội

TTO - Không ngạc nhiên khi những vị trí cấp cao nhất trong chính phủ của Tổng thống "Cá sấu" Emmerson Mnangagwa thuộc về các tướng lĩnh đã góp phần giúp ông hạ bệ người tiền nhiệm Robert Mugabe.

Nội các mới của Zimbabwe toàn tướng quân đội - Ảnh 1.

Tân ngoại trưởng Zimbabwe Sibusiso Moyo là cựu tham mưu trưởng quân đội, người đã tham gia vào cuộc hạ bệ chóng vánh ông Mugabe cách đây 2 tuần - Ảnh: REUTERS

Danh sách nội các mới gồm 22 thành viên, phần lớn trong đó thuộc đảng ZANU-PF cầm quyền đã được công bố ngày 1-12. 

Cựu Tham mưu trưởng Quân đội quốc gia Zimbabwe, tướng Sibusiso Moyo được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng; người đứng đầu Không quân nước này, tướng Perence Shiri được chỉ định làm Bộ trưởng Đất đai và Văn hóa; cựu Bộ trưởng an ninh nhà nước Kembo Mohadi làm Bộ trưởng Quốc phòng.... 

Cuộc động binh ngày 15-11 của quân đội Zimbabwe đã dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Mugabe một tuần sau đó. 

Trở về nước sau thời gian ngắn lưu vong, cựu phó tổng thống Mnangagwa, người có biệt danh "Cá sấu", đã nhanh chóng leo lên chiếc ghế cao nhất đất nước đang có tới hơn 90% người dân thất nghiệp.

Phát biểu trước hàng chục ngàn người ủng hộ trong lễ tuyên thệ ngày 24-11, ông Mnangagwa tuyên bố sẽ tái thiết kinh tế đất nước. 

Với những cam kết đó, người ta đã từng kỳ vọng những gương mặt mới, được chọn một cách rộng rãi trong xã hội sẽ xuất hiện trong tân chính phủ. Nhưng những gì ông Mnangagwa đang làm cho thấy ổn định chính trị mới là ưu tiên trước mắt.

Nói như một nhà quan sát, thực chất những gì đang diễn ra ở Zimbabwe thời hậu Mugabe chỉ là "bình mới rượu cũ". Danh sách nội các toàn những tướng lĩnh, những người thân cận với ông Mnangagwa hoàn toàn nằm trong suy đoán từ đầu.

"Nó giống như một sự tưởng thưởng dành cho quân đội Zimbabwe", ông Alex Magaisa, một nhà phân tích chính trị người Anh, viết trên Twitter.

Không phải đợi đến khi trở thành tân ngoại trưởng, ông Moyo mới được người ta biết đến. Hai tuần trước, cả thế giới đã biết đến ông qua sóng truyền hình quốc gia Zimbabwe. 

Vị tham mưu trưởng quân đội Zimbabwe khi ấy khẳng định quân đội Zimbabwe không đảo chính, mà chỉ là "đang nhắm vào lũ tội phạm (bên cạnh Mugabe), những kẻ đã gây ra suy thoái kinh tế và xã hội cho đất nước"

Trong khi đó, khi nhắc đến cái tên Shiri, người dân Zimbabwe nào cũng thấy sợ hãi. Cựu chỉ huy Lữ đoàn số 5 tinh nhuệ do ông Shiri chỉ huy đã gây ra vụ thảm sát Gukurahundi khiến hơn 20.000 người thiệt mạng năm 1983.

Tân bộ trưởng truyền thông Chris Mutsvangwa - từng là Chủ tịch Hội cựu chiến binh rất có ảnh hưởng ở Zimbabwe, và là người tỏ ra quyết liệt yêu cầu ông Mugabe từ chức, nhưng đã giữ thái độ im lặng trước yêu cầu bình luận từ hãng tin Reuters về thành phần nội các mới công bố hôm nay.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        518,567       27