Thế giới

Triều Tiên gọi lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc là 'thù địch'

Triều Tiên "bác bỏ hoàn toàn" lệnh trừng phạt mới nhất từ Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng, gọi đây là "hành động thù địch".

Tên lửa Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 15/4. Ảnh: Reuters.

Tên lửa Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 15/4. Ảnh: Reuters.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/6 tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên do nước này liên tục thử tên lửa, thông qua nghị quyết đầu tiên được Mỹ và Trung Quốc nhất trí dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Nghị quyết trừng phạt "là hành động thù địch với mục đích kiềm chế Triều Tiên xây dựng lực lượng hạt nhân riêng, giải giáp và khiến kinh tế Bình Nhưỡng suy sụp", KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói hôm nay.

Người phát ngôn khẳng định, bất kể lệnh trừng phạt và áp lực là gì, Triều Tiên "sẽ không từ bỏ con đường xây dựng lực lượng hạt nhân, được chọn để bảo vệ chủ quyền quốc gia, và quyền tồn tại quốc gia, sẽ hướng đến thắng lợi cuối cùng".

Triều Tiên bác bỏ mọi nghị quyết Hội đồng Bảo an áp đặt với nước này từ năm 2006, khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần đầu. Triều Tiên nói lệnh trừng phạt xâm phạm quyền chủ quyền về tự vệ.

Mỹ gặp khó trong việc kìm hãm chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Trump đã thúc giục Trung Quốc tác động đến Triều Tiên, cảnh báo không loại trừ biện pháp nào khi đối phó nếu Bình Nhưỡng vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình vũ khí.

Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Trung Quốc "vẽ đường và thực thi" nghị quyết trừng phạt ở Hội đồng Bảo an "sau khi thỏa thuận với nhau tại hậu trường".

"Sẽ là sai lầm chết người nếu các quốc gia ... nghĩ họ có thể trì hoãn hoặc ngăn Triều Tiên phát triển lực lượng hạt nhân dù chỉ trong một khoảnh khắc", người phát ngôn cho biết thêm.

Lệnh trừng phạt Hội đồng Bảo an thông qua ngày 2/6 bổ sung 4 tổ chức và 14 cá nhân Triều Tiên vào danh sách cấm vận.

Hội đồng Bảo an biểu quyết thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên

Như Tâm

VNExpress

Triều Tiên, Liên Hợp Quốc, lệnh trừng phạt


      © 2021 FAP
        518,387       38