Thế giới

Trị làm quá giờ ở Nhật theo kiểu 'giơ cao đánh khẽ'

TTO - Tập đoàn quảng cáo Dentsu của Nhật Bản hôm 6-10 vừa bị phạt 4.400 USD vì không khắc phục tình trạng lao động quá giờ bất hợp pháp đã được thanh tra chỉ ra trước đó.

Trị làm quá giờ ở Nhật theo kiểu giơ cao đánh khẽ - Ảnh 1.

Mẹ của cô Matsuri Takahashi cho biết sẽ tiếp tục giám sát Dentsu để công ty khắc phục các sai lầm - Ảnh: REUTERS

Công ty bị cáo buộc đã buộc bốn nhân viên làm quá giờ bất hợp pháp và một trong số đó đã tự tử vào năm 2015.

Khuấy động dư luận ít lâu rồi thôi

Hình phạt tòa đưa ra được coi là nhẹ trước sự mất mát được tính bằng tính mạng con người - nữ nhân viên Matsuri Takahashi của công ty đã tự tử năm 2015 ở tuổi 24 ngay trong ngày Giáng sinh. Trước khi quyết định chấm dứt cuộc sống, cô Takahashi đã tâm sự rằng cô chỉ được ngủ 10 tiếng một tuần.

Chết do làm việc quá sức (Karoshi) là một vấn đề nhức nhối từ lâu trong xã hội Nhật Bản.

Theo các nhà điều tra, cô Takahashi đã làm thêm 100 giờ mỗi tháng suốt một thời gian trước khi tự tử.

Tuần qua, cùng với phiên tòa thẩm vấn lãnh đạo Công ty Dentsu, vấn đề làm việc quá giờ được nhấn mạnh trở lại trên báo chí Nhật Bản khi Đài truyền hình NHK của nước này xác nhận nguyên nhân cái chết của nữ phóng viên Miwa Sado 31 tuổi vào năm 2013 là do ngưng tim vì làm việc quá nhiều.

Một năm sau cái chết của cô Sado, nhà chức trách địa phương đã kết luận nữ phóng viên mảng chính trị đã làm việc quá giờ tổng cộng 159 giờ trong một tháng và chỉ có đúng hai ngày nghỉ trong tháng cuối đời. Tuy nhiên, cha mẹ cô đã yêu cầu nguyên nhân cái chết được giữ kín cho đến gần đây.

Cho đến hôm nay, bốn năm sau khi mất con gái, chúng tôi vẫn không thể chấp nhận thực tế là con gái chúng tôi đã ra đi mãi mãi và mong rằng nỗi buồn của gia đình tôi sẽ không uổng phí"

Cha mẹ nữ phóng viên Miwa Sado

Dentsu và NHK là một trong những cái tên mới nhất bị bôi đen bởi những cái chết vì kiệt sức của người lao động trong khi não trạng này đã diễn ra từ những năm 1960.

Các con số chính thức cho thấy tại Nhật Bản năm ngoái có 191 trường hợp tử vong liên quan đến karoshi mỗi năm, với các nguyên nhân do đau tim, đột quỵ và tự tử. Tuy nhiên, người ta cho rằng con số thật cao hơn nhiều.

Một cuộc khảo sát của chính phủ công bố năm ngoái cho thấy gần một phần tư các công ty Nhật Bản có nhân viên làm việc hơn 80 giờ làm thêm một tháng, thường là chưa được thanh toán. 12% công ty có nhân viên làm thêm 100 giờ một tháng.

Làm thêm 80 giờ một tháng như trên được coi là mức độ sẽ làm tăng nguy cơ tử vong.

Làm việc đến chết - có đáng?

Ông Scott North, giáo sư ngành xã hội học tại Đại học Osaka, nói karoshi là căn bệnh mãn tính của xã hội Nhật Bản nhưng hình phạt nhẹ nhàng mà tòa dành cho Dentsu, một trong những tập đoàn quảng cáo lớn nhất đất nước sẽ không thay đổi được tình hình.

Ông nói: "Một vài cái chết chỉ được coi như một chi phí tương đối nhỏ trong kinh doanh, đặc biệt là khi so với chi phí nhân công tiết kiệm được khi bắt người lao động làm thêm giờ".

Một con số đáng chú ý hơn: Nhật Bản có khoảng 2.000 thư khiếu nại và yêu cầu bồi thường liên quan đến làm thêm quá nhiều và khoảng 37% trong số này được bồi thường.

Dĩ nhiên là không phải tất cả các đơn khiếu về các trường hợp tự tử hay chết đều có nguyên nhân do đau tim hoặc các bệnh tuần hoàn liên quan đến làm việc quá nhiều. Đôi khi, các nạn nhân bị đột quỵ hoặc trầm cảm nặng và không thể tiếp tục làm việc dù còn sống.

Trước áp lực ngày càng gia tăng của công chúng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua một kế hoạch cải tổ sâu rộng về điều kiện làm việc, bao gồm việc làm thêm giờ và trả lương cho nhân viên tốt hơn.

Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để thay đổi văn hóa của giờ làm việc dài, bao gồm khuyến khích nhân viên nghỉ phép nhiều hơn. Các công ty cũng đã thực hiện ngày "về nhà sớm" bắt buộc.

Về phần mình, những nỗ lực cải cách của Dentsu sau cái chết của Takahashi được báo cáo bao gồm tắt đèn vào lúc 10 giờ mỗi đêm để buộc nhân viên phải rời khỏi công ty.

Luật có như không

Một đạo luật được thực hiện vào năm 2014 để chống lại karoshi tập trung vào các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức.

Tuy nhiên, giáo sư Scott North chỉ ra nghịch lý là trong khi đòi hỏi các nhà tuyển dụng phải nỗ lực để giảm giờ, chính quyền đã không áp đặt hình phạt nào nếu công ty không tuân thủ. Đây giống như là những cam kết suông.

Một người lao động 38 tuổi trong lĩnh vực ngân hàng cho biết cô thất vọng vì "công ty tôi hứa sẽ cải cách về giờ làm nhưng tôi đang phải làm việc quá giờ còn nhiều hơn trước đây. Tôi thậm chí còn phải làm ngày thứ bảy".

Mẹ của Matsuri, bà Miyuki, khẳng định và sẽ tiếp tục đòi hỏi công lý, không phải cho con mình mà cho những người lao động để chắc chắn Công ty Dentsu có khắc phục sai lầm của họ. "Tôi rất mừng vì hành vi vi phạm luật pháp đã được xác định tại tòa án, nhưng tôi không thể tin tưởng ngay lập tức những lời của lãnh đạo công ty về cam kết sửa đổi", bà nói.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        518,087       17